Tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông
Dự án đường sắt khởi công từ tháng 10.2011, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử toàn tuyến vào năm 2015 và quý 1 năm 2016 sẽ vận hành chính thức.
Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc về mặt bằng, điều chỉnh vốn, dự án phải lùi tiến độ đến 6.2016 mới chính thức đưa vào vận hành thương mại. Đến tháng 3/2016, Tổng thầu EPC Trung Quốc xin lỗi vì tiến độ một số hạng mục của dự án tiếp tục bị chậm do thiếu tiền, do tổng thầu nợ các thầu phụ.
Trao đổi với phóng viên ngày 31/5, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, hiện nay, dự án đường sắt đã hoàn thành được hơn 85% khối lượng công việc. Dự kiến, ngày 30/6/2016 sẽ kết thúc việc lao dầm trên toàn tuyến. Hoàn thành 12 nhà ga, trong đó có nhà ga Cát Linh là lớn nhất vào ngày 30/9. Khu chứa tàu sẽ hoàn thành vào ngày 31/12. Trong thời gian này, các nhà thầu cũng hoàn thành việc dải đường ray, hệ thống đèn báo, tín hiệu.
Dự kiến đến ngày 31/12, sẽ đưa đoàn tàu vào chạy thử nghiệm. Đến giữa năm 2017 sẽ bắt đầu chạy tàu, khai thác thương mại. “Tiến độ dự án lần này là tiến độ cuối cùng chúng tôi đưa ra và không thể lùi thêm được nữa”, ông Trường thông tin.
Liên quan đến thông tin phải bổ sung 250 triệu USD cho tổng thầu EPC Trung Quốc, Thứ trưởng Trường cho hay, việc phải bổ sung số tiền này bắt nguồn từ việc tăng giá trị xây lắp, chuyển giao công nghệ, điều chỉnh vật liệu tàu và công tác đào tạo, vận hành…
“Việc bổ sung 250 triệu USD cho dự án đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận. Hiện nay, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã có công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc để họ cấp vốn ưu đãi này cho dự án. Các thủ tục gần như đã hoàn tất, dự kiến trong tháng 6/2016, số vốn bổ sung này sẽ được thông qua. Đây là cơ sở để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành tiến độ đề ra”, ông Trường chia sẻ.
Theo ông Trường, trong trường hợp, nguồn vốn nêu trên được giải ngân theo kế hoạch đề ra thì các nhà thầu phụ của Việt Nam sẽ vay tiền của các ngân hàng ở Việt Nam để tiếp tục hoàn thành công việc. Lãi suất sẽ do Tổng thầu EPC Trung Quốc chịu. Phương án này Bộ GTVT đã làm việc với tổng thầu và đơn vị này đã chấp thuận, đồng ý.
“Đây là giải pháp chúng tôi cho rằng các nhà thầu phụ có thể làm được vì thời gian vay và trả không dài. Với thời gian vay khoảng 1-2 tháng thì số tiền lãi suất phát sinh sẽ không lớn”, ông Trường nói thêm.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được khởi công ngày 10/10/2011, chịu động đất cấp 8. Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 868,04 triệu USD (18.001 tỉ đồng).
Dự án có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu Depot rộng 19,6ha tại Hà Đông. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80/km/h, vận tốc bình quân khai thác 35km/h, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.