Sức khoẻ cụ rùa rất yếu
Hầu hết các đại biểu đều nhất trí với quan điểm là tình trạng sức khoẻ của cụ rùa đang ở mức nghiêm trọng, cần phải được cứu chữa. Các chuyên gia đưa ra những phỏng đoán ban đầu, vết thương của cụ rùa có thể liên quan tới rất nhiều nguyên nhân như: Do vướng phải móc câu cá, va quệt vào các vật sắc, nhọn dưới lòng hồ… Có ý kiến thì cho rằng cụ rùa bị nhiễm khuẩn do các loại ký sinh trùng và rùa tai đỏ tấn công.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2011/images/2011-02-16/1436310731-40_13_curua.jpg) |
Theo nhận định của các nhà khoa học, sức khoẻ của cụ rùa hồ Gươm hiện rất yếu. |
Theo GS Hà Đình Đức - chuyên gia về rùa: "Trong năm 2010, cụ rùa đã nổi 134 lần và chỉ tính riêng 15 ngày đầu của tháng 2.2011, cụ rùa đã nổi tới 10 lần, riêng ngày 14.2 nổi tới 2 lần. Điều đó cho thấy, sức khoẻ của cụ rùa đang ở mức báo động, cần đưa cụ rùa lên chăm sóc".
TS Phan Thị Vân - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản 1 lại cho rằng: "Hiện trên thế giới chưa có nghiên cứu nào khẳng định số lần nổi liên quan tới sức khoẻ và thể trạng của rùa. Thực tế, loài rùa còn thở cả bằng da nên có thể ngụp dưới nước khoảng 5 tiếng, tức là trong ngày rùa vẫn nổi lên mặt nước".
Ông Timothy Mcormack - Điều phối viên Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) khẳng định: "Quan sát trên những tư liệu từ ảnh, video ghi lại rùa hồ Hoàn Kiếm nổi lên cho thấy, tình trạng sức khoẻ đang ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, cần phải có thêm nhiều hình ảnh cận cảnh hơn và cả video, thậm chí cần tiến hành lấy mẫu để nghiên cứu, xác định tình trạng sức khoẻ, giới tính của cá thể rùa này".
Có đưa cụ rùa lên bờ?
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2011/images/2011-02-16/1436310731-leftquote.png)
Tôi thấy, hội thảo có vài chục ý kiến khác nhau nhưng chưa thống nhất giải pháp nào. Cuối cùng vẫn chỉ dừng lại ở mức độ phỏng đoán theo kiểu "thầy bói xem voi.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2011/images/2011-02-16/1436310731-rightquote.png)
GS Hà Đình Đức
TS Phan Thị Vân - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản 1 cho rằng, nếu để rùa ở môi trường hồ Gươm sẽ rất khó điều trị. Trường hợp cho thuốc vào thức ăn, chưa chắc rùa đã ăn được, mà bị các loại sinh vật khác ăn mất.
Còn bôi trực tiếp thuốc lên vết thương sẽ ảnh hưởng tới da là cơ quan hô hấp, có thể làm tình trạng sức khoẻ của rùa yếu đi.
Riêng phương án đưa rùa lên bờ thì cần tính đến việc thay đổi môi trường sống. Trước mắt, nếu chưa thống nhất được giải pháp, cần phải có những giải pháp dài hạn bảo vệ rùa hồ Hoàn Kiếm như: Đảm bảo môi trường sống, đảm bảo an ninh, có kế hoạch đối phó với tình trạng khẩn cấp, đặc biệt là biện pháp tuyên truyền cho người dân ý thức bảo vệ sinh thái hồ Hoàn Kiếm, bảo vệ cụ rùa…".
Theo TS, bác sĩ thú y cao cấp Nimal Ferando (Hongkong): "Tốt nhất là giữ rùa ở tại môi trường nước của hồ Gươm, vừa kết hợp điều trị bệnh vừa cải tạo, thay đổi môi trường nước, dọn vệ sinh dưới lòng hồ".
Kết luận tại hội thảo, TS Lê Xuân Rao - Giám đốc Sở KHCN Hà Nội cho biết: Sở KHCN ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhiều người dân đã dành tình yêu, tâm huyết để hiến kế cứu cụ rùa. Các giải pháp tổng thể về môi trường mặt nước, lòng hồ… tuyên truyền nâng cao ý thức người dân là có thể triển khai được ngay.
Riêng phương án đưa cụ rùa lên bờ hay chữa trị tại chỗ hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, trên cơ sở tổng hợp lại các ý kiến, Sở KHCN sẽ tổ chức thảo luận kỹ hơn với các chuyên gia mới đưa ra phương án cụ thể trong thời gian tới.
Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.