Bằng Kiều rất Hà Nội vì Bằng Kiều vẫn thế, vẫn giữ được chất đắm say, mượt mà, rỉ rả trong từng câu hát mà có lẽ anh thừa hưởng được từ giọng hát chèo của mẹ - nghệ sĩ Lưu Nga. Bằng Kiều vẫn đánh gục người nghe ở những quãng cao để khoe giọng hát trời phú cho anh, hát như thể một chàng trai chưa bao giờ vỡ giọng.
Nỗi xúc động được trở về Hà Nội khiến hai ca khúc đầu, “Em ơi Hà Nội phố” và “Hà Nội ngày trở về” của Bằng Kiều có những chỗ hụt hơi, có chỗ phô, chênh khiến cho không ít người vì quá háo hức đợi mong anh thất vọng. Nhưng khán giả Hà Nội vì quá yêu nên cũng đã thể tất cho khúc dạo đầu này.
Bằng Kiều chỉ trở về đúng là anh khi hát lại những bản hit của Làn sóng xanh, những “Nếu điều đó xảy ra”, “Một ngày mùa đông”, “Lắng nghe mùa xuân về”, “Trái tim không ngủ yên”. Khi anh duyên dáng và ngượng nghịu đứng bên Hồng Nhung và Mỹ Linh, để làm sống lại trong khán giả những hồi ức một thời, không gian âm nhạc Hà Nội cách đây 10 năm, đã từng ngọt ngào và chân chất.
Nhưng Bằng Kiều chưa Hà Nội ở chỗ, trở về Hà Nội, nơi chôn rau cắt rốn, anh lại có thêm Minh Tuyết bên cạnh. Bộ trang phục, phong cách biểu diễn vừa bốc lửa vừa nỉ non của Minh Tuyết tối qua có thể sẽ hợp với một không gian nào khác, nhưng không đúng lúc để phô ra trong chương trình đậm chất tự sự, hàn huyên.
Chợt thấy tiếc vô cùng vì Bằng Kiều in Concert không diễn ra ở một nơi thực sự là không gian âm nhạc, như Cung Văn hóa Hữu nghị chẳng hạn. Đó là nơi không có cả biển người xem nhưng chắc chắn sẽ là một chỗ vừa đủ cho âm nhạc, nơi mà ê kíp In the spot light của Hồng Kiên đã sáng suốt khôn ngoan chọn là sân nhà. Tối qua, điều thất vọng lớn nhất là âm nhạc đã không đủ để làm nóng khán phòng 3.800 chỗ ngồi rộng mênh mang của Trung tâm Hội nghị Quốc gia, tiếng vỗ tay thể hiện cảm xúc của khán giả nhiều khi bị rơi lạc vào đâu đó.
Và thêm nữa, Bằng Kiều tự dẫn dắt chương trình của mình nhưng dường như lại quá sa đà vào kể chuyện, tâm sự, giãi bày, cảm tạ..., như cho thỏa những ngày xa quê, những ngày đi hát kiếm sống bên xứ người. Những tâm sự đôi lúc lê thê ấy khiến cho cảm xúc âm nhạc của khán giả bị ngắt quãng.
Rời sân khấu của Bằng Kiều, nhiều người trở về và cố lọc ra những khoảnh khắc khi cảm xúc của họ được dìu lên tới một nấc thang cao nhất để làm kỷ niệm. Và tôi tin rằng, có nhiều người giống tôi, chỉ chọn ra một thôi, “Bản tình cuối”, ca khúc mà Bằng Kiều hát nó hay đến nỗi cứ làm cho khán giả không thôi vẩn vơ hỏi lòng: “Ta vẫn yêu hồn ta vẫn say, qua bao nhiêu năm tháng ơ thờ/Một ngày nào đó tóc xanh xưa bạc màu/Một ngày nào đó ta có thôi hết yêu người?”
Mai An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.