"Báo động" nhiều doanh nghiệp vận tải không thể trả nợ trước hạn

Thế Anh Thứ sáu, ngày 27/08/2021 10:14 AM (GMT+7)
Với những khó khăn về cơ cấu nợ, Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp vận tải.
Bình luận 0

Doanh nghiệp gặp khó lưu thông hàng hoá

Thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải hàng hoá, tuy nhiên, vẫn còn tình trạng bị ách tắc, lưu thông bị gián đoạn do có nhiều chốt kiểm soát trên đường. Điều này làm giảm hiệu quả của công tác vận tải, tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho đội ngũ lái xe.

Để giải quyết những khó khăn về lưu thông hàng hóa, Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc khi một tỉnh, thành phố công bố thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng hoặc các biện pháp phòng chống dịch cao hơn, cần phải đảm bảo lưu thông cho phương tiện vận tải trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh đó.

"Báo động" nhiều doanh nghiệp vận tải không thể trả nợ trước hạn - Ảnh 1.

Phương tiện vận tải của các doanh nghiệp tại bến xe Giáp Bát. Ảnh: Phạm Hưng

"Việc này có thể thông qua biện pháp phân luồng từ xa hoặc cho xe đi theo đường vành đai để lưu thông không bị ách tắc", Hiệp hội này cho biết.

Theo Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, việc kiểm soát phương tiện trên đường cần phải có những nguyên tắc và phối hợp thống nhất giữa các địa phương, cần áp dụng công nghệ để giảm tới mức thấp nhất số lượng phương tiện phải dừng. Ví dụ phương tiện đi ra từ vùng dịch thì kiểm tra tại gốc, sau đó nhập dữ liệu vào hệ thống để các trạm khác không kiểm tra nữa.

Qua đó, người đứng đầu Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam đề nghị các Bộ, ngành cần phải đồng bộ trong việc thực hiện những quy định, tránh tình trạng như vừa qua Bộ Y tế đã có quy định đối với lái xe thì giấy chứng nhận xét nghiệm theo phương pháp Test nhanh hay PCR đều được chấp nhận, nhưng một số địa phương vẫn chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm PCR.

Đồng thời, đề nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo cho lực lượng lái xe, phụ xe được ưu tiên tiêm vaccine theo Nghị quyết 21 của Chính phủ để phòng ngừa và giảm bớt chi phí xét nghiệm cho lái xe và doanh nghiệp vận tải.

"Báo động" nhiều doanh nghiệp vận tải không thể trả nợ trước hạn - Ảnh 2.

Xe chở hàng hoá đi vào bến xe Nước Ngầm để lái xe test Covid-19. Ảnh: Thế Anh

Không thể trả nợ

Đối với các vướng mắc liên quan đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, trong thực tế đại dịch Covid-19 đã qua 18 tháng, khi ban hành Thông tư 03 tại thời điểm tháng 4/2021, Ngân hàng Nhà nước chưa lường được dịch lần 4 nghiêm trọng như hiện nay nên đã quy định thời hạn cơ cấu nợ không vượt quá 12 tháng là không thực tế.

Với khó khăn trong việc cơ cấu nợ, lãnh đạo Hiệp hội Vận tải cho rằng: "Quy định này nhiều doanh nghiệp không thể cơ cấu lại được các khoản nợ, đã khó khăn lại chồng chất khó khăn không đủ điều kiện để tiếp cận với các chính sách ưu đãi của Chính phủ".

Hiệp hội kiến nghị sửa đổi Thông tư 03 theo hướng thời gian cơ cấu lại trong trường hợp kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 36 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay (thời điểm khách hàng phải trả hết toàn bộ nợ gốc và lãi theo hợp đồng đã ký).

Hơn nữa, trong tình hình dịch bệnh hiện nay doanh nghiệp không thể trả nợ trước 31/12/2021 theo quy định ở Thông tư 03 do doanh nghiệp vừa trải qua gần 2 năm đầy khó khăn khi doanh thu giảm 80%. Do đó, quy định này làm khó doanh nghiệp.

Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các khoản nợ phát sinh trước ngày 01/05/2021 cũng được cơ cấu nợ; đề nghị Chính phủ thực hiện cấp bù lãi suất cho các Ngân hàng thương mại để các Ngân hàng thương mại giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp với mức giảm từ 3%/ năm.

Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, triển khai thực hiện Quyết định của Bộ GTVT về "hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19".

Chỉ đạo rà soát các văn bản do địa phương đã ban hành chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1102/2021, văn bản số 1015/2021 của Thủ tướng Chính phủ về vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch Covid-19, văn bản số 5187/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19.

"Các tỉnh, thành phố chủ động bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp. Báo cáo kết quả rà soát về Bộ GT VT trước 15h00 ngày 28/8/2021 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ", Bộ GTVT yêu cầu.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem