Báo động tình trạng bán đất ruộng cho lò gạch

Thứ tư, ngày 11/09/2013 09:37 AM (GMT+7)
Tình trạng này đang diễn ra tại các thôn An Châu, Hòa Phước của xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.
Bình luận 0
Ông Lê Văn Siêng ở thôn An Châu kể: “Cách đây 10 năm, các doanh nghiệp (DN) đã đến mua đất ruộng bán cho các lò gạch tuy nen nhưng chỉ ở giá 5 -10 triệu đồng/sào. Vài năm gần đây, đất ruộng để làm gạch tăng giá, các hộ đua nhau bán. Đất của tui nằm gần đường, DN họ khai thác hơn 10ha ở phía trong, đằng nào cũng phải đi qua ruộng tui. Họ năn nỉ mãi, cuối cùng tôi phải bán. Mỗi sào đất, DN mua với giá từ 40 - 50 triệu đồng, không ít gia đình bán được vài trăm triệu đồng”.
Ông Bốn bên cánh đồng thôn giờ loang lổ hố.
Ông Bốn bên cánh đồng thôn giờ loang lổ hố.

Hiện xã Hòa Phú có trên 30 hộ bán đất ruộng cho DN. Khi nông dân bán đất, đồng nghĩa với việc bỏ luôn ruộng không sản xuất vì ruộng bị móc đất loang lổ, đọng nước, không thể canh tác được nữa.

Ông Lê Nguyễn Phan Bốn - Trưởng thôn An Châu nói: Khu vực Bàu Tong là nơi sản xuất chính của hàng trăm hộ dân thôn An Châu, nay đã bị cày xới tan tành do bán đất làm gạch. Nhiều nông dân ký vào đơn bán đất ruộng mà không kèm theo điều khoản quy định thời hạn sử dụng đất của DN. Thôn An Châu có gần 20 hộ dân bán đất cho DN, với diện tích hàng chục ha. Hiện 21ha ruộng khu Bàu Tong ở thôn An Châu đang bị các DN khai thác đất lấy sạch, độ sâu tới 4 – 5m, lọt thỏm cả một chiếc máy xúc dưới hố.

“Các cuộc họp thôn, chúng tôi đều vận động bà con không nên bán đất cho DN vì bán đất thì có ít tiền nhưng về lâu dài, người dân chẳng biết lấy gì kiếm sống. Thế nhưng, thấy người này bán thì người kia cũng bán” - lời ông Bốn.

Tương tự, ở thôn Hòa Phước cũng đã có 10 hộ dân bán ruộng cho các lò gạch. Tại đây có 7ha từng là ruộng lúa nhưng nay bị xe ben, xe ủi cày xới nham nhở.

Ông Nguyễn Văn Vân - Chủ tịch UBND xã Hoà Phú cho biết, Hòa Phú hiện có 3 DN là Công ty TNHH Hiệp Đại Hưng, Nam Hải Vân và Tân Đại Phát được cấp phép thăm dò khoáng sản tại vùng Bàu Tong (thôn An Châu) từ đầu tháng 6.2013. Dù mới có giấy phép thăm dò, song đã có DN triển khai khai thác, múc đất, đào ruộng để bán.

“Việc này, DN tự thoả thuận với nông dân. Các công ty đặt cọc cho dân 10 triệu đồng rồi tiến hành múc đất. Cái này xã không thể quản lý nổi” - ông Vân nói.
Kim Oanh (Kim Oanh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem