Dự án rừng trồng cao su ở Gia Lai: Mất đất sản xuất, đền bù rẻ mạt

Quốc Dinh Thứ sáu, ngày 21/08/2015 12:08 PM (GMT+7)
Trong số báo ra ngày 20.8, NTNN đã phản ánh thực trạng dự án chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo kiệt sang trồng cao su ở Gia Lai nhưng lại bị bỏ hoang nhiều năm. Tiếp tục tìm hiểu, PV NTNN được biết một thực tế người dân trong vùng dự án bị mất đất sản xuất và phải nhận tiền đền bù đất với giá rẻ mạt.
Bình luận 0

Không có cả chỗ ở

Chúng tôi về xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông)- nơi có 5 doanh nghiệp được giao đất để trồng cao su. Theo báo cáo của xã, Ia Púch có hơn 9.000ha cao su đại điền; khoảng 772ha cây công nghiệp dài ngày như điều, cà phê, hồ tiêu… Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng trong số này diện tích của người dân chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Trong khi đó, Ia Púch vẫn là một xã nghèo với số hộ nghèo lên đến 34%...

img

Căn chòi của Rơ Mah Khen ở làng Brang, xã Ia Púch (Chư Prông, Gia Lai) được dựng trên đất mượn. (Ảnh: Q.D)

Khi chưa bị thu hồi đất, người dân Ia Púch dù có thời điểm còn thiếu đói một vài tháng lương thực, nhưng còn có rẫy để làm. Từ khi bị thu hồi đất để giao cho các doanh nghiệp, cuộc sống của người dân các vùng dự án phút chốc bị đảo lộn… Tình cảnh gia đình Rơ Ma Khen ở làng Brang là một ví dụ. Khi chúng tôi đến, ông Khen không có nhà.

Thôn trưởng làng Brang, ông Rơ Mah Chat cho biết, Khen bị thu hồi hết đất, phải mượn đất họ hàng cất cái chòi ở tạm. Cả gia đình chen chúc trong căn chòi chừng 15m2. Được đền bù với số tiền rẻ mạt (2,5 triệu đồng/ha) tiêu vèo cái là hết, bây giờ Khen phải đi làm thuê bất cứ việc gì kiếm tiền đắp đổi qua ngày…

Trưởng thôn Chat cho biết thêm: “Cả làng Brang có chừng 30 hộ bị thu hồi khoảng 17ha đất. Trước đây, có khoảng 20 người được tuyển đi làm công nhân nhưng giờ thì chỉ còn 2. Tình hình ở làng Goòng, xã Ia Púch cũng chẳng khá hơn tý nào. Chị Kpuih Xép ở làng này bị thu hồi 8 công đất (8.000m2), bây giờ phải lần hồi đi làm thuê để nuôi 3 đứa con. Chị Siu Đoen thì càng thê thảm hơn. Bị thu hồi 7 sào đất chẳng có chỗ để ở, chị phải mượn đất che tạm tấm bạt để tá túc qua ngày…

Thôn trưởng làng Goòng, anh Siu Hiếk cho biết: “Làng có 20/200 hộ bị thu hồi 16ha đất, nhưng chỉ có 6 người được đi làm công nhân cao su. Trong đó chỉ 4 người thuộc diện bị thu hồi đất được “ưu tiên”…

Làm công nhân vẫn đói

 Để nhận được đất, các công ty không chỉ hứa hẹn mà còn ra sức tô vẽ một cuộc sống màu hồng trong vùng dự án của họ. Thế nhưng khi “mọi sự đã rồi”, họ chỉ tuyển dụng một số lao động đồng bào tại chỗ kiểu lấy lệ, và thậm chí còn tìm cách “lách luật” để kiếm lợi với số lao động ít ỏi. Chiêu thức phổ biến nhất của họ là chỉ tuyển lao động ngắn hạn theo thời vụ để trốn đóng BHXH.

Theo báo cáo của Phòng LĐTBXH huyện Chư Prông, đến cuối năm 2014 có 145 lao động là đồng bào DTTS địa phương được tuyển làm việc tại các công ty cao su trên địa bàn xã Ia Púch, trong đó Công ty Quang Đức tuyển 79 người. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi tại 2/4 thôn, làng của xã Ia Púch là Brang và làng Goòng thực tế chỉ có 8 lao động được tuyển dụng. Báo cáo của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai cũng nêu rõ, Công ty Quang Đức cũng chỉ hợp đồng dài hạn với 8 lao động…

Không chỉ tuyển lao động làm việc theo hợp đồng ngắn hạn theo thời vụ để trốn đóng bảo hiểm, các công ty thường trả công lao động rẻ mạt để đuổi khéo những người lao động đồng bào DTTS địa phương. Nhiều người chịu không nổi phải dạt ra ngoài để cuối cùng bị quy kết với các lý do “biếng làm”, “không phù hợp”, “thiếu kỷ luật”…

Trưởng làng Goòng, anh Siu Hiếk cho rằng, việc người dân địa phương không quen với công việc theo kiểu giờ giấc, chậm tiếp thu kỹ thuật là có, nhưng chỉ cần tập huấn đầy đủ thì họ vẫn làm được.

“Đấy không phải lý do để họ bị đuổi hay bỏ việc. Nguyên do chính là người lao động bị trả lương quá thấp. Tiền công khoán chăm sóc 1ha cao su chỉ có 800.000 đồng/tháng thì làm sao đủ sống. Đã vậy phải 3-4 tháng họ mới trả lương một lần. Không chỉ chậm trả lương, nhiều lần họ còn nợ lương dây dưa tháng này qua tháng khác…Đỉnh điểm của vụ việc là gần Tết Nguyên đán năm Ất Mùi vừa qua, công nhân 3 đội cao su của Công ty Quang Đức đã tập trung tại trụ sở UBND xã Ia Púch để nhờ chính quyền can thiệp để họ được trả lương”- anh Siu Hiếk cho biết.

Thiếu đất sản xuất, làm công nhân thì không đủ sống, người dân không còn con đường nào khác là đi… phá rừng. Chủ tịch UBND xã Ia Púch, Nguyễn Quang Trung cho biết, ông chỉ mới về nhận nhiệm vụ ở xã chừng 1 tháng nhưng đã phải giải quyết vấn đề đang gay cấn ở xã này là nạn phá rừng làm nương rẫy.

Ông Trung cho biết: “Do thấy tình trạng phá rừng ngày càng tăng, chúng tôi đã tổ chức lực lượng để kiểm tra, truy quét và đã phát hiện 27 trường hợp với khoảng 33ha rừng phòng hộ bị phá… Hiện xã đang tiến hành thống kê, rà soát tình hình thiếu đất sản xuất của dân để báo cáo tình hình lên trên xem xét, giải quyết”.

Theo thông tin của NTNN, từ ngày 11-19.8, Sở NNPTNT Gia Lai  phối hợp cùng với Sở KHCN Gia Lai, Sở TNMT Gia Lai, làm việc với 6 doanh nghiệp là Trung đoàn 710 (Binh đoàn 15), Công ty Cao su Chư Sê, Công ty Cao su Chư Păh, Công ty Cao su Chư Prông, Công ty cổ phần Trồng rừng Công nghiệp Gia Lai (Hoàng Anh Gia Lai) trên địa bàn 3 huyện Chư Pưh, Chư Prông, Ia Pa. Đoàn tiến hành kiểm tra thực địa, xác định diện tích cao su chết kém phát triển của các doanh nghiệp.

Một nguồn tin của NTNN cho biết, cuộc khảo sát trên để xác định nguyên nhân, trách nhiệm của doanh nghiệp, đơn vị tư vấn khi lập hồ sơ phân hạng đất, đơn vị có liên quan về việc kiểm tra, nghiệm thu hồ sơ đất phù hợp trồng cao su cũng như ý kiến đề xuất UBND tỉnh Gia Lai xử lý đối với trường hợp cây cao su chết, kém phát triển do điều kiện thổ nhưỡng không đảm bảo.  

Trao đổi với ông Vũ Ngọc An- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Gia Lai chiều 20.8, ông này cho biết đoàn kiểm tra đang tiến hành tổng hợp kết quả, ý kiến của các bên trong đợt kiểm tra thực địa vừa rồi. Sau khi làm xong mới tiến hành báo cáo với UBND tỉnh Gia Lai. Về đề xuất xử lý, xem xét trách nhiệm của các bên liên quan thì chủ yếu theo ý kiến trong báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội trong đợt kiểm tra trước đó.      

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem