Báo chí chưa đứng vững vì hai chân khập khiễng

Ngọc Lương Thứ sáu, ngày 27/11/2015 06:53 AM (GMT+7)
ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đã nói một cách hình tượng là báo chí phải đi bằng hai chân, chân thứ nhất là chân hành chính, chân thứ hai là doanh nghiệp. Hai chân đôi khi không cùng hướng, thậm chí giẫm lên nhau khiến báo chí khó tiến.
Bình luận 0

Lãnh đạo báo mất ngủ vì tin nhắn ban đêm

Ngày 26.11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Góp ý vào cho dự luật, ĐB Nguyễn Phi Thường đã nêu lên thực tế là sự bùng nổ của internet trong thời gian qua đã thay đổi địa vị của báo chí chính thống. "Bên cạnh lợi ích, truyền thông xã hội đang gây nhiều tác động về mặt xã hội, đặc biệt đối với báo chí. Thói quen tiếp nhận thông tin, tìm tin, mua tin, xem tin của người dân thay đổi. Sự bùng nổ thông tin nhanh trên internet có nhiều thông tin chưa kiểm chứng, thiếu lành mạnh ảnh hưởng nhiều đến báo chí chính thống" - ĐB Thường nói .

img

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng dự luật chưa đưa ra được điểm tựa nào để giúp báo chí phát triển mạnh, bền vững.  Ảnh:  Hoàng Long

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) nêu ý kiến băn khoăn vì thủ tục đăng ký các trang thông tin tổng hợp tương đối đơn giản. Chính vì thế trong thời gian qua số lượng trang thông tin điện tử tổng hợp tăng lên rất nhanh, gây quá tải trong công tác quản lý nhà nước. ĐB Hải đề nghị nên bổ sung thêm một số quy định, chế tài cụ thể vào dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) để quản lý hiệu quả các trang thông tin điện tử tổng hợp trong khi chờ nâng Nghị định 72/2013 của Chính phủ về quản lý thông tin trên mạng được lên thành luật.

Đề cập vấn đề về quyền tự do báo chí, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) cho rằng: Quyền tự do báo chí còn thể hiện ở việc lãnh đạo, chỉ đạo định hướng thông tin, ở việc các cơ quan chức năng cần chủ động hơn nữa nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ của mình.

"Các cơ quan báo chí không ngại khó nhưng thật lòng mà nói những người đứng đầu các tòa báo cũng rất dễ mất ngủ khi nhận những tin nhắn chỉ đạo vào thời điểm đêm khuya, khi những bài báo sắp qua nhà in. Thiết nghĩ dự thảo luật cần có những quy định rõ ràng trong trách nhiệm của việc chỉ đạo định hướng thông tin trên báo chí" - ĐB Trang đề nghị.

Báo chí cần ưu đãi về thuế

Nhìn nhận về chính sách phát triển báo chí, ĐB Nguyễn Phi Thường cho rằng dự luật chưa đưa ra được điểm tựa nào để giúp báo chí phát triển mạnh, bền vững và thích ứng với yêu cầu hội nhập. "Nói một cách hình tượng là báo chí phải đi bằng hai chân, chân thứ nhất là chân hành chính, khi chúng ta tiếp tục khẳng định vai trò là công cụ tư tưởng của Đảng, Nhà nước. Chân thứ hai là chân doanh nghiệp, báo chí phải tự chủ về kinh tế, phải độc lập kinh tế như một doanh nghiệp" - ĐB Thường ví von.

ĐB Thường nhận định, hai chân của báo chí đôi khi không cùng hướng, khập khiễng, thậm chí giẫm lên nhau khiến báo chí khó đứng vững và phát triển.

Cũng quan tâm đến cơ chế để giúp báo chí phát triển, ĐB Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang cho rằng, dự luật cần quy định ưu đãi ở mức cao nhất về thuế đối với các cơ quan báo chí làm cơ sở  cho việc ban hành các chính sách về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh thu từ báo chí.

Đồng tình với ý kiến ĐB Trang, ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) bổ sung: Trong luật chúng ta cũng phải nêu rõ, cụ thể hơn việc ưu đãi về thuế. "Đã là công cụ tuyên truyền, thì phát hành rộng rãi được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Báo chí hiện đang rất khó khăn về phát hành, do vậy, phải có ưu đãi về thuế" - ĐB Huệ nói.

Ở một góc nhìn khác, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) góp ý, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cần phân loại rõ mô hình hoạt động của cơ quan báo chí cho phù hợp với thực tiễn, quy định rõ số lượng kênh truyền  hình, số tờ báo, số tạp chí, số bản tin cho cơ quan báo chí cũng như mỗi bộ, ngành, hạn chế tối đa lãng phí xã hội, lãng phí ngân sách của Nhà nước. 

ĐB Nguyễn Thuận Hữu (Bà Rịa - Vũng Tàu):

Hội Nhà báo Việt Nam được giao khá nhiều nhiệm vụ, nhưng quyền để hoàn thành nhiệm vụ lại không có. Ví dụ, là đại diện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo, hội viên nhà báo, nhưng Hội không biết bảo vệ bằng cách nào, chỉ có bằng gửi văn bản cho các cơ quan, mà các cơ quan tích cực trả lời thì tốt, không trả lời cũng thua. Nên chăng dự luật nên có quy định là các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phối hợp với Hội Nhà báo trong việc này”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem