Nhóm PV
Chủ nhật, ngày 25/10/2020 07:33 AM (GMT+7)
Khi đến UBND xã Ba Tầng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) nhận phần quà hỗ trợ, bà Hồ Thị Buồn (65 tuổi) ở thôn Trùm giữ khư khư trong tay 1 cái bao tải, bà bảo rằng lỡ cái túi đựng bị rách thì những cân gạo đầu tiên cả nhà được nhận sau lũ sẽ bị đổ, 7 người trong nhà sẽ chưa có cơm ăn.
Trưa ngày 24/10, bà Buồn nhờ người hàng xóm chở mình ra UBND xã nhận quà từ Báo NTNN/ Dân Việt và nhà tài trợ là Công ty FE Credit trao tặng tại xã Ba Tầng (Hướng Hóa, Quảng Trị).
Nhà cách UBND xã khoảng 8km nên bà không thể đi bộ ra được, còn vợ chồng người con phải ra nương lúa với hi vọng mót lại được ít lúa sau lũ. Bà kể, mấy bữa trời mưa lũ nhà của bà bị bay mất mái pờ rô xi măng, cả nhà ướt chìm hết. Hiện giờ, nhà bà cũng đang lợp tạm bằng tấm bạt để ở tạm.
Trước khi lũ về nhà bà cũng thuộc hộ khá của thôn. Nhà có 1 ha rẫy nên những năm trước, cả nhà thu hoạch được mấy chục bao thóc với khoảng 10 xe sắn, chẳng phải lo đến cái ăn.
Từ ngày 24-26, Báo NTNN/ Điện tử Dân Việt phối hợp cùng Công ty FE Credit, trao tặng 10 tấn gạo cho 1.000 hộ dân các xã: xã Ba Tầng (Hướng Hóa), xã Ba Lòng, Ba Nang, Tà Long (thuộc huyện Đakrông). Đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt, được trao tặng thêm tiền mặt từ 1.000.000 – 5.000.000 đồng.
Đặc biệt, trong chương trình cứu trợ lũ lụt đợt 2 này, đoàn từ thiện đã trao tặng 50.000.000 đồng cho gia đình anh Hồ Văn Veng (thôn Thanh Ô, xã Thanh, Hướng Hóa) bị sập nhà hoàn toàn.
"Sắn đang bắt đầu có củ, chỉ 1-2 tháng nữa có thể thu hoạch rồi nhưng mưa lũ nó cuốn đi hết rồi, củ bị thối đen. Lúa sắp thu hoạch giờ cũng đã đổ rạp xuống bùn. Năm nay, cả nhà không biết xoay xở thế nào cho những tháng giáp hạt sắp tới" – bà Buồn lo lắng nói bằng tiếng phổ thông xen lẫn tiếng Vân Kiều mà chúng tôi phải nhờ một người dân dịch hộ.
Người dân xã Ba Tầng là đồng bào dân tộc Vân Kiều. Cả xã có 885 hộ trong đó 67% là hộ nghèo và cận nghèo. Đợt lũ vừa qua đã phá hỏng 220 ha lúa, 444 ha sắn, 15 con trâu, bò bị chết....
Nhận phần quà là 10kg gạo từ Báo NTNN/ Dân Việt trên tay, bà Buồn hì hụi lót thêm bên ngoài túi gạo chiếc bao tải mình cầm từ nhà đi.
"Mấy hôm nay cả nhà cũng được nhận mắm muối với mì tôm nên ăn mì tôm, mà cũng phải dè xẻn, chia ra cho đủ. Hôm nay là lần đầu bà được đi nhận được gạo, tối nay về cả nhà sẽ nấu cơm ăn với mì tôm cho ngon" - bà Buồn khoe.
Dù lũ không lên đến nhà song mấy mẹ con chị Hồ Thị Hồng (1999) cũng chật vật không kém. Chị có 3 người con, người con đầu Hồ Văn Khoang khi sinh ra chẳng được may mắn, em bị dị tật bẩm sinh chỉ có thể nằm 1 chỗ. Vợ chồng chị làm được gì đều bỏ ra chạy chữa cho con. Cạn kiệt, người chồng bỏ đi để lại chị với người con tàn tật.
Sau một thời gian, chị bén duyên cùng người chồng thứ 2 và có được 2 người con, thế nhưng niềm hạnh phúc này cũng không được trọn vẹn. Sự vất vả của gia đình khiến người chồng này tiếp tục bỏ đi để lại chị với 3 đứa con thơ trong ngôi nhà sàn xiêu vẹo chừng 20m2.
Cả nhà chỉ trông chờ vào nửa xe sắn khi được mùa để đổi lấy gạo sống qua ngày. Đứa con út của chị mới được 10 tháng nên mẹ chị cũng đến giúp đỡ trông cháu để chị có thể đi làm rẫy thuê.
Thấy đoàn từ thiện vào thăm, cậu bé con đang bốc miếng cơm cháy không biết được nấu từ bao giờ vội bỏ vào miệng rồi ra ngồi cùng mọi người. Cậu bé đang học mầm non, mỗi tháng cũng tiêu tốn của chị 320.000 đồng.
Trong căn nhà xiêu vẹo, chẳng có bất cứ một món đồ hàng nào giá trị, mọi cái ăn, cái mặc đều đè nặng lên vai người mẹ trẻ. Khi được hỏi có nuôi được con vật gì không, chị chỉ ra ngoài sân bảo có 3 con gà đang bằng nắm tay: "Trâu bò mình tiền đâu mà mua, có được mấy con gà ở đó thôi".
Nhận được phần quà là 10kg gạo cùng 5 triệu đồng tiền mặt, chị Hồng bất ngờ đến lạc giọng: "Em nghĩ rằng các anh chị sẽ không đến nhà em. Nhà mẹ con em chưa bị ngập lụt vào nhà, vậy mà còn được tặng gạo, tiền cả nhà em nhận nhiều quá. Em cảm ơn các anh chị rất nhiều".
Trao đổi với Dân Việt, ông Hồ Văn Bằng – Chủ tịch UBND xã Ba Tầng cho hay: "Người dân nơi đây chủ yếu sống nhờ sắn với lúa thôi nơi đây trồng được 2 vụ/ năm nhưng giờ sắn thối, lúa trôi theo nước lũ hết, phải đến tháng 5-6 năm sau mới có lúa thu hoạch. Người dân giờ chỉ sống nhờ vào những phần quà cứu trợ, hỗ trợ thôi".
Tin cùng chủ đề: Báo NTNN/ Dân Việt kêu gọi ủng hộ miền Trung lũ lụt năm 2020
Vui lòng nhập nội dung bình luận.