Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)
Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức diễn đàn ngân hàng năm 2018: Hướng tới phát triển bền vững. Một trong những nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận tại diễn đàn là kết quả xử lý nợ xấu thời gian vừa qua và định hướng toàn ngành trong những năm tới.
Thu hồi nợ xấu tăng 50%
Trả lời các câu hỏi liên quan tới công tác thu hồi, xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC cho biết: Nghị quyết 42 được quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 15.8.2017 đã tạo ra một bước chuyển biến lớn trong công tác xử lý và thu hồi nợ xấu. Việc đầu tiên mà nghị quyết này làm được, tạo ra đột biến là tạo thay đổi tích cực trong quan niệm, tư duy về nợ xấu. Chuyển từ quan niệm nợ xấu của ngành ngân hàng, sang nợ xấu của nền kinh tế. Vì thế, các tổ chức tín dụng chủ động và tự tin hơn trong xử lý nợ xấu và thể hiện được quyền chủ nợ trong quan hệ vay trả.
Cũng từ nhận thức này, các bộ ngành thời gian qua đã cùng vào cuộc giải quyết nợ xấu cho ngân hàng, nhằm giải phóng, tái tạo nguồn lực mới, tái đầu tư vào nền kinh tế.
Theo đó, ông Đông cho biết, Nghị quyết 42 mới có hiệu lực hơn nửa năm nay, nhưng riêng trong năm 2017 kết quả thu hồi nợ đã tăng mạnh so với 2016 và những năm trước đó. Hiệu quả xử lý nợ đã tăng gấp rưỡi so với thời điểm chưa có nghị quyết 42.
Phân tích về phương thức xử lý nợ xấu của VAMC để đạt được những hiệu quả mới như hiện nay, ông Đông cho biết “muốn xử lý được nợ xấu thì phải hiểu được nó”.
Cụ thể, VAMC chủ yếu mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, từ việc mua những khoản nợ từ 30 tỷ đồng trở lên, đến năm 2018, VAMC bắt đầu chọn mua các khoản nợ có ngưỡng từ 10 tỷ trở lên. Lực lượng cán bộ VAMC sẽ xuống trực tiếp các TCTD để nắm rõ thực trạng, tìm hiểu rõ nguyên nhân rồi đưa phương án xử lý từng khoản nợ.
“Vấn đề thu giữ các tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu nhận được hỗ trợ tích cực của các ngành, địa phương để hợp thức hoá chủ đầu tư, tài sản bảo đảm và chủ đầu tư mới nhanh chóng có nguồn lực triển khai, biến tài sản nằm 1 chỗ đưa vào thực tiễn để khải thác”, ông Đông nói.
Bán nợ dưới giá không còn lo phải “đi tù”
Theo ông Đông, một trong những điểm quan trọng mà Nghị quyết 42 tháo gỡ được trong xử lý nợ xấu đó là trách nhiệm pháp lý của người cho vay. Trước đây quan hệ vay trả với người cho vay thu không đủ nợ dễ phát sinh chuyển thành quan hệ hình sự, cấu thành tội danh thất thoát tài sản nhà nước. Tuy nhiên, Nghị quyết 42 cho phép bán dưới giá trị khoản nợ đã tạp động lực to lớn cho VAMC tự tin hơn trong xử lý. Cũng từ đó ý thức trả nợ của khách hàng đã tốt lên rất nhiều.
Trước đây, khi ngân hàng xử lý thu hồi nợ rất kho khăn, vì khi đã thành nợ xấu là do khách hàng đã không còn nguồn thu nên 10 khách hàng thì chỉ được 1, 2 người có ý thức hợp tác, có thiện chí xử lý nợ. Nhưng sau khi có Nghị quyết 42, VAMC và các ngân hàng được quyền thu giữ tài sản đảm bảo của khách hàng nếu khách hàng vi phạm cam kết, cùng với đó là sự hỗ trợ của địa phương nên tình trạng bất hợp tác của khách hàng đã giảm mạnh. “Đặc biệt, có nhiều trường hợp khách hàng vừa mới nhận được giấy mời lên làm việc của VAMC đã mang tiền lên trả ngân hàng hoặc VAMC”, ông Đông bổ sung.
Vì thế, đến nay nhiều ngân hàng còn nhờ VAMC đứng ra làm đại diện đi thu hồi nợ xấu. Theo ông Đông, đây là một kết quả tốt, tạo tiền đề cho một tâm lý chung sau này về quan hệ vay trả sòng phẳng theo tính thị trường.
Đấu giá toà nhà Saigon Tower sẽ trên nguyên tắc công khai, minh bạch
Trước câu hỏi về việc đấu giá toà nhà Saigon Tower, nằm giữa trung tâm TP.HCM, ông Đông cho biết: Hiện ở Việt Nam, khâu thẩm định giá ở tài sản là nợ xấu đang có đơn vị thẩm định giá độc lập. Riêng với VAMC khi thẩm định một tài sản thường công khai, minh bạch và khi có giá thẩm định rồi thì có hội đồng sẽ xem xét để đưa đấu giá. Quá trình thẩm định giá có thể kéo dài từ 1 đến 3 tháng.
Có tài sản ở VAMC đấu giá đến lần thứ 9 vẫn chưa thể bán được, nhưng sẽ được tiếp tục để tìm được điểm giá phù hợp nhất.
Chia sẻ thêm về kế hoạch xử lý nợ xấu của VAMC thời gian tới, ông Đông cho biết, bắt đầu tư 2018 sẽ hạn chế mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, mà sẽ phân loại lựa chọn các loại nợ từ 10 tỷ trở lên, cùng với đó là thực hiện mua đứt bán đoạn. Hiện VAMC được cấp 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ và đã mua được hơn 3.104 tỷ đồng, đã thu hồi được khoảng ¾ con số trên. Thời gian tới VAMC đã được phê duyệt để tang vốn lên 5.000 tỷ đồng và đang xây dựng kế hoạch phát hành trái phiếu của công ty, hướng tới mua bán nợ theo giá thị trường và chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường, tạo nguồn lực mới cho nền kinh tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.