Bạn tâm giao của GS Trần Văn Khê: "Bạn tôi về rồi, tôi như chiếc bóng lẻ bạn"

Thứ năm, ngày 25/06/2015 07:00 AM (GMT+7)
Trái tim của GS-TS Trần Văn Khê đã vĩnh viễn ngừng đập trên giường bệnh vào lúc 2 giờ 45 phút, ngày 24.6 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh, TPHCM).
Bình luận 0

Theo di nguyện của ông, linh cữu ông sẽ được quản tại ngôi nhà thân thương của ông (32, Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh), từ 7 đến 10 ngày, để các con, các cháu và bạn bè gần xa về kịp dự tang lễ...

Nhạc sư Vĩnh Bảo: “Tôi nghe bạn diễn thuyết đâm ra cũng mê”

Kể về người bạn cố tri, thâm giao của mình, nhạc sư Vĩnh Bảo ngậm ngùi: “Tôi còn nhớ, năm 1972, tôi cùng với GS Trần Văn Khê đã diễn tấu ghi âm Nhạc tài tử Nam bộ cho hãng Ocara và UNESCO tại Pháp, Đây chính là những viên gạch quan trọng đầu tiên để đến tháng 12/2013, Nhạc tài tử Nam bộ được UNESCO công nhận và đưa vào tài sản văn hóa phi vật thể của nhân loại...”.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (năm nay đã 98 tuổi), người mang rất nhiều danh hiệu: "Người bảo vệ cuối cùng của truyền thống", " đệ nhất danh cầm", "nhà sáng tạo nhạc khí tài năng"... còn với nước Pháp thì ông đã là một "hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương". Khi sinh thời, GS.TS Trần Văn Khê là đôi tri âm tri kỷ với nhạc sư, cả ngoài đời và sinh hoạt thường ngày lẫn trong nghệ thuật.

Đây chính là đôi “song kiếm hợp bích” hoàn hảo, hiếm hoi của nghệ thuật Việt Nam trải dài suốt gần cả thế kỷ. Tôn trọng lẫn nhau cả về nhân cách lẫn tình yêu nghệ thuật. Nhạc sư Vĩnh Bảo là thầy dạy đàn cho không biết bao nhiêu thế hệ học trò trong và ngoài nước. GS.TS Trần Văn Khê đã phong cho bạn mình những mỹ hiệu: Hậu tổ của đờn ca tài tử, Đệ nhất danh cầm...

Nhạc sư Vĩnh Bảo (98 tuổi), bạn tâm giao với cố GS-TS Trần Văn Khê: Bạn tôi và t6i đều lớn lên từ cái nôi âm nhạc tài tử. Hai chúng tôi đi đâu, làm gì cũng có nhau. Bạn tôi về rồi, tôi như chiếc bóng lẻ bạn

Nhạc sư Vĩnh Bảo (98 tuổi), bạn tâm giao với cố GS Trần Văn Khê: "Bạn tôi và tôi đều lớn lên từ cái nôi âm nhạc tài tử. Hai chúng tôi đi đâu, làm gì cũng có nhau. Bạn tôi "về" rồi, tôi như chiếc bóng lẻ bạn."

Mến tài, mến đức của nhau, đôi bạn già đi đâu cũng như hình với bóng. Nhạc sư Vĩnh Bảo đau xót: “Tôi nghe bạn mình nằm viện đã lâu rồi nhưng tôi cũng quá giá, đi lại khó khăn, vả lại, nghe nói bạn nằm trong phòng cách ly, vô trùng hoàn toàn lại quá yếu, hạn chế tối đa người thân vô thăm nên tôi cũng có ý đợi bạn về nhà tôi sẽ đền thăm. Nào ngờ... Vẫn biết cái tuổi của tụi tôi là “xưa nay hiếm”, như ngọn đèn hết dầu, không biết tắt lúc nào nhưng ở cái tuổi này, nghe bạn về với ông bà tổ tiên mà lòng cứ đau, cứ tiếc. Nhớ lúc sinh thời, các buổi hòa đờn, trình tấu, nói chuyện, tọa đàm nào, bạn cũng rủ tôi đi bằng được.

Tôi thì ngại vì cái “khoa” ăn nói không bằng bạn. Nhưng bạn cứ chèo kéo mãi mình cũng phải đi. Đi mà nghe bạn nói với khán giả, với người mê nhạc dân tộc, với các bạn trẻ mà tôi cũng... mê theo. Bởi bạn diễn giải,dẫn dắt câu chuyện rất thông tuệ mà ngôn ngữ lại bình dân nên người trong nghề, người “ngoại đạo”, già trẻ, lớn bé gì cũng thấm, cũng hiểu. Đó là cái hay, cái tài của bạn.”.

Người già giọt lệ như sương, nhưng nhạc sư Vĩnh Bảo không giấu được nước mắt khi nói về người bạn tâm giao của mình. Những lời tâm sự của ông, gần như một lời tiễn biệt một người bạn đã về cõi vĩnh hằng, một mất mát khó có thể bù đắp được với ông.

Nhà văn Vũ Hạnh: “Qua anh Khê, tôi yêu hơn cái đẹp lóng lánh của âm nhạc dân tộc”

Ông sinh năm 1926 tại Quảng Nam, nổi tiếng với các tác phẩm Bút máu (1966), Con chó hào hùng (1971) và đặc biệt là tiểu luận Người Việt cao quý (1965) với bút danh A.Pazzi. Với GS-TS Trần Văn Khê, từ khi ông về nước định cư vào năm 2001, nhà văn vốn mê tuồng cổ, đã là thính giả thường xuyên của những buổi GS Trần Văn Khê trình tấu, tọa đàm về âm nhạc dân tộc.

Rồi dần dần, họ nhận ra nhau, một nhà văn có tác phẩm viết về người Việt làm rúng động chính quyền Sài Gòn thời đó và... thành bạn.

Nhà văn Vũ Hạnh kể: “Với GS Khê, ảnh luôn coi tôi là bạn văn nghệ, ảnh thường nói: Trong nhạc luôn có văn và trong văn luôn có nhạc, mà sau này tôi nghiệm ra là luôn đúng như vậy. Đó là là chất cảm của người làm nghệ thuật “nhìn ra” nhau. Với âm nhạc dân tộc, từ bé qua lời ru, câu hò của mẹ, các chị... tôi chỉ yêu và cảm nó, rồi viết văn, tôi càng cảm nó nhiểu hơn nhưng đi sâu về chuyên môn thì... tôi “điếc”. Chính anh Khê, qua những lần hàn huyên, tâm tình, đã cho tôi cái nhìn sâu hơn về cái thế giới ngũ cung, nhạc cung đình, những xừ, xang, xê, cống... Từ đó, tôi thêm yêu cái hồn, cái tình tự, cái đẹp lóng lánh của dân tộc mình qua từng bài hát, câu hò dân gian tưởng chừng như giản đơn, quê mùa.”.

Qua anh Khê, tôi nhận ra cái hay, cái tinh túy và cái đẹp lóng lánh của âm nhạc dân tộc. Dù đó là nhạc cung đình hay chỉ là một bài hát, điệu hò dân gian quê mùa

"Qua anh Khê, tôi nhận ra cái hay, cái tinh túy và cái đẹp lóng lánh của âm nhạc dân tộc. Dù đó là nhạc cung đình hay chỉ là một bài hát, điệu hò dân gian quê mùa"

Nhà văn cho biết thêm, thời gian sau này khi giáo sư yếu đi, di chuyển phải bằng xe lăn nên ít đi lại nhiều. Lúc trước, khi còn khỏe mạnh (thời gian mới từ Pháp về), là giáo sư hầu như suốt ngày không có nhà bởi ông đi thuyết trình, dự tọa đàm liên miên.

Có ngày “độc diễn” 3-4 tọa đàm. Ở mỗi tọa đàm, GS Khê gần như không chuẩn bị trước chủ đề và in sẵn các phát biểu của mình. Vậy mà, với bất cứ chủ để gì như: cân bằng âm dương trong dinh dưỡng, so sánh các món ăn truyền thống VN với các nền ẩm thực Âu-Á trên thế giới, sự tương đồng của dàn nhạc ngũ cung với các dàn nhạc dân tộc truyền thống trên thề giới... hay biểu diễn (độc tấu và hòa tấu), GS Khê đều nói rất chuyên môn, rất khoa học và rất thuyết phục với sự say sưa hiếm có và một ngôn ngữ truyền tải ấm cúng, ngôn từ dễ nghe.

Điều đó, đã như mê hoặc người nghe, bất kể tầng lớp xuất thân như thế nào... Ảnh "đi" rồi, không biết bao nhiêu thế hệ nữa, dân tộc Việt mới sản sinh ra một người con tài năng, nhiệt huyết với nhạc dân tộc?

“Ca khúc tân nhạc... hình như là duy nhất của GS Trần Văn Khê”

“Với lứa nhạc sĩ trưởng thành sau 1975, GS Trần Văn Khê là một cây đa, cây đề trong làng âm nhạc Việt Nam, nhất là âm nhạc truyền thống", nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên chia sẻ.

Ông nói: "Với tôi, GS Khê là một con người đã vắt kiệt hết máu tủy để giữ gìn, phát huy và quảng bá âm nhạc truyền thống Việt không chỉ trong nước mà còn nhiều nơi trên thế giới. Sự công nhận ca nhạc tài tử Nam bộ của Việt Nam là di sản phi vật thể phải gìn giữ của nhân loại mà UNESCO đã vinh dự trao cho Việt Nam, là công lao rất lớn của GS Trần Văn Khê.

Nguyện ước lớn nhất của GS-TS Trần Văn Khê là đưa âm nhạc dân tộc vào giảng dạy ở nhà trường từ cấp 1 trở lên như một môn học chính thức. Để các thế hệ sau này biết nghe, biết cảm và biết trình tấu một nhạc cụ nào đó

"Nguyện ước lớn nhất của GS-TS Trần Văn Khê là đưa âm nhạc dân tộc vào giảng dạy ở nhà trường từ cấp 1 trở lên như một môn học chính thức. Để các thế hệ sau này biết nghe, biết cảm và biết trình tấu một nhạc cụ nào đó"

Tôi còn được biết, sau khi UNESCO công nhận đờn ca tài tử, ông đã bắt tay ngay vào soạn một bộ hồ sơ chuẩn bị trình cho UNESCO về nghệ thuật cải lương, môn nghệ thuật đã có hơn 100 hình thành và phát triển để họ công nhận đó là tài sản phi vật thể cần bảo tồn của nhân loại.

Tiếc thay, công trình này vẫn còn dang dở và cũng không biết ai có thể có khả năng kế thừa để soạn xong một bộ hồ sơ hoàn chỉnh. Có lẽ còn rất lâu sau này. Tôi ở BCH Hội âm nhạc TPHCM, Hội Nhạc sĩ VN nên cũng nghe và hiểu nỗi đau đáu công ông từ khi ông về nước. Đó là làm sao đưa âm nhạc dân tộc vào giảng dạy ở nhà trường, từ cấp 1 trở lên, để cho các thế hệ mai sau này, dù có đi theo các trào lưu âm nhạc thời thượng trên thế giới thì cũng biết nghe, biết cảm, biết trình tấu âm nhạc dân tộc. Đó là nguyên ước lớn lao của ông mà ông chưa thực hiện được, dù đã bỏ biết bao tâm sức.

Tưởng cũng cần nhắc lại, rất nhiều nhà nghiên cứu, tìm hiểu về GS Trần Văn Khê đều cho rằng, không biết ca khúc tân nhạc ông sách tác đầu tay là ca khúc gì? Sáng tác vào thời gian nào? Nhưng ai cũng đều thừa nhận là, ca khúc tân nhạc nổi tiếng nhất của ông là ca khúc Em đi chùa Hương (phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp). Có lẽ sáng tác vào khoảng cuối những năm 40 đầu những năm 50 của thế kỷ trước. Đến khoảng năm 1955, bài hát này đã được ca sĩ Mộc Lan trình diễn và được phát trên đài phát thanh Pháp-Á.

Đây là bài hát mà cho đến nay, chưa có nhạc sĩ nào phổ có thể “qua mặt” được GS Trần Văn Khê. Và như tôi được biết, đây hình như là sáng tác tân nhạc... duy nhất của ông. Sau này, chưa biết các di cảo âm nhạc của ông được công bố rộng rãi, thì sẽ có nhiều điều mà chúng ta biết về ông hơn".

(Theo Nguyên Quốc/Gia đình&Xã hội)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem