Cứ tưởng Tây là… dại gái
Khôi hài nhất là trường hợp chị Nguyễn Thị Mai (tên người bị hại đã được thay đổi), 40 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tháng 10.2015, qua mạng xã hội Facebook, có một tài khoản tên Edward Archie gửi lời mời kết bạn cho chị Mai. Bỗng dưng có một người nước ngoài kết bạn, chị Mai cũng thấy tò mò, muốn "thử xem sao" nên đồng ý kết bạn với "anh Tây" này. Chị vào trang Facebook cá nhân của "anh Tây" xem, thấy anh này da trắng, mắt xanh khá đẹp trai.
Ngay sau khi kết bạn, "anh Tây" liên tục chat tin nhắn bằng tiếng Anh với chị Mai. Không thạo tiếng Anh nhiều nên chị phải sử dụng phần mềm Google dịch để đọc và chat trả lời lại người bạn "khoai Tây". Bản thân chị Mai đang sống khá hạnh phúc với chồng nên việc làm quen người bạn trai "Tây" này được chị công khai cho chồng biết và đọc tin nhắn. Là người dễ tính và tin tưởng vợ nên chồng chị cũng không phản đối mối quan hệ qua mạng này.
Trò chuyện qua tin nhắn, Edward Archie cho biết anh ta là một doanh nhân đang sống tại Anh, đã ly hôn vợ, có một cô con gái nhỏ. Vì lý do đổ vỡ trong hôn nhân nên Edward Archie muốn đến một nước khác sinh sống, tìm một người phụ nữ có thể chia sẻ, cùng chăm sóc con gái cho anh ta. Edward Archie tâm sự rất thích phụ nữ Việt Nam bởi anh ta tìm hiểu, được biết phụ nữ Việt tính tình dịu dàng, có đức hy sinh, lại chịu thương chịu khó.
Chị Mai cho chồng xem những đoạn tin nhắn của Edward Archie và xin phép chồng được "tán tỉnh" lại anh "khoai Tây" xem sao. Nghĩ là một trò đùa vô hại nên chồng chị đồng ý. Vậy là chị Mai cũng bịa ra một hoàn cảnh "bà mẹ đơn thân" khá mùi mẫn. Và một ngày đẹp trời, Edward Archie đã gửi lời tỏ tình tới chị Mai. Edward Archie cho biết sẽ thu xếp sang Việt Nam sớm để hai bên gặp nhau, tiến tới kết hôn.
Ngày 5.12, Edward Archie nhắn tin cho chị Mai thông báo đã gửi cho chị một thùng quà gồm toàn đồ hiệu thông qua một công ty dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế, trong đó anh ta "giấu" một khoản tiền lớn để tiện cho việc chi tiêu khi sang Việt Nam vì khi xuất cảnh, theo quy định chỉ được mang theo một khoản ngoại tệ nhất định. Edward Archie cho biết hàng chuyển theo đường hàng không nên khoảng 2 ngày sau sẽ đến Việt Nam. Edward Archie nhờ chị Mai đứng ra làm các thủ tục để nhận thùng quà trước, khi nào sang Việt Nam anh ta sẽ nhận lại tiền, còn đồ hiệu là quà tặng cho chị Mai.
Nhận tin nhắn, chị Mai khoe với chồng: "Thằng Tây này ngu chưa, vợ chồng mình lừa nó một vố mới được". Thấy sự việc có chiều hướng đi quá đà, chồng chị khuyên can vợ nên dừng lại nhưng đang đà say sưa "lừa" anh Tây dại gái, chị Mai nhất định không nghe.
Ngày 7.12, có một đối tượng nữ gọi điện thoại cho chị Mai, tự xưng là nhân viên công ty chuyển phát nhanh tại TP.HCM, cho biết có một thùng hàng gửi cho chị từ Anh gồm toàn hàng hiệu như quần áo, túi xách, giày dép phụ nữ… trị giá hàng trăm triệu đồng đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất nên muốn nhận hàng, chị Mai phải nộp 2.000USD tiền thuế. Người phụ nữ này hướng dẫn chị Mai nộp tiền vào một tài khoản mang tên Phạm Thị L, theo giải thích là một nhân viên của công ty chuyển phát nhanh. Nghĩ tới những món quà hàng hiệu, chị Mai liền đến ngân hàng gửi ngay tiền để sớm nhận được thùng hàng.
Sáng nộp tiền thì buổi chiều, chị Mai nhận được điện thoại của nhân viên công ty chuyển phát nhanh cho biết, qua soi chiếu, hải quan sân bay phát hiện trong thùng quà của Edward Archie có 70.000USD. Theo quy định, người nhận phải nộp phạt 10% tương đương 7.000USD mới nhận được toàn bộ số tiền, nếu không hải quan sẽ tịch thu. Giấu chồng, chị Mai đi vay mượn tiền của anh em, bạn bè để hôm sau 8.12, chị gửi 7.000USD vào tài khoản mang tên Ngô Hoàng theo yêu cầu của đối tượng.
Ngày 9.12, nhân viên chuyển phát nhanh lại gọi điện thông báo hải quan tiếp tục phát hiện thêm trong thùng hàng còn có 50.000 bảng Anh và chị Mai phải nộp 10% số tiền này nếu muốn nhận kiện hàng.
Chat cho Edward Archie, chị Mai được anh ta xác nhận có "giấu" số tiền này. Anh ta giải thích vì muốn chị Mai bất ngờ khi nhận được quà nên đã không báo trước cụ thể số tiền là bao nhiêu. Edward Archie động viên chị Mai cứ ứng tiền nộp phạt trước, khi nào nhận hàng sẽ trừ khoản "tạm ứng" này. Tin anh Tây "dại gái", chị Mai lại ra ngân hàng chuyển tiền.
Ngay sau khi chị Mai chuyển tiền, nhân viên chuyển phát nhanh gọi điện thoại xác nhận đã thấy tiền trong tài khoản, nhưng muốn nhận được sớm thì phải chi thêm 15.000USD "phí bảo hiểm", nếu không hàng phải nằm trong kho vài tuần nữa mới được "thông quan". Chị Mai nói không còn tiền nộp, nhân viên chuyển phát nhanh động viên chị cố gắng thu xếp sớm, nếu chưa đủ thì có thể gửi trước một nửa, còn lại sẽ giao nốt khi nhận được hàng.
Nhẩm tính lại, thấy mình đã phải bỏ ra mấy trăm triệu đồng đóng "lệ phí", chị Mai tặc lưỡi "đâm lao phải theo lao", nếu không sẽ mất hết nên lại chạy vạy đi vay mượn, nộp tiếp 7.500USD vào sáng 10.12. Thế nhưng, nhân viên chuyển phát nhanh lại gọi điện thoại nói rằng vì phát hiện trong thùng hàng có một khoản ngoại tệ lớn nên Viện Kiểm sát đã vào cuộc, yêu cầu kiểm tra. Người này đề nghị chị Mai nộp nốt tiền "cho được việc". Lúc này, chị Mai mới sực tỉnh.
Chắp nối sự việc mấy ngày qua, chị có cảm giác bất an. Chị lên mạng tìm hiểu, chết điếng người khi có quá nhiều thông tin về các vụ "quý bà" mắc bẫy trai Tây trên mạng với thủ đoạn gửi quà "ảo" như chị.
Liên lạc với Edward Archie không được, chị đành cay đắng đến cơ quan công an trình báo, kèm theo 4 tờ hóa đơn nộp tiền, 1 bản in giao diện tài khoản Facebook của Edward Archie và nội dung chat giữa hai người. Kiểm tra các tài khoản mà chị Mai đã chuyển tiền cho thấy số tiền gửi đã được rút sạch. Số điện thoại của "nhân viên chuyển phát nhanh" đã khóa và cũng chỉ là loại "sim rác".
Một tài khoản Facebook đối tượng sử dụng để lừa đảo "quý bà" Việt Nam.
Bài học "mất cả chì lẫn chài"
Làm quen rồi lừa đảo yêu đương, gửi quà nhằm chiếm đoạt tài sản là một trong 5 thủ đoạn lừa đảo nổi bật trên mạng xã hội Facebook trong năm 2015. Chỉ tính từ tháng 6.2015 đến 11.12.2015, Phòng PC50 Công an Hà Nội đã tiếp nhận 9 đơn trình báo của người bị hại với tổng số tiền đã bị chiếm đoạt lên đến gần 3,6 tỷ đồng.
Chưa hết choáng váng vì vụ việc một quý bà bỏ ra trên 1,7 tỷ đồng để đổi lấy món quà "ảo" của một "anh Tây" xảy ra vào tháng 6.2015 tưởng như đã là "kỷ lục" về số tiền bị chiếm đoạt, thì mới đây ngày 20.12, Phòng PC50 Công an Hà Nội lại nhận được đơn của một "quý bà" khác cầu cứu sự giúp đỡ của cảnh sát công nghệ cao lấy lại số tiền trên 2 tỷ đồng đã trót chuyển vào tài khoản ngân hàng theo đề nghị của "trai Tây". Mất tiền tỷ nhưng các chàng "khoai Tây" vẫn là ẩn số bí hiểm đối với "quý bà"…
Theo cán bộ điều tra Phòng PC50, khi đến cơ quan công an trình báo việc bị "trai Tây" trên mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi nhiều lý do tế nhị, phần lớn các "quý bà" ban đầu chỉ trình báo sự việc hết sức chung chung. Sau khi được động viên, "quý bà" mới thổ lộ hết nguyên nhân sâu xa khiến họ có thể dễ dàng "ném" một đống tiền cho một người xa lạ.
Ngoài ảo tưởng về một khoản tiền khổng lồ "giấu" trong thùng hàng mà "trai Tây" vẽ ra để đánh vào lòng tham của "quý bà" người Việt thì những lời tỏ tình trên mạng và một cuộc hôn nhân trong tương lai gần với các chàng "Tây" mới lạ chính là một yếu tố hấp dẫn những "quý bà" đang sống độc thân. Điều này cũng lý giải vì sao những kẻ lừa đảo chuyên nhằm vào những phụ nữ lứa tuổi U40 trở lên, từng bị đổ vỡ trong hôn nhân, luôn khát khao một người đàn ông có thể đáp ứng cả nhu cầu về tình, tiền.
Bi kịch "tiền mất tật mang" cũng từ đây. Quá trình nhắn tin yêu đương, thấy đối tác gửi những tấm ảnh chụp cơ thể "trai Tây" cường tráng, hấp dẫn hơn trai Việt, nhiều "quý bà" khát tình đã không ngần ngại gửi ảnh, clip sex của mình cho đối tác. Có "quý bà" còn cầu kỳ dùng photoshop để cho hình ảnh của mình được "long lanh" trong mắt "trai Tây". Đến khi nhận ra việc gửi quà chỉ là lừa đảo, "quý bà" không thực hiện gửi tiền vào tài khoản theo yêu cầu, lập tức bị "trai Tây" giở mặt đe dọa nếu không chuyển tiền sẽ tung ảnh "nóng" và những đoạn "chat sex" lên mạng. Sợ bị mất thanh danh, "quý bà" đành ngậm đắng nuốt cay gửi tiền cho kẻ lừa đảo.
Theo thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng PC50 Công an Hà Nội, việc điều tra, khám phá các vụ án "trai Tây" lừa tình, lừa tiền "quý bà" người Việt gặp nhiều khó khăn bởi các đối tượng lừa đảo đều sử dụng nick ảo, không thể xác định được tên tuổi, địa chỉ thật của đối tượng. Những hình ảnh đối tượng đưa lên mạng đều là ảnh copy từ một tài khoản của người nước ngoài khác. Thậm chí có đối tượng còn sao chép thông tin, hình ảnh trên trang Facebook của một tỷ phú Mỹ thành trang Facebook của chúng để giăng bẫy những phụ nữ Việt thiếu thông tin, mù quáng, "sính" Tây.
Qua xác minh các vụ việc trình báo, Phòng PC50 Công an Hà Nội nhận định, có sự liên kết giữa các đối tượng là người nước ngoài và người Việt Nam gây án, hình thành các ổ nhóm tội phạm. Tiền được người bị hại chuyển vào các tài khoản đứng tên người Việt Nam mở tại ngân hàng, là loại tài khoản Master card, có thể rút tiền ở nước ngoài. Thực tế chỉ trong vòng từ 5-10 phút sau khi bị hại chuyển tiền, các đối tượng lập tức rút sạch tiền, việc rút tiền được thực hiện ở Campuchia và Malaysia. Đã xuất hiện tình trạng tội phạm mua bán tài khoản ngân hàng để sử dụng vào mục đích phạm tội.
Đặc biệt, việc mua bán tài khoản này diễn ra trên môi trường mạng. Đối tượng mua tài khoản quen biết người Việt Nam trên mạng xã hội, sau đó làm quen và đặt vấn đề nhờ ra ngân hàng mở tài khoản để bán lại cho chúng. Với thủ tục mở tài khoản ngân hàng khá thông thoáng, đơn giản như hiện nay thì chỉ cần chứng minh nhân dân, một cá nhân có thể mở nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau. Sau khi mở tài khoản, người bán chuyển toàn bộ thông tin tài khoản cho người mua mà hai bên không cần gặp nhau.
Ngoài ra, để đối phó với cơ quan chức năng, một số đối tượng còn sử dụng chứng minh nhân dân của người khác (chứng minh nhân dân thật, mua lại tại các tiệm cầm đồ hoặc qua nguồn trộm cắp), thay ảnh để làm thủ tục mở tài khoản tại ngân hàng.
Có vụ việc theo trình báo của người bị hại, sau khi chuyển tiền ít phút, người bị hại thông báo và đề nghị ngân hàng phong tỏa tài khoản để ngăn chặn việc đối tượng rút tiền chiếm đoạt nhưng do trình tự, thủ tục của phía ngân hàng kéo dài nên đối tượng vẫn đủ thời gian rút tiền. Đây là những khó khăn, vướng mắc của cơ quan công an khiến cho việc điều tra, khám phá các vụ án lừa tình, lừa tiền qua mạng xã hội bằng thủ đoạn tỏ tình rồi gửi quà "ảo" chưa đạt hiệu quả cao so với thực tế.
Thượng tá Hà Thị Hằng cảnh báo, để phòng ngừa loại tội phạm này, người sử dụng Facebook và các mạng xã hội khác như Two, Skype, Zalo… là các mạng xã hội phổ biến hiện nay tại Việt Nam cần có sự tỉnh táo, sàng lọc bạn bè khi làm quen kết bạn bởi môi trường mạng là ảo, những thông tin, hình ảnh được đưa lên mạng không có độ xác thực. Mặt khác, người dùng mạng xã hội không nên đưa những thông tin cá nhân cụ thể, diễn biến, hoàn cảnh sống hàng ngày của bản thân và các thành viên trong gia đình lên mạng, đề phòng tội phạm lợi dụng, khai thác các thông tin này vào mục đích phạm tội.
Các cơ quan như hải quan, viện kiểm sát, tòa án… không bao giờ làm việc qua điện thoại, qua mạng xã hội và không yêu cầu nạp tiền qua tài khoản. Trường hợp làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan, các cơ quan này sẽ có giấy mời, giấy triệu tập… đề nghị đến trụ sở để làm việc trực tiếp. Việc thu tiền của các cơ quan này (nếu có) phải có biên bản, biên lai xác nhận.
Nếu tỉnh táo một chút, người sử dụng Facebook sẽ nhận ra rằng khi hai người chỉ quen nhau trên Facebook, chưa biết nhau và chưa từng gặp gỡ ngoài đời thật lại bỏ ra một số tiền quá lớn lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng triệu đôla… để tặng nhau là điều hết sức vô lý.
Hương Vũ (An ninh Thế giới)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.