“Thần dược” cỏ máu là một loại cây leo, khi chặt xuống nó tiết ra nhựa màu đỏ như máu
Bà con các dân tộc sống dọc theo dãy Trường Sơn (Quảng Bình) coi cây cỏ máu lấy từ rừng sâu như thần dược… Đặc biệt, đối với những sản phụ người dân tộc nơi đây, sau khi sinh chỉ cần uống nước chế từ loại cây này vài ba ngày là có thể ngồi dậy đi nương, đi rẫy, làm việc bình thường mà không cần ở cữ…
Theo ông Cao Xuân Tình - một thầy lang người Rục ở bản Ón (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình), mặc dù được gọi là cỏ máu nhưng thực ra nó thuộc loài dây leo và không như những cây dây leo bình thường khác bởi thân loại cây này to như cổ tay người lớn và cứng như gỗ. Thân cây sau khi chặt thường tiết ra một thứ nhựa màu đỏ như máu nên có tên cỏ máu.
Cỏ máu dù để khô nhiều năm thì khi sắc nước vẫn ra màu đỏ.
Đặc biệt, dù cây này để khô nhiều năm nhưng sau khi thái nhỏ, sắc nước thì cũng cho ra một loại nước có màu đỏ. Từ rất lâu, khi đang sống trong hang đá, người Rục đã biết lấy cây này cho phụ nữ chế uống khi sinh đẻ. Người Rục bảo rằng, cái thứ nước có màu đỏ như máu đó nó có thể thay thế được máu người và khi người phụ nữ sinh đẻ thường mất nhiều máu nên uống vào để bù lại.
Bà con Vân Kiều ở xã Trường Sơn khai thác cỏ máu, tập kết lại một chỗ để bán cho thương lái
Không những thế, thứ thuốc nấu từ cỏ máu được cho là còn có tác dụng thanh lọc cơ thể, đẩy được những chất bẩn trong người của sản phụ ra ngoài. “Đàn bà ở đây sau khi đẻ chỉ cần uống nước cỏ máu và một số loại thuốc rừng khác nữa khoảng ba ngày là có thể ngồi dậy đi mần (làm) việc rồi, không cần ở cữ mô” – ông Tình nói.
Niềm vui của một phụ nữ Vân Kiều khi kiếm được một vác cỏ máu
Cũng theo ông Tình, nước cỏ máu lúc mới uống vào có vị chát nhưng sau đó ngọt dần trong miệng. Không chỉ sản phụ, người bình thường uống nước nấu từ cỏ máu cũng có tác dụng bổ máu, khi đau bụng uống vào hết ngay. Cỏ máu cũng được dùng để tắm cho trẻ con rất tốt…
Không chỉ có người Rục mới biết dùng cây cỏ máu mà hầu hết đồng bào dân tộc sống dọc dãy Trường Sơn ở Quảng Bình như: Vân Kiều, Ma Coong, A Rem, Khùa, Mày, Mã Liềng… cũng biết sử dụng loại cây này và coi nó như “thần dược” cho sản phụ… Ngay cả người Kinh ở Quảng Bình, nhiều người cũng mua cỏ máu về cho sản phụ uống. Vì vậy, hiện nay ngoài việc khai thác về để dùng, người dân nơi đây còn đi tìm về để bán.
Để có một vác cỏ máu nặng khoảng 50kg như thế này, bà con phải mất cả ngày luồn rừng nhưng chỉ kiếm được hơn trăm ngàn.
Hiện cỏ máu tươi được bán với giá chỉ 2.000 đồng/kg nhưng phải đi rất xa mới có. Hồ Xoan, một người Vân Kiều ở xã Trường Sơn (Quảng Binh) cho biết, anh phải mất cả ngày mới khai thác được một bó cỏ máu nặng chừng 50 kg, bán chỉ được trăm ngàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.