Vĩnh biệt Giáo sư Trần Văn Khê: “Tinh thần dân tộc một đường trước sau“

Mai An Thứ tư, ngày 24/06/2015 13:30 PM (GMT+7)
Có lần, một người hỏi Giáo sư Trần Văn Khê: “Trong tim ông có gì?”, ông trả lời: “Mổ trái tim tôi ra chỉ có hai chữ, đó là “âm nhạc” và “Việt Nam”.
Bình luận 0

Tôi nhớ mãi lần gặp gỡ với GS Trần Văn Khê khi ông ra nhận giải nghiên cứu của giải thưởng Phan Chu Trinh lần thứ V tại Hà Nội, lúc ấy ông đã phải ngồi trên xe lăn.

Khuôn mặt hiền từ, giọng nói dày nặng, ấm áp, ông vừa có vẻ lịch lãm, tự tin của một người làm công việc ngoại giao đi khắp thế giới nhưng ẩn sâu trong cốt cách ấy, vẫn còn nguyên một người Việt Nam rất đỗi đậm đà.

Người Việt Nam ấy nói tiếng nói chân chất của miền đất phương Nam, yêu cái hay cái đẹp trong âm nhạc dân tộc. Với cây đàn tranh, đàn kìm trong tay, ông như rồng có thêm mây, như cá được trở về với nước.

img

 GS Khê bên cây đàn kìm

Không gì quyến rũ hơn là một buổi được ngồi nghe ông nói chuyện về âm nhạc dân tộc, vốn kiến thức uyên thâm, trí nhớ tuyệt vời, dẫn giải dí dỏm, thú vị.

Một mình ông có thể thay được cả một gánh hát, khi ông đàn, lúc ông ngâm thơ, ông ca tài tử, rồi ông lại làm vài ba động tác hồ quảng để minh họa cho câu chuyện thêm mặn mà.

Khán giả từ trẻ đến già, cứ ngồi ngẩn người ra nghe, uống từng lời như mật ngọt, như suối mát. Nghe mà thấy rưng rưng, tự hào và càng yêu vô hạn những câu ca, tiếng nhạc của quê hương xứ sở mình.

Chao ôi, chỉ cần nghe Giáo sư Trần Văn Khê nói chuyện, bạn sẽ thấy hai tiếng Việt Nam sao mà thiết tha, tự hào, thân thương như ông bà tổ tiên, như mẹ cha sớm hôm gần gũi.

Tình yêu đất nước của ông- một người Việt phải sống xa đất nước hơn nửa thế kỷ, đã truyền hết vào các công trình nghiên cứu, các bài giảng, như mật ngọt đã tinh luyện, đã ấp ủ suốt mấy chục năm.

Mỗi lần ông nói chuyện, ông giảng bài, là mỗi lần ông đem giãi bày gan ruột, trái tim và khối óc của mình ra mà thuyết phục người nghe. Rằng xin đừng vọng ngoại, đừng bỏ quên kho báu âm nhạc dân tộc của ông bà mình.

Cho dù sống ở những quốc gia văn minh nhất thế giới, cho dù đặt chân đến đâu, cứ xuất hiện trước cử tọa là ông chọn trang phục áo dài, khăn đóng. Ông bảo, chiếc áo quê hương sẽ tiếp thêm sức mạnh, che chở bảo vệ ông.

Nếu kiếm tìm một chân dung trí thức Việt Nam đẹp đẽ và tiêu biểu, chắc chắn chẳng cần tìm kiếm đâu xa, cứ lấy ngay Giáo sư Trần Văn Khê làm nguyên mẫu.

Một đứa bé mồ côi cha mẹ, là anh lớn trong gia đình có  anh em, ông phải thay cha thay mẹ nuôi dưỡng giáo dục 2 em. May là ông có một người cô vì thương cháu nên quyết định ở giá để nuôi nấng cả 3 nên người.

Đứa bé ấy được học hành và quyết tâm tự học để vươn lên. Năm 1949, ông bắt đầu sang Pháp để bắt đầu con đường học thuật, nghiên cứu và trở thành Giáo sư trường ĐH Sorbonne danh tiếng.

Từ đó, suốt hơn nửa thế kỷ ông mang tiếng đàn Việt đi khắp thế giới như một nhà ngoại giao bằng cung đàn. Ông đã làm cho người dân nhiều nước hiểu rằng, Việt Nam không chỉ gắn với chiến tranh.

Bằng tiếng đàn và vốn kiến thức khổng lồ, trí tuệ tài hoa của ông, ông đã vẽ ra hình ảnh một đất nước Việt Nam xinh đẹp, dịu dàng với cánh cò rập rờn trên đồng lúa, dòng sông và câu hò, đêm trăng và tiếng hát.

Một tâm nguyện cuối đời khi ông trở về nước và định cư tại TP.HCM vào năm 2006 là quyết tâm tôn vinh giá trị của âm nhạc cổ truyền, ngày càng làm cho giới trẻ yêu và hiểu âm nhạc dân tộc.

Đến giờ phút này, khi phải nhắm mắt xuôi tay về thế giới người hiền, có lẽ ông đã phần nào mỉm cười hài lòng. Hàng ngàn buổi nói chuyện, hàng ngàn buổi dạy, buổi gặp gỡ tại tư gia của ông chắc chắn đã có tác dụng như mưa dầm thấm đất.

Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, ông đã lập di nguyện thành lập một quỹ giải thưởng cho các tài năng trẻ âm nhạc dân tộc. Và ông muốn tang lễ của mình sẽ có một ban nhạc tài tử tấu lên những bản nhạc ông từng gắn bó và yêu.

Vĩnh biệt Giáo sư Trần Văn Khê, ông để lại một khoảng trống không ai lấp nổi trong sự nghiệp nghiên cứu âm nhạc dân tộc. Một nhân cách lớn, một tâm hồn, trí tuệ lớn đã hoàn thành sứ mệnh với đời.

Sinh thời, nhà thơ Huy Cận đã dành tặng Giáo sư Trần Văn Khê hai câu thơ: “Chân đi tám hướng mười phương/Tinh thần dân tộc một đường trước sau” có lẽ không còn gì chí lý hơn.

Tinh thần tôn vinh vẻ đẹp âm nhạc dân tộc của Giáo sư Trần Văn Khê, như một ngọn lửa ấm áp sẽ không bao giờ lụi tàn. Tình yêu ấy sẽ được các thế hệ học trò ông tiếp nối.

Giáo sư, Tiến sĩ âm nhạc dân tộc cổ truyền Trần Văn Khê đã qua đời ở tuổi 94, vào khoảng 2h sáng 24.6, tại phòng hồi sức đặc biệt ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP HCM sau gần một tháng chữa trị. Ngoài việc tuổi cao sức yếu, giáo sư Trần Văn Khê vốn đã mắc nhiều căn bệnh mãn tính như: tim, phổi, tiểu đường… từ khá lâu và phải di chuyển bằng xe lăn. Trước khi sức khoẻ của giáo sư có phần hồi phục, ông đều nhận lời giảng dạy, chia sẻ về tinh hoa của nền âm nhạc truyền thống đến với các du học sinh, nhà nghiên cứu cũng như tham gia các sự kiện âm nhạc văn hoá trong nước. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem