Bảo dưỡng nhà máy, Đạm Phú Mỹ “cắt” đơn hàng xuất khẩu

Quốc Hải Thứ hai, ngày 10/05/2021 11:26 AM (GMT+7)
Năm 2021, Đạm Phú Mỹ (PVFCCo; HoSE: DPM) phải tiến hành bảo dưỡng định kỳ hơn 1 tháng nên từ cuối năm 2020, doanh nghiệp này đã “cắt” các đơn hàng xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung phân bón trong nước…
Bình luận 0
Bảo dưỡng nhà máy, Đạm Phú Mỹ “cắt” đơn hàng xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước - Ảnh 1.

PVFCCo đang tiến hành bảo dưỡng định kỳ nhà máy sản xuất phân bón

Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2021, PVFCCo đã cung ứng gần 350.000 tấn phân bón các loại ra thị trường nội địa, trong đó Đạm Phú Mỹ đạt khoảng 255 ngàn tấn. Dự kiến trong tháng 5-6/2021, PVFCCo sẽ tiếp tục đưa khoảng 150.000 tấn Phân bón Phú Mỹ ra thị trường.

"Từ đầu quý II, nhu cầu phân bón tăng mạnh do bước vào cao điểm canh tác, chăm bón vụ mùa mưa/Hè thu – một trong những vụ mùa lớn nhất trong năm. Trong bối cảnh thị trường, chuỗi logistic thế giới có nhiều biến động bất thường và Nhà máy Đạm Phú Mỹ dừng máy hơn 1 tháng để bảo dưỡng tổng thể định kỳ, nhưng do đầu tư tốt cho công tác dự báo và chuẩn bị, điều động hàng hợp lý, PVFCCo vẫn cơ bản đảm bảo nguồn cung ứng phân bón cho bà con nông dân", đại diện PVFCCo, cho hay.

Cũng theo chia sẻ của đại diện PVFCCo, tập thể cán bộ kỹ sư của PVFCCo và các chuyên gia, nhà thầu đang dốc toàn lực để công tác bảo dưỡng Nhà máy Đạm Phú Mỹ được thực hiện tốt nhất, đảm bảo an toàn, phấn đấu rút ngắn thời gian bảo dưỡng hơn so với kế hoạch, đảm bảo chất lượng trong quá trình bảo dưỡng cũng như chất lượng, hiệu quả vận hành của Nhà máy sau bảo dưỡng…

Bảo dưỡng nhà máy, Đạm Phú Mỹ “cắt” đơn hàng xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước - Ảnh 2.

Công tác bảo dưỡng định kỳ dự kiến kéo dài hơn 1 tháng...

Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 diễn ra tại TP Vũng Tàu, ông Lê Cự Tân, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVFCCo, cho hay, năm nay, trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, PVFCCo đặt kế hoạch doanh thu ở mức 8.331 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ 437 tỷ đồng.

Giải thích lý do đặt chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận giảm so với năm 2020, ông Tân cho rằng, việc nhà máy Đạm Phú Mỹ phải dừng máy để bảo dưỡng tổng thể trong hơn 1 tháng làm giảm đáng kể sản lượng, từ mức hơn 860 nghìn tấn (năm 2020), chỉ còn khoảng hơn 760 nghìn tấn.

"Sản lượng đã giảm khoảng hơn 100 nghìn tấn, điều đó đồng nghĩa với giá thành sẽ tăng cao. Chưa kể, năm 2020 nhà máy vận hành liên tục, sản lượng cao… nên đã tiết kiệm được nguyên liệu, năng lượng hơn 350 tỷ đồng. Nhưng năm nay không hoạt động liên tục, sản lượng thấp nên sẽ không đạt được hiệu quả tối ưu hóa chi phí như năm trước", đại diện PVFCCo lý giải.

Ngoài ra, một yếu tố không kém phần quan trọng là giá khí đầu vào. Theo  PVFCCo, giá khí mà Đạm Phú Mỹ lên kế hoạch cho năm 2021 chỉ là 5,21 USD nhưng 3 tháng đầu năm bình quân giá khí đã tăng mạnh lên 6,37 USD và dự kiến cả năm giá khí sẽ đạt mức 6,76 USD. Điều này có nghĩa giá khí thực tế có thể tăng tới 1,5 USD so với kế hoạch, khiến cho giá thành sản xuất sẽ tăng

Dù dự báo năm 2021 sẽ còn nhiều khó khăn nhưng theo ông Lê Cự Tân, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVFCCo, nếu kỳ họp Quốc hội tới thông qua  sửa đổi Luật Thuế VAT đầu vào thì có thể sẽ điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh cho phù hợp tình hình.

"Mỗi năm, PVFCCo không được hoàn thuế VAT đầu vào từ 350-380 tỷ đồng, nếu luật Thuế được sửa đổi thì kết quả kinh doanh của chúng ta sẽ cải thiện rất nhiều", ông Tân chia sẻ với cổ đông.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch hôm nay cổ phiếu DPM đang giao dịch ở mức giá 17.950 đồng/CP, giảm nhẹ so với vùng giá gần 19.000 đồng/CP hồi đầu năm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem