Nữ giảng viên trót đam mê nghề điện, trong nhà có gì hỏng là mặc định về tay
Nữ giảng viên trót đam mê nghề điện: Ở trường toàn nam giới, trong nhà có gì hỏng là mặc định về tay
Tào Nga
Thứ sáu, ngày 17/12/2021 06:54 AM (GMT+7)
"Là nữ nhưng lại học ngành kỹ thuật nhiều lúc tôi cũng thấy mặc cảm với mọi người về đôi bàn tay của tôi, liệu tôi có phải sinh ra để học ngành kỹ thuật hay không", cô Phương thổ lộ.
Gặp cô Vũ Thị Phương (SN 1984) ai cũng bất ngờ bởi người phụ nữ mảnh mai, xinh tươi ấy lại theo đuổi ngành điện - ngành mà mọi người thường mặc định chỉ dành cho nam giới. Hiện cô Phương là giảng viên khoa Điện - Điện tử, trường CĐ Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp, Thái Nguyên.
Chia sẻ về lý do đến với ngành điện, cô Vũ Thu Phương cho hay: "Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống nhà giáo, bố mẹ tôi là những giáo viên của thế hệ 5X tại trường nghề mà tiền thân là trường CĐ Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp bây giờ. Có lẽ đó cũng là lý do mà tôi có thiên hướng bẩm sinh đam mê nghề điện".
Cô Phương kể lại, ngay từ khi còn nhỏ, khi thấy bố thường xuyên sửa chữa các thiết bị điện trong nhà, cô đã tò mò muốn được học. Khi còn ngồi trên ghế trường THCS, cô bắt đầu được làm quen với môn học nghề điện dân dụng, đây cũng là mốc đánh dấu đầu tiên của cô đến với cái duyên dạy nghề điện bây giờ. Lúc đó học điện cũng chỉ đấu lắp những bảng điện đơn giản, có thể với các bạn nữ trong lớp để vượt qua bài thi thực hành rất khó khăn, nhưng cô Phương thì rất hứng thú.
Sau khi học xong THPT cô Phương đã quyết định theo học trường kỹ thuật. Cô thừa nhận, so với các bạn cùng trang lứa học ngành Quản trị, Luật… thì các bạn ăn nói bao giờ cũng nhẹ nhàng, ăn mặc cũng nữ tính hơn cô.
"Người ta thường nói "Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò", vì là dân ngành kỹ thuật, lại có phần tính cách nam tính nên nhiều lần tôi cũng làm cho bà chủ xóm trọ chạy ra chạy vào, không biết tại sao điện nhà mình cứ lúc có lúc tắt mà nhà bên thì sáng choang… Nghĩ lại thấy thương bà chủ, nhưng đấy cũng là kỷ niệm có thể nói là bồng bột nhưng vui của tuổi học trò", cô Phương vui vẻ chia sẻ.
Không chỉ có tính cách mạnh mẽ, ăn mặc không được điệu đà mà với cô Phương, nữ giới đến với ngành điện cũng gặp nhiều thiệt thòi. "Là nữ nhưng lại học ngành kỹ thuật nhiều lúc tôi cũng thấy mặc cảm với mọi người về đôi bàn tay của tôi, liệu tôi có phải sinh ra để học ngành kỹ thuật hay không.
Nữ giới đôi bàn tay thường trắng trẻo, mềm mại, ngược lại đôi tay tôi gân guốc có thể nói không được đẹp cho mấy. Tuy so với nữ giới có thể tôi khoẻ mạnh hơn nhưng xét trong góc độ làm kỹ thuật thì vẫn là rào cản. Nữ giới không thể trèo cao vác nặng, hay khi cần dùng sức để mở hoặc siết những con ốc thì đó cũng là khó khăn, nhưng với lòng yêu nghề tôi đều có thể vượt qua và khẳng định nữ giới làm được", cô Phượng bày tỏ.
15 năm và bảng thành tích dày dặn
Sau 15 năm đến với duyên nghề giáo ngành kỹ thuật cô Phương đã trải qua 2 lần thi cấp trường, 2 lần thi cấp tỉnh và 1 lần thi giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia. Với lần thi giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia năm 2021 do Sở Lao động và Thương binh Xã hội tổ chức, cô Phương đã vinh dự được tỉnh cử đi thi và đã đạt được giải Nhì trong hội thi.
Mặc dù thuộc tuýp người mạnh mẽ, thành công trong công việc nhưng trong cuộc sống gia đình, cô Phương cũng như bao người phụ nữ khác. Ngoài giờ làm việc ở trường, ra khi về nhà cô cũng chăm lo nhà cửa, dạy con cái học tập. Nhưng cũng vì là giáo viên kỹ thuật nên những việc sửa chữa thiết bị điện hay mạng điện trong gia đình hỏng thì mặc định đó là nhiệm vụ của cô Phương, còn chồng sẽ có nhiệm vụ sửa chữa khía cạnh cơ khí.
Còn với con cái, cô Phương chia sẻ quan điểm dạy con: "Với thời hiện đại bây giờ, tôi nghĩ không nên áp đặt những gì mình cho là đúng lên con cái. Có thể tôi sẽ phân tích cho con hiểu những điều tôi cho là đúng, còn việc con có chọn và nghe theo những gì mình cho là đúng hay không thì tuỳ con cảm nhận của con. Khi đam mê cháy đúng lúc mới hiệu quả nhất, giống như tôi đam mê nghề điện mà bảo tôi đi học làm hoạ sĩ hay làm ca sĩ, chắc tôi sẽ không làm tốt được. Vì vậy cần phải để con học và làm những gì con đam mê, còn bố mẹ chỉ là người định hướng".
Kể về kế hoạch trong tương lai, cô Phương thổ lộ có ý định học tham gia một số khoá học sửa chữa điện lạnh, điện tử để mở rộng tầm hiểu biết. "Tôi nghĩ học không bao giờ thừa, có thể nó không phục vụ cho việc dạy học ở trường nhưng nó sẽ làm ta mở mang hơn khi tiếp cận với công nghệ hiện đại thời kỳ 4.0", nữ giảng viên tiết lộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.