Bảo hiểm từ khâu phòng bệnh
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, BHNN là dịch vụ cần thiết, giúp nông dân có một điểm tựa để yên tâm mở rộng quy mô đàn gia súc. “Quảng Nam không được chọn tham gia thí điểm BHNN, nhưng trong những năm qua tỉnh rất quan tâm đến việc này và đã xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức, DN tích cực tham gia BHNN cho nông dân. Điển hình là mô hình bảo hiểm trâu bò của HTX Nông nghiệp Điện Quang” – ông Muộn nói.
Đến nay toàn tỉnh Quảng Nam đã triển khai được 35 mô hình dịch vụ thú y trọn gói cho hơn 7.000 vật nuôi. Ảnh: Đoàn Hồng
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 35 mô hình DVTYTG, với hơn 7.000 đơn vị vật nuôi được chăm sóc thường xuyên. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục khuyến khích các địa phương mở rộng các dịch vụ BHNN, nhất là DVTYTG”.
Ông Lê Muộn
|
Bà Trần Thị Phi Yến - Phó Giám đốc HTX Điện Quang (huyện Điện Bàn) cho biết, nhằm giúp nông dân giảm bớt rủi ro và phòng ngừa dịch bệnh trong chăn nuôi, từ năm 2009, HTX Điện Quang đã thành lập Quỹ Bảo hiểm chăn nuôi trâu bò. Quỹ được xây dựng trên tinh thần người dân tự nguyện đóng góp, trâu bò được mua bảo hiểm phải khỏe mạnh, chuồng trại tốt.
Hợp đồng được ký kết theo từng năm và có nhiều mức phí, từ 300.000 – 500.000 đồng/con/năm. Về quyền lợi, người tham gia sẽ được hưởng 80% chi phí khám bệnh và điều trị khi gia súc bị bệnh; 100% chi phí tiêm vaccine phòng bệnh theo quy định nhà nước. Trong trường hợp không may trâu bò bị chết, HTX có trách nhiệm chi trả bằng 80% giá trị thiệt hại theo giá thị trường cho người dân.
Lão nông Trần Kim Khương ở thôn Phú Tây, xã Điện Quang, người thường xuyên nuôi từ 3-5 con bò và tham gia đóng bảo hiểm với HTX mức 350.000 – 400.000 đồng/con/năm, chia sẻ: “Tham gia bảo hiểm, đàn bò của gia đình tôi được cán bộ thú y của HTX tiêm thuốc phòng ngừa dịch bệnh rất kịp thời nên chưa lần nào xảy ra dịch bệnh. Bởi vậy, tôi cũng như hàng nghìn hộ nông dân ở địa phương rất yên tâm chăn nuôi”.
Còn anh Nguyễn Quang Đại - cán bộ thú y của HTX cho biết, thời gian đầu do bà con nông dân chưa nắm hết lợi ích của bảo hiểm nên tham gia ít. HTX và địa phương phải tích cực vận động. Nhờ đó, bà con tham gia đóng bảo hiểm cho trâu bò ngày càng nhiều. Đến nay, xã Điện Quang đã có trên 2.000 con trâu bò được đóng bảo hiểm.
Mở rộng đối tượng bảo hiểm
Theo ông Nguyễn Đức Thành, ngoài gói bảo hiểm cho trâu, bò, gần 2 năm nay, được sự hỗ trợ về kinh phí của UBND tỉnh Quảng Nam, xã Điện Quang đã triển khai mạnh DVTYTG cho đàn heo. Hiện nay, có 100% số hộ chăn nuôi gia súc tham gia dịch vụ này, với hơn 4.205 con trâu bò và gần 1.000 con heo được bảo hiểm, mức dịch vụ trung bình 120.000 đồng/con/năm (số tiền này do Nhà nước hỗ trợ) và HTX Điện Quang đảm nhận triển khai, thực hiện cam kết với bà con nông dân trên địa bàn.
Qua tìm hiểu thực tế, nhiều hộ chăn nuôi ở Điện Quang cho hay, nhờ có bảo hiểm và tham gia DVTYTG mà gia súc của người dân được chăm sóc kịp thời. Đặc biệt, trong quá trình chăn nuôi, người dân được cán bộ thú y, cán bộ kỹ thuật của xã thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, phổ biến các kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, vệ sinh chuồng trại... nên hiệu quả chăn nuôi rất cao.
Theo ông Muộn, từ thực tiễn sản xuất nông nghiệp ở Quảng Nam, qua đánh giá cho thấy lĩnh vực quản lý, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh trong chăn nuôi là vô cùng quan trọng, vì thế ngành nông nghiệp tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trong đó có nội dung hỗ trợ thực hiện DVTYTG.
Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ chăn nuôi thú y (HTX nông nghiệp và nhóm các nhân viên thú y cơ sở) hợp đồng với các chủ vật nuôi, đảm nhận các dịch vụ như tiêm phòng, chữa trị khi vật nuôi bị bệnh, phối giống..., chi phí do hai bên thỏa thuận. Hợp đồng này được UBND cấp xã xác nhận, ngân sách tỉnh hỗ trợ cho chủ vật nuôi 120.000 đồng/đơn vị vật nuôi ở năm thứ nhất. Nếu vật nuôi bị chết mà nguyên nhân do dịch bệnh, nhà cung cấp dịch vụ phải bồi thường một phần, trị giá bằng 30 - 80% giá trị vật nuôi...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.