Bàn tay trái của ông Nguyễn Hữu Linh ảnh hưởng thế nào đến vụ án?

Bảo Linh Thứ hai, ngày 22/07/2019 20:24 PM (GMT+7)
Luật sư cho rằng, bàn tay trái của ông Nguyễn Hữu Linh có tiếp xúc vào cơ thể nạn nhân hay không, không phải là yếu tố quyết định đến dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Bình luận 0

Như Dân Việt thông tin, ngày 22/7, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP.HCM vừa có kết quả giám định bổ sung số 1215/KLGĐ-TT về vụ ông Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy ở chung cư Galaxy 9, TP HCM vào đầu tháng 4/2019.

Kết luận giám định bổ sung cho biết không đủ cơ sở kết luận giám định trong khoảng thời gian từ 21 giờ 10 phút 11 giây đến 21 giờ 10 phút 18 giây, bàn tay trái của ông Nguyễn Hữu Linh có chạm vào phần cơ thể phía trước của bé gái hay không. Nguyên nhân do hình ảnh khuất khỏi tầm quan sát camera.

Kết luận giám định bổ sung có ảnh hưởng đến việc kết luận vụ án?

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề trên, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Kết luận giám định bổ sung số 1215/KLGĐ-TT của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TPHCM có thể ảnh hưởng đến tính chất, mức độ của hành vi nhưng không ảnh hưởng đối với việc kết tội ông Nguyễn Hữu Linh.

Bởi theo thông tin của vụ án, ông Linh đã thừa nhận ba lần ôm, hôn bé gái trong thang máy, nội dung này đã được kết luận của cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Qua clip cho thấy hình ảnh ông này hôn bé gái không phải hành vi cưng, nựng, yêu quý trẻ con mà rõ ràng là hành vi dâm ô - hành vi tiếp xúc cơ thể nhằm tìm kiếm khoái cảm dục vọng”.

img

Công an TP.HCM cho rằng không đủ cơ sở giám định bàn tay trái ông Linh có chạm vào cơ thể bé gái hay không do hình ảnh khuất khỏi tầm quan sát camera.

Luật sư phân tích thêm về các yếu tố để đánh giá hành vi ôm hôn bé gái trong thang máy có phải là hành vi dâm ô hay không. Cụ thể cần xem xét đến nhiều yếu tố như: Mối quan hệ giữa ông Linh và cháu bé (có phải là người thân quen, hai người lạ); Không gian thực hiện hành vi (có phải là nơi vắng vẻ, ít người qua lại, ít người chứng kiến hay không, hành vi có thể hiện sự lén lút, giấu diếm, vụng trộm hay không); Thời gian thực hiện hành vi (nhanh chóng lén lút hay công khai...) cử chỉ hành động, thái độ của ông này trước trong và sau khi thực hiện hành vi...để biết được ông này có mục đích tìm kiếm khoái cảm dục vọng khi tiếp xúc cơ thể mới cháu bé hay không...

“Tất cả những yếu tố này đều được chứng minh qua clip hình ảnh công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Clip này thể hiện cho thấy thời gian, địa điểm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thái độ của ông này với cháu bé gái thể hiện lén lút, quyết liệt. Hành vi ôm hôn không khác gì hành vi ôm hôn giữa nam và nữ... Chính bản thân ông ta đã thừa nhận hành vi ôm hôn cháu bé nhiều lần, mà hôn không chỉ hôn vào vị trí má, trán mà rất có thể còn hôn vào miệng của cháu bé...” – Luật sư nói.

img

Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Cường bày tỏ quan điểm về sự việc: “Kết luận giám định bổ sung không khẳng định ông Linh không sờ vào phần phía trước của nạn nhân, cũng không khẳng định có việc chạm bàn tay vào phần phía trước của nạn nhân. Theo quan điểm cá nhân tôi thì việc ông Linh có sờ bàn tay trái vào ngực, bụng của nạn nhân hay không không phải là yếu tố quan trọng để xác định hành vi ông này ôm hôn bé gái trong thang máy có cấu thành tội dâm ô người dưới 16 tuổi hay không.

Hành vi có dấu hiệu tội phạm của ông này thể hiện rất rõ ở thái độ lén lút, nơi vắng vẻ, với trẻ em không quen biết, hành động quyết liệt (hôn ngấu nghiến) và hôn vào mặt thậm chí vào môi nạn nhân là hành động thể hiện bản năng tình dục của đối tượng. Những yếu tố này là hành vi vi phạm pháp luật, thể hiện sự coi thường danh dự, nhân phẩm của người khác, ở đây là trả em và nhằm tìm kiếm khoái cảm tình dục.

Không thể khẳng định ông Linh không sờ tay trái vào người nạn nhân bởi hành vi của đối tượng là ôm, hôn nhiều lần. Việc bàn tay trái của ông này có tiếp xúc vào cơ thể của nạn nhân hay không không phải là yếu tố quyết định đến dấu hiệu cấu thành tội phạm, bởi vị trí tiếp xúc của ông này bằng môi, bằng miệng còn nguy hiểm hơn là tiếp xúc bằng tay.

Thái độ của cháu bé là hoảng loạn, sợ hãi, bỏ chạy... chứ không vui vẻ, sung sướng khi được người lớn yêu quý, cưng nựng. Bởi vậy không có gì có thể biện luận được rằng hành động của ông này là hợp pháp, mang lại tình yêu thương cho đứa trẻ. Đây rõ ràng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, cần phải đấu tranh, lên án và phải trừng phạt bằng các chế tài của pháp luật”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem