Báo chí phải viết thấm vào lòng dân, để dân biết cái sai, cái cần bảo vệ
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: Báo chí phải viết để dân biết cái sai, cái cần bảo vệ
Bạch Dương
Thứ năm, ngày 11/05/2023 15:15 PM (GMT+7)
Ngày 11/5, tại tỉnh Bình Dương, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai các nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XII, xây dựng kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025).
Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức. Tham dự hội nghị có khoảng 500 đại biểu là lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy và một số ban, sở, ngành trực thuộc; lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí; chủ quản nhà xuất bản; lãnh đạo các cơ quan báo chí; nhà xuất bản ở TP.HCM và 32 địa phương khu vực phía Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cho biết, 4 quy định mới được quán triệt tại hội nghị khẳng định sự quan tâm sâu sắc, vai trò trực tiếp, toàn diện của Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; có tác động trực tiếp đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong cả nước. Nội dung các quy định thể hiện nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kế thừa và phát triển, cần được quán triệt, triển khai nghiêm túc, bài bản, thật sự đi vào cuộc sống, áp dụng thống nhất trong cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị.
Tại hội nghị, các báo cáo viên đã trình bày những nội dung cơ bản, cốt lõi trong 4 quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đó là Quy định 85-QĐ/TƯ về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội; Quy định 99-QĐ/TƯ về cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và việc sử dụng cờ Đảng; Quy định 100-QĐ/TƯ về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo nhà xuất bản; Quy định 101-QĐ/TƯ về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí.
Trong đó, Quy định về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội là quy định mới, được ban hành với mục tiêu nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, phát huy cao độ tính tiên phong, gương mẫu trong việc thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân trên môi trường mạng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và xây dựng môi trường Internet, mạng xã hội Việt Nam văn minh, lành mạnh, an toàn.
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, việc ban hành 2 quy định về trách nhiệm, quyền hạn của lãnh đạo nhà xuất bản, lãnh đạo cơ quan báo chí tiếp tục khẳng định và làm rõ vai trò lãnh đạo trực tiếp và thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ cơ quan báo chí, nhà xuất bản; là cơ sở chính trị để sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016, Luật Xuất bản 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; góp phần xây dựng đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản có bản lĩnh chính trị, năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức để "xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại" và "sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá" theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Ngăn chặn dấu hiệu vươn vòi, cấu kết của một số cơ quan báo chí
Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, thời gian qua, ngành chức năng đã kiểm tra, xử lý nhiều cơ quan báo chí hoạt động sai tôn chỉ mục đích, trong đó số đông là tạp chí.
"Việc các cơ quan báo chí thành lập thêm chuyên trang, ấn phẩm là tốt nhằm phát huy hết tiềm năng, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, một số cơ quan báo chí có dấu hiệu vươn vòi, cấu kết… làm sai tôn chỉ, không chỉ vi phạm quy định, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh báo chí", ông Lâm cho hay.
Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông cho biết thêm, có những cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản thậm chí không quan tâm, giao hết trách nhiệm cho Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông, Hội Nhà báo. "Quy định đã đề cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí. Tới đây, ngành chức năng sẽ xử lý, rút giấy phép hoạt động đối với cơ quan báo chí và chủ quản không đủ năng lực", ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Hội nghị cũng bàn về việc xây dựng kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với báo giới cả nước. Nhìn lại 100 năm qua để đánh giá, tổng kết, để tự hào nhưng cũng là để cùng nhau xây dựng những chiến lược, kế hoạch, để báo chí cách mạng vững vàng bước sang giai đoạn phát triển mới; cổ vũ, động viên báo giới cả nước tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay báo chí Việt Nam phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Tính đến năm 2022, có 815 cơ quan báo chí, 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó có hơn 19.000 người được cấp thẻ nhà báo.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, hội nghị góp phần giúp các đại biểu nắm sâu sắc, đầy đủ về những nội dung các quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành. Trên cơ sở đó, vận dụng vào tình hình thực tế và triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trong các cấp ủy, tổ chức Đảng và hệ thống chính trị.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đối với các quy định của Ban Bí thư, khi đã triển khai là phải trên tinh thần nhất trí cao, phải làm hiệu quả, phải đi vào cơ sở và chính mỗi đảng viên.
Trong xu thế báo chí hiện đại, các cơ quan báo chí, nhà báo cần tiếp tục quán triệt sâu sắc việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng hành cùng với sự phát triển của xã hội. Phải có những bài viết thấm sâu vào lòng dân, để dân biết cái nào sai trái, cái nào cần bảo vệ.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh Sở Thông tin và truyền thông, Hội Nhà báo cần hệ thống lại các văn bản chỉ đạo báo chí xuất bản. Đối với hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ cũng như các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước sắp tới, các cơ quan báo chí phải tuyên truyền đậm nét.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.