Trên các diễn đàn, nhiều giảng viên đại học, từng trải trong hoạt động đào tạo hệ tại chức cũng lên tiếng cho rằng hệ đào tạo này đã, đang bộc phát nhiều vấn đề cần xem xét, điều chỉnh để góp phần nâng cao chất lượng. Từ quyết định “không nhận người có bằng tại chức” ở Đà Nẵng đã mở ra nhiều vấn đề để… suy nghĩ.
Không nói thì ai cũng biết, phong trào đi lấy bằng đại học hệ tại chức, hệ từ xa để hợp thức hoá chỗ làm, vị trí đang có, để nâng lương, để đi làm thạc sĩ… hiện tại là rất đáng báo động. Chỉ nói riêng ở ngành giáo dục, hàng chục ngàn giáo viên hệ trung học, cao đẳng đều bằng mọi cách để lấy bằng đại học mỗi năm là cả một sự tốn kém vô cùng lớn lên tổng thu nhập của xã hội.
Có nhất thiết mọi giáo viên dạy tiểu học, trung học cơ sở đều phải có bằng đại học sư phạm (hệ tại chức, hoặc hệ từ xa) không? Câu trả lời là không. Thế nhưng các áp lực vô hình về cuộc chạy đua bằng cấp đã khiến cho nhiều người chạy theo nó một cách vô thức dù biết rằng đi học không nâng thêm trình độ được vì không hiểu gì hết, mà lại rất tốn kém thời gian, tiền bạc.
Chính những quy chế tuyển dụng bất hợp lý, phản khoa học là một phần tác nhân của các phong trào “đại học hoá”, “thạc sĩ hoá”… hiện nay. Một người tốt nghiệp đại học hệ tại chức hạng trung bình, xét tuyển mãi cũng không vào được biên chế vì năm nào cũng thấp điểm hơn số còn lại nên đã quyết định đi lấy bằng thạc sĩ chính quy, và thế là vào được biên chế.
“Công nghệ” này đã mở toang những cánh cửa cho các vấn nạn bằng cấp hư danh, mua bán luận văn – công trình nghiên cứu của các thạc sĩ, tiến sĩ. Xét về mặt bằng cấp, thạc sĩ là giỏi hơn cử nhân, nhưng trên thực tế có không ít thạc sĩ sản phẩm của “công nghệ” trên là không giỏi, thậm chí yếu kém.
Quyết sách không nhận người có bằng tại chức mà TP. Đà Nẵng đưa ra lúc này như là một giọt nước tràn ly của cả một vấn nạn lớn có tên “bằng cấp hư danh”. Nếu việc đi học đại học tại chức, từ xa trả lại đúng ý nghĩa của nó là giúp con người nâng cao kiến thức thực chất, chứ không phải để lấy tấm bằng hợp thức hoá cái này, cái nọ thì chắc chắn không có đông người chen lấn (để nộp tiền và mua… tài liệu) như hiện nay”.
Lâm Chí Công
Vui lòng nhập nội dung bình luận.