Bán vốn DNNN nhà nước: Khó thoái vốn và tìm nhà đầu tư

Đình Thắng Thứ tư, ngày 15/02/2017 10:18 AM (GMT+7)
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bởi đây đang được coi là thị trường hấp dẫn với hàng loạt ưu đãi về cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, việc bán vốn (thoái vốn) tại các doanh nghiệp nông nghiệp (DNNN) do Nhà nước nắm giữ cổ phần hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn do chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư.
Bình luận 0

Ngày 14.2, Bộ NNPTNT đã tổ chức hội nghị triển khai công tác tái cơ cấu DN nhà nước năm 2017 nhằm bàn các giải pháp đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa (CPH) tại các DNNN do Nhà nước còn nắm giữ cổ phần chi phối.

Cổ phiếu cao su, lương thực sẽ lên sàn

Theo báo cáo mới nhất của Bộ NNPTNT, thực hiện Quyết định 58 ngày 28.12.2016 của Thủ tướng Chính phủ, ngành nông nghiệp đang tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu, sắp xếp DNNN. Cụ thể, trong năm 2017, Bộ sẽ tiến hành CPH, IPO (phát hành cố phiếu lần đầu ra công chúng) một số DN như: Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). Theo đó, VRG sẽ tiến hành CPH và IPO trong quý III còn Vinafood 2 sẽ tiến hành trong quý II. Được biết, hai DN này được tiến hành kiểm toán. Sau kiểm toán sẽ xác định lại giá trị DN, sau đó sẽ “chốt” phương án CPH và sẽ tiến hành IPO. Hiện cả hai đều đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

img

Tập đoàn Công nghiệp cao su dự kiến sẽ bán số cổ phần trị giá 38.000 tỷ đồng.  Ảnh: TCCS

Ông Trần Ngọc Thuận - Tổng Giám đốc VRG cho biết, dù có khó khăn về giá cả cao su, nhưng sản xuất kinh doanh của tập đoàn vẫn ổn định, năm 2016 lãi hơn 1.000 tỷ đồng từ nhiều hoạt động kinh doanh như kinh doanh gỗ và mủ cao su, kinh doanh các khu công nghiệp, lãi từ công nghiệp chế biến sản phẩm sau cao su. “Đến thời điểm này, tập đoàn đã có 2 đơn vị cổ phần hóa thành công; thoái vốn trên 2.200 tỷ đồng, sau thoái vốn lãi trên 300 tỷ đồng” - ông Thuận nói.

Theo ông Thuận, giá cao su năm 2017 chưa thực sự vượt qua khó khăn, song dự kiến trung bình có thể đạt 40 triệu đồng/tấn. Ngoài thị trường Trung Quốc, hiện VRG đang mở rộng xuất khẩu ra các thị trường khác như Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản… với tỷ trọng xuất khẩu chiếm 20-25%. Theo kế hoạch, năm 2017, Bộ NNPTNT cũng sẽ hoàn thành xác định giá trị DN với 2-3 DN để tiếp tục tiến hành CPH.

Khó tìm nhà đầu tư chiến lược

Theo ông Phạm Quang Hiển- Vụ trưởng Vụ Quản lý DN (Bộ NNPTNT), một số DN tiến độ tái cơ cấu diễn ra còn chậm, có DN đã CPH không bán hết được cổ phần theo kế hoạch được phê duyệt, chưa tạo ra được những biến đổi lớn về hiệu quả sản xuất kinh doanh, cơ cấu tổ chức quản lý điều hành, quản trị DN còn bất cập.

Một vấn đề nữa là hiện nhiều DN khó CPH do đã bị mất vốn hoặc âm vốn chủ sở hữu. Ông Nguyễn Nam Hải – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay chúng tôi còn 4 đơn vị chưa thoái vốn được vì các đơn vị này kinh doanh lỗ và âm vốn chủ sở hữu, không thể bán cổ phần của công ty tại các đơn vị này. Vì vậy, trong vấn đề thoái vốn, đề nghị Bộ NNPTNT, Bộ Tài chính cho hướng giải quyết phần vốn còn lại chưa bán được”.

Còn đối với VRG, dù làm ăn có lãi, tuy nhiên theo ông Trần Ngọc Thuận, khó khăn hiện nay lại là vấn đề thoái vốn bởi quy mô vốn lớn, trên 38.000 tỷ đồng, số tiền bán ra lớn thì khó tìm được cổ đông chiến lược, có năng lực tài chính để mua. Việc tìm kiếm cổ đông chiến lược cần sự hỗ trợ của các bộ ngành liên quan.

Ông Huỳnh Thế Năng – Tổng Giám đốc Vinafood 2 cũng chia sẻ: “Do tổng công ty khó khăn, thua lỗ nhiều năm nên quá trình tái cơ cấu cũng gặp nhiều trở ngại. Hiện nay chúng tôi chưa thể thoái vốn ở 8 đơn vị thành viên. Đây là những đơn vị rất khó khăn, tỷ lệ bán cổ phần rất thấp, nếu bây giờ bán ra sẽ lỗ”.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế - Cục trưởng Cục An ninh nông nghiệp nông thôn (A86), Bộ Công an cho rằng, việc CPH DNNN phải đảm bảo minh bạch, không để các cá nhân lợi dụng chính sách làm mất vốn của Nhà nước. “Vấn đề chính hiện nay là, sau CPH chúng ta có tìm được nhà đầu tư chiến lược hay không, bởi nếu không hiệu quả sau CPH sẽ không cao. Hơn nữa, chúng ta cũng phải đảm bảo quyền lợi của người lao động”- Thiếu tướng Thế nói.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Việc đổi mới công tác quản lý DN là cơ hội để tái sinh lại khu vực DN do nhà nước quản lý. Kế hoạch 2017-2020 phải thực hiện nghiêm cả nội dung cổ phần hóa, cả thực hiện chuyển giao vốn, cả nội dung thoái vốn. Trong đó, nguyên tắc là tuân thủ đúng quy định pháp luật, minh bạch hóa để đảm bảo quyền lợi nhà nước, chống thất thoát, chống tiêu cực, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm lãnh đạo DN, người đại diện quản lý phần vốn nhà nước không nghiêm túc thực hiện hoặc thực hiện không có kết quả, gây thất thoát…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem