Chưa bao giờ "nặng lời" nhưng dạy con học lớp 1, phụ huynh thú nhận đã đánh con

Tào Nga Thứ năm, ngày 28/10/2021 07:57 AM (GMT+7)
Mỗi ngày phải thuộc ít nhất 2 từ mới kèm theo nhiều bài tập khiến buổi học trôi qua cả bố mẹ và con đều cảm thấy căng thẳng.
Bình luận 0

Con học lớp 1 quá nhanh và quá nhiều?

Là phụ huynh có con học lớp 1 nhưng ngay từ đầu năm học mới chị Hoàng Thị Thủy, quận Thanh Xuân, Hà Nội luôn cảm thấy mệt mỏi, áp lực.

Theo chị Thủy, sau 2 tháng kèm con học chị cảm thấy chương trình hiện nay quá nhanh, lượng từ mới con phải tiếp thu mỗi ngày quá nhiều, chưa kịp nhớ từ này buổi học sau đã học từ khác và học chưa lâu nhưng giáo viên yêu cầu con phải đọc trơn tru. Con vào lớp 1 vật vã và giờ lại học online do học sinh Hà Nội chưa được đến trường khiến việc học càng khó khăn hơn gấp nhiều lần.

"Con học online 3 môn là Tiếng Việt, Toán, Đạo đức còn Thể dục, Âm nhạc thì giáo viên gửi clip cho phụ huynh ở nhà tự hướng dẫn cho con rồi quay video gửi vào nhóm. Mỗi ngày mình nhận tin nhắn của cô với số bài tập mà thấy oải. Cả ngày ôn bài như đánh vật, tối lại học online từ 7h30 đến hơn 10h mà quay cuồng. Trong đó học nặng nhất là môn Tiếng Việt", chị Thủy cho hay.

Hối hận không cho con lớp 1 đi học chữ trước, mẹ bất lực chỉ muốn... "hóa thú" - Ảnh 1.

Hối hận không cho con lớp 1 đi học chữ trước, mẹ bất lực chỉ muốn... "hóa thú" - Ảnh 2.

Các bài Tiếng Việt trong các bộ sách giáo khoa lớp 1. Ảnh: NVCC

Chị Thủy lấy dẫn chứng: "Không chỉ đơn giản là các bài a, b, c... Ngay từ khi bước vào bài học đầu tiên, mỗi ngày các con phải học thuộc 2 từ mới và được ghép với bài tập đọc dài. Cuối mỗi buổi học là học sinh phải tập viết ít nhất 1 trang giấy.

Như tối nay con tôi học đến bài có 2 vần ăm, ăp nhưng trước đó con đã học thuộc các từ mới ph, th, ngh, ng, tr, ch, ua, ưa, v, y... rồi làm quen với chữ hoa, chữ viết. Trước mỗi bài học mới, cô giáo nhắn tin yêu cầu phụ huynh cho con đọc bài trước để khi vào buổi học online con phải đọc trơn tru chữ và bài tập đọc. Sau đó là loạt tin nhắn bài tập viết chữ cùng với bài tập Toán".

Theo chị Thủy, chương trình học sinh lớp 1 học như vậy là học quá nhanh và quá nhiều. Hiện tại con chị Thủy vẫn trong tình trạng bập bẹ đánh vần từng chữ, chữ chưa đọc thạo, thường xuyên quên các chữ ghép khó như ph, tr, qu, th và nhiều lúc nhầm lẫn chữ i viết hoa với chữ l viết thường.

"So với các bạn cùng lớp, con tôi nằm trong số học sinh đọc chậm, chữ viết cần uốn nắn nhiều. Khi hỏi các phụ huynh khác kinh nghiệm dạy con học, hóa ra các bạn khác đều đã học chữ trước, có em học lớp tiền tiểu học từ tháng 3", chị Thủy bày tỏ.

Mỗi buổi học mẹ và con như đánh trận

Chị Nguyễn Thu Huyền, quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ, từ trước đến nay chị rất ít khi quát mắng con mà luôn tìm cách giảng giải cho con hiểu. Thế nhưng khi con bước vào lớp 1, tình cảm mẹ con chính thức bị... sứt mẻ - đúng như cách nói của các phụ huynh dạy con học.

A3F3B3C8-1C38-4B70-9694-EFA2F2BB8429_1_105_c.jpeg

Một phụ huynh ở Hà Nội có con đang học lớp 1. Ảnh: NVCC

"Tối nào tôi cũng gác hết mọi việc lại để ngồi kèm con học online. Do không được học trực tiếp nên con không có được sự tập trung cần thiết. Thực sự không thể bắt đứa trẻ ngồi nhìn vào máy tính nghe một giọng nói phát ra suốt hơn 2 giờ đồng hồ. Có buổi học con được cô giáo gọi 2 lần nhưng có buổi chỉ gọi đọc đúng 1 chữ, thậm chí có hôm giơ tay cả buổi không được gọi lần nào. Khi đó con lại buồn chán làm việc riêng, có khi bỏ ra phòng khách ngồi. Mẹ thì ra rả quát: "Con tập trung học đi", "Con ngồi ngay ngắn vào".

Áp lực hơn là giáo viên thường xuyên nhắc nhở "Chị cho con đọc nhiều hơn vì con đọc chậm lắm", "Lúc con viết mẹ không ở cạnh kèm hay sao mà sai hết cả"... Thế nên, 2 tháng qua lúc nào tôi cũng phải kè kè bên cạnh con kể cả lúc học online và làm bài tập", chị Huyền cho hay.

Không chỉ có chị Thủy, chị Huyền, trên các diễn đàn hội cha mẹ có con học lớp 1 cũng ghi nhận nhiều trường hợp tương tự. Có phụ huynh cho biết: "Dạy con hết mức rồi mà con vẫn không hiểu phép tính mà muốn “phát điên” luôn. Quát mắng, thậm chí không kiềm chế được bán thân đánh cả con vì cảm thấy bất lực".

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Lương Ngọc Anh, giáo viên Trường Tiểu học Times School, Hà Nội cho biết, hiện tại học sinh lớp 1 đã học được khoảng 2 tháng. Các em đã có những kỹ năng đầu tiên là kỹ năng đọc, viết và làm toán. Trong quá trình dạy học, cô Ngọc Anh cũng nhận được nhiều câu hỏi của các bậc phụ huynh.

Cô Ngọc Anh đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh: "Về môn Tiếng Việt, phụ huynh thường xuyên hỏi là “Tại sao con không đọc trơn được mà chỉ đánh vần thôi. Làm thế nào để con đọc trơn được nhanh hơn”. Ở môn Tiếng Việt, kỹ năng đọc có kỹ năng đánh vần và đọc trơn. Kỹ năng đánh vần là cơ bản nhất, Học sinh đánh vần được thì mới đọc trơn được. Ví dụ như từ "bà", các con sẽ đánh vần "bờ a ba huyền bà". Và tiếng cuối cùng con phát âm là "bà" thì con đọc trơn là "bà". Con phát âm tiếng đó hoàn chỉnh nhất. Muốn đọc trơn tốt thì phải đánh vần nhiều để ghi nhớ âm, chữ. Do đó không còn cách nào khác ngoài cho con đánh vần thật nhiều".

Về câu hỏi là làm thế nào để hướng dẫn con viết đẹp, cô Ngọc Anh chia sẻ: "Ở chữ viết tất cả chữ cái đều cấu tạo bởi các nét cơ bản. Muốn con viết đẹp các chữ cái, các tiếng, từ thì bố mẹ phải luyện viết các nét cơ bản thật nhiều. Khi nào con viết đẹp các nét cơ bản, viết đúng độ rộng, độ cao các nét cơ bản đó thì con sẽ viết chữ rất đẹp.

Bố mẹ hãy in cho con 2, 3 phiếu nét cơ bản cho con luyện lại vài lần. Khi ghép vào chữ con chỉ cần nhớ được cách nối từ chữ này sang chữ kia là đã có những câu, từ".

Về kỹ năng tính toán, cô Ngọc Anh cho biết: "Khi nào học sinh được dùng tay và khi nào không được dùng tay để tính toán? Trong quá trình dạy mình đã rút ra được kinh nghiệm có 2 bước. Bước 1, con sẽ ghi nhớ bằng trực quan, tức là con có thể đếm nhìn hình dạng đồ vật để con tưởng tượng. Bước 2 là phải thuộc các phép tính đó. Vì vậy thời gian đầu các cô sẽ cho các con dùng que tính, sau đó con phải học thuộc để làm tính nhanh hơn và vận dụng vào các bài toán khác nhau".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem