Báo Dân Việt kêu gọi mang “Đông ấm” về với học sinh nghèo Quảng Trị
Báo Điện tử Dân Việt kêu gọi mang “Đông ấm” về với học sinh nghèo Quảng Trị
Ngọc Vũ - Bảo Linh
Thứ bảy, ngày 05/12/2020 10:00 AM (GMT+7)
Mùa Đông giá lạnh đang về trong những căn nhà không thể nào rách nát hơn ở xã A Bung (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị). Ở đó, ước mơ đơn sơ của những đứa trẻ là có được bữa cơm no, áo ấm mùa Đông và cả chiếc xe đạp để tới trường.
A Bung một ngày đầu Đông, cái rét ở miền sơn cước càng thêm buốt giá bởi hơi lạnh toát ra từ đá núi. Nơi đây, núi đá, sông cũng vô vàn đá trồi lên mặt nước. Sau trận lũ lịch sử tháng 10, A Bung càng thêm hoang tàn, xơ xác, nhìn quặn lòng xót xa.
Đakrông, tỉnh Quảng Trị là 1/56 huyện nghèo nhất cả nước (đang hưởng chính sách 30A của Chính phủ), còn A Bung là xã nghèo nhất của huyện Đakrông.
Bởi thế, ở A Bung, không khó để bắt gặp những căn nhà xập xệ, không thể nào rách nát hơn.
Căn nhà của vợ chồng chị Nguyễn Thị Khẩu (SN 1983, thôn Pi Re 2, A Bung) là một trong số đó.
Vợ chồng chị có 2 người con, trong đó Hồ Nguyễn Anh Thư là con đầu, đang học lớp 2D, điểm trường Pire 1, con út mới 2,5 tuổi.
Vì hoàn cảnh khó khăn nên chị Khẩu không được đi học, không biết chữ, cuộc sống quanh năm dựa vào vài sào sắn, ngô và làm thuê cuốc mướn.
Từ số tiền dành dùm được, tháng 9 vừa qua, vợ chồng chị Khẩu mua gỗ, dựng được khung căn nhà sàn. Để có mái tôn lợp nhà, chị Khẩu đến đại lý vật liệu mua nợ 66 tấm tôn hết 4,62 triệu đồng.
"Mình nói mua nợ lợp mái xong, đến vụ thu hoạch sắn sẽ đủ tiền trả, ai ngờ lũ, mưa dài ngày làm sắn thối, thế là hết, không biết lấy gì trả nợ" – chị Khẩu buồn bã nói.
Mái nhà mới đã lợp nhưng do chưa có tiền mua tôn, ván gỗ để làm vách nên chưa thể ở. Gia đình chị vẫn phải ở trong nhà cũ ọp ẹp được dựng từ năm 2013. Gọi là nhà cho đỡ tủi thân, thực ra đó là căn lều dựng bằng cột gỗ đã xiêu vẹo, mối mọt, vách che bằng tre nứa, mái bằng lá cọ đã mục nát nên phải phủ bạt chống dột.
Trong nhà chị Khẩu không có vật dụng nào có giá trị vượt quá 100.000 đồng. Những thứ nhìn được trước mắt chỉ là một bóng đèn thắp sáng, vài cái xoong và quần áo cũ.
Mở đôi mắt long lanh, Anh Thư (con gái chị Khẩu) cho biết, nhà nghèo nên thường mỗi ngày, Thư chỉ ăn hai bữa sáng, tối, nhịn bữa trưa. Cơm, canh rau rừng nấu với mì tôm cứu trợ lũ lụt là bữa ăn của Thư trong những ngày tháng 10 và 11.
Nhà cách trường khoảng 3km, hàng ngày, Thư phải cùng bạn bè đi bộ tới lớp. Đôi chân nhỏ của cô bé cũng trở nên chai sạn và luôn lấm lem bùn đất, đặc biệt vào những ngày trời mưa gió.
Nói về mong muốn của mình, Thư bẽn lẽn nhìn xuống đôi chân đang có dấu hiệu nứt nẻ vì lạnh và lội bùn đến trường ngập ngừng: "Đi bộ xa em rất mỏi chân, nhất là buổi trưa khi đi học về, vừa đói vừa mệt nhưng vẫn phải đi bộ về ạ. Nếu như em có xe đạp để đến lớp, em sẽ được về nhà nhanh hơn, còn giúp được bố mẹ trông em nữa".
Cách nhà chị Khẩu không xa, nhà chị Hồ Thị Ty (SN 1997, trú cùng thôn Pi Re 2) đã bị sập sau bão.
Chị Ty cho biết, tối 27/10, khi bão số 9 đang ảnh hưởng miền Trung, vợ chồng chị đưa 3 đứa con lên nhà ông bà nội xem phim. Khi trở về, khoảng 9h30 thì thấy căn nhà đã bị sập. Đứng giữa cơn mưa nặng hạt, gió bão bập bùng, chị Ty ngửa mặt khóc than thảm thiết.
Căn nhà nhỏ bị sập, chỉ thu dọn được vài tấm tôn, quần áo rồi cả nhà chị Ty đến ở nhờ, ăn nhờ bố mẹ chồng từ đó đến nay.
Ôm đứa con mặc áo quần cọc, đang ho sặc sụa vì ốm nặng, chị Ty mếu máo nói, chồng chị là Hồ Văn Lam (SN 1996) vừa trở về từ bệnh viện đã phải cố đi làm kiếm tiền nuôi con.
"Chồng đi làm đâu bây giờ mình cũng không rõ nữa, vì mình không có điện thoại, chỉ biết chồng xin đi cùng xe với mấy người trong làng, không rõ đi làm rẫy thuê hay đi đãi vàng" – chị Ty nói.
Kinh tế của cả gia đình chị Ty chỉ dựa vào vài sào đất đồi trồng ngô, sắn nhưng trận lũ vừa qua đã làm hư hỏng hết. Khi mùa Đông đang đến dần, nỗi lo lắng của chị lại càng tăng thêm khi không thể lo đủ cho con cái áo ấm để đi học.
"Mùa Đông nếu ở nhà còn ngồi bên bếp cho đỡ lạnh nhưng con cái phải đi học mà áo ấm không có. Vợ chồng mình đi làm có lạnh, có đói ăn cũng cam chịu, nhưng nhìn con bị rét, mình đau lòng lắm" – chị Ty nói trong tiếng nấc.
Thầy giáo Phan Khắc Phú – Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS A Bung cho biết, toàn trường có 631 em học sinh thì có tới khoảng 80% thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, học sinh ở 6 thôn cách trường từ 4Km – 7Km. Không có xe đạp, nhiều em phải đi bộ tới trường. Học sinh ở 2 thôn Pi Re 1, Pi Re 2 nhà cách trường hơn 7km, để rút ngắn quãng đường, một số em đã vượt sông đến lớp.
"Cuộc sống của học sinh nơi đây rất thiếu thốn, khó khăn. Mùa Đông, dưới cái rét cắt da các em học sinh vẫn không đủ áo ấm để mặc. Những trận mưa lũ vừa qua càng khiến gia đình các em học sinh đã nghèo nay còn nghèo hơn. Vì vậy, mùa Đông năm nay sẽ vô cùng khắc nghiệt với học sinh A Bung" - thầy Phú cho hay.
Trước những khó khăn của người dân và học sinh xã A Bung, Báo Nông thôn Ngày nay/ Điện tử Dân Việt phát động chương trình "Đông ấm" và kêu gọi sự chung tay ủng hộ, giúp đỡ của bạn đọc trên cả nước để dành tặng các phần quà tới các em học sinh nghèo tại xã A Bung.
Mọi sự chung tay giúp đỡ có thể gửi về theo địa chỉ:
Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số tài khoản: 21210000524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.