Báo cáo phòng chống tham nhũng vẫn “na ná” mấy năm trước

Hải Phong (ghi) Thứ ba, ngày 21/10/2014 15:43 PM (GMT+7)
Sáng nay (21.10), liên quan đến báo cáo về tình hình phòng chống tham nhũng (PCTN) của Chính phủ do Tổng Thanh tra Chính phủ đọc trước Quốc hội ngày hôm qua, bà Lê Thị Nga - ĐBQH tỉnh Thái Nguyên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng: Báo cáo vẫn “na ná” như các năm trước, nhiều định tính mà ít định lượng.
Bình luận 0

Cụ thể, ĐBQH Lê Thị Nga cho rằng, đánh giá của Chính phủ về tình hình PCTN phải thể hiện rõ sự chuyển biến ở từng lĩnh vực chứ không nên đánh giá “na ná” như các năm trước. Bà dẫn chứng như tham nhũng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tình hình tham nhũng lĩnh vực công… trong báo cáo chỉ nói chung chung, nhiều định tính, ít định lượng. Báo cáo cũng chưa chỉ rõ mô hình cơ quan PCTN chỗ nào chưa phù hợp, chỗ nào phù hợp, nếu không năm sau báo cáo vẫn vậy.

imgBà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp 

 

“Cần đánh giá theo những tiêu chí rõ ràng, trong lĩnh vực nào cần có căn cứ để đánh giá, nếu căn cứ vào các vụ án cụ thể thì không phản ánh đúng mà cần có thêm đánh giá của người dân. Ngoài ra, cần có đánh giá khách quan từ các tổ chức nước ngoài, có điều tra cụ thể của người dân. Các kết quả đó cần công bố cho Quốc hội để xác định lĩnh vực nào nhiều tham nhũng đánh giá chứ không thể 5-10 năm nay, bản báo cáo vẫn cứ đưa ra nhận định, đánh giá kiểu “còn phức tạp”…”, bà Nga nhận xét.

Về phần nguyên nhân trong báo cáo PCTN của Chính phủ, theo bà Nga, thậm chí có nguyên nhân đưa ra rất khó chấp nhận. Bà dẫn chứng: Trong mục kê khai tài sản có đoạn “Có 5 người thuộc diện kê khai phải xác minh tài sản, thu nhập trong đó đã có 1 người  bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai không trung thực và 6 người  bị xử lý kỷ luật do vi phạm thời hạn”, kết quả này theo bà Nga không phản ánh đúng tình hình thực tế đang diễn ra và cần xem xét lại cách kê khai tài sản của chúng ta. “Nếu đây là hạn chế của năm ngoái rồi thì năm nay phải có đánh giá bổ sung chứ không nên lại nêu ra như thế này”, ĐB Lê Thị Nga đề xuất.

Bà Nga cũng đề nghị bổ sung thêm một số giải pháp, ngoài việc kiểm soát lương của cán bộ công chức Nhà nước thì cần phải kiểm soát cả thu nhập và dần bắt buộc không dùng tiền mặt thanh toán. Bà Nga cho rằng các giải pháp phải tương ứng với mức độ khi tham nhũng đang trở thành “nguy cơ của chế độ”. 

“Còn giải pháp vẫn cứ chung chung, giống các năm trước, không có đột phá thì khó lòng đạt hiệu quả. Một trong những giải pháp đột phá là phải quy định việc miễn trách nhiệm hình sự đối với người đưa hối lộ mới phát hiện được người nhận hối lộ”, bà Nga yêu cầu.

Bên cạnh đó, ĐB Lê Thị Nga cũng yêu cầu phải có chương trình giám sát riêng về vốn ODA, tránh tình trạng từ trước tới nay, tham nhũng về sử dụng nguồn vốn ODA toàn do các nước bạn phát hiện ra, còn Việt Nam thì chưa phát hiện được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem