Cụ Rùa Hồ Gươm muốn bò lên bờ?!

Thứ sáu, ngày 11/02/2011 14:04 PM (GMT+7)
Dân Việt - Khác với những lần nổi trước thường ở khu vực giữa hồ, mới đây nhất, cụ Rùa Hồ Gươm đã nổi lên rất sát bờ và dường như còn muốn bò cả lên bờ. Đáng chú ý, trên lưng cụ Rùa hiện đang có một vệt trắng lớn.
Bình luận 0

Từ đầu năm Tân Mão đến nay, người dân Thủ đô đã có vài lần chứng kiến cảnh cụ Rùa Hồ Gươm nổi lên mặt nước, bơi rất chậm, với dáng vẻ vô cùng mệt mỏi.

Đáng chú ý, trên lưng cụ Rùa hiện đang có một vệt trắng lớn, chạy kéo dài dọc mai. So với những hình ảnh ghi lại hồi cuối năm 2010 thì có thể thấy, đây chắc chắn là vệt trắng mới xuất hiện.

img
Trên lưng cụ Rùa xuất hiện vệt trắng lớn, ngày 9-2. Ảnh: ANTĐ

Theo “nhà rùa học” - PGS.TS Hà Đình Đức, để xác định vệt trắng trên lưng cụ Rùa có phải là thương tổn hay không thì phải xem xét kỹ, có thể đây là một loại nấm mốc nào đó.

Tình trạng sức khỏe của cụ Rùa rõ ràng đang rất đáng báo động, khi những bức ảnh chụp mới đây nhất đã cho thấy, cụ Rùa bị khá nhiều vết thương và những vết thương đều có dấu hiệu lở loét không chỉ ở cổ, mai, mà ở khắp quanh thân, các kẽ chân, móng chân, da...

img
Tình trạng sức khỏe của cụ Rùa đang rất đáng báo động. Ảnh: TT&VH

Trong lần nổi mới nhất vừa rồi, mặc dù chỉ xuất hiện trong vài phút rất sát bờ, cụ rùa Hồ Gươm dường như còn có ý định trèo lên bờ, nhưng bất thành.

img
Cụ Rùa cố gắng trèo lên bờ, nhưng bất thành. Ảnh: TT&VH

Trước đó, người ta cũng đã chứng kiến những hình ảnh đáng lo ngại cho cụ Rùa Hồ Gươm như cảnh cụ bị mắc phải lưỡi câu chùm, hay lần cụ nổi lên mặt nước, lộ nhiều vết thương trên người cùng sợi dây cao su quấn quanh miệng hôm 22-11-2010, và cả cảnh tượng rùa tai đỏ “mượn” lưng cụ Rùa để du ngoạn hôm 18-12-2010…

Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều nhà khoa học đang lo ngại nhất hiện nay là làm thế nào để chữa vết thương cho cụ Rùa. PGS.TS Hà Đình Đức cho biết, thời gian qua ông đã đưa ra rất nhiều ý kiến đề xuất vấn đề đưa cụ Rùa Hồ Gươm lên khu đất cạnh Tháp Rùa để chữa chạy các vết thương trên mình. Theo ông, chỉ cần đưa cụ lên bờ nửa ngày để chữa trị vết thương là được.

img
Cụ Rùa với vết thương lở trên mai, ngày 30-12-2010. Ảnh: VnExpress

"Nhà rùa học” cũng khẳng định, với tình trạng rùa tai đỏ xâm lấn, môi trường ô nhiễm, va chạm, tác động với những vật khác dưới Hồ Gươm, vết thương trên mình cụ Rùa ngày càng nặng hơn. Cứ để vậy thì đến 4-5 năm nữa, các vết thương đó cũng chưa chắc đã lành lại mà ngày càng có xu hướng bị lở loét, nguy hiểm đến tính mạng.

img
Cụ Rùa Hồ Gươm bị dính lưỡi câu chùm

Trước tình trạng đáng báo động về sự an nguy của “báu vật Hồ Gươm”, vào ngày 15-2 tới đây, tại Hà Nội, Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội sẽ tổ chức một cuộc hội thảo khoa học quốc tế về bảo vệ cụ Rùa Hồ Gươm, với sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Theo ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội, sau khi nghe thông tin có hội thảo khoa học đặc biệt về cụ Rùa Hồ Gươm, một số nhà khoa học nước ngoài đã tự nguyện đăng ký tham dự. Điều này cho thấy sự quan tâm của các nhà khoa học quốc tế đối với những vấn đề liên quan tới cụ Rùa Hồ Gươm - thuộc loài rùa quý hiếm “độc nhất vô nhị” còn sót lại ở khu vực châu Á.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem