Bảo hiểm xa tầm tay ngư dân: Mua dễ, nhận tiền khó

Thứ ba, ngày 05/07/2011 09:29 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có nhiều nguyên nhân khiến ngư dân ít quan tâm đến việc mua bảo hiểm, trong đó có sự sách nhiễu, thủ tục phiền hà từ chính các công ty bảo hiểm.
Bình luận 0

Khi hiện trường tai nạn ở trùng khơi

Ở miền Trung, đi đến làng chài nào cũng nghe ngư dân than phiền mấy ông bảo hiểm. Ông Trần Vui (Núi Thành, Quảng Nam), một chủ tàu cá, từng mua bảo hiểm nhưng sau đó không quan tâm đến việc này nữa, nói rằng: Khi tàu chúng tôi gặp rủi ro, gãy chân vịt, hỏng máy... không bao giờ thấy nhân viên bảo hiểm nào tới giúp đỡ dù chúng tôi đã báo cáo.

Khi chúng tôi tìm đến công ty, đại lý bảo hiểm thì bị yêu cầu phải có hàng chục chứng thực, như chứng thực của biên phòng, người làm chứng, ảnh hiện trường… tối tăm mặt mũi.

img
Thủ tục nhận tiền bảo hiểm còn nhiêu khê, khiến ngư dân chưa mặn mà với “phao cứu trợ” này.

Ông Trần Văn Hưng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Núi Thành, bức xúc: “Năm 2009, khi bão đi qua huyện Núi Thành, nhiều tàu thuyền của ngư dân bị hư hỏng thế mà dù ngư dân kêu ca mãi các công ty bảo hiểm vẫn không chịu hợp tác chi trả bảo hiểm cho họ. Ngay cả khi UBND huyện mời các công ty đến đốc thúc, họ cũng hứa rồi để đó. Những ngư dân mua bảo hiểm lâm vào tình trạng như đi xin xỏ các công ty bảo hiểm khi gặp tai nạn xảy ra. Vì thế mà bà con rất chán nản”.

Ở Đà Nẵng, anh Nguyễn Tấn Sơn (Thọ Quang, Sơn Trà) cho biết, vào năm 2009, bão số 9 làm tàu của anh bị đẩy lên bờ, hư hỏng nặng, phải gỡ ván ra đóng lại. Theo hợp đồng, bên bảo hiểm phải chi trả cho anh 60% mức bảo hiểm mà anh mua là 300 triệu đồng, thế nhưng giấy trắng mực đen rõ ràng như vậy nhưng bên bảo hiểm chỉ chịu trả 30%, mà phải đáp ứng bao nhiêu là thủ tục, chịu bao nhiêu tốn kém mới được 30% này.

Gần đây, ngư dân Hồ Văn Tình (Mân Thái, Sơn Trà) đi câu mực tại quần đảo Trường Sa bị tai nạn lao động. Anh Tình mua bảo hiểm đầy đủ nhưng đơn vị bảo hiểm hẹn một năm sau mới chi trả tiền vì lý do “trường hợp này khó xác định lắm”.

Theo ông Hồ Phó - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đà Nẵng, đối với bảo hiểm tàu cá, cái khó nằm ở chỗ xác định hiện trường tai nạn. Xe máy, ô tô gặp nạn nằm trên đường có hiện trường rõ ràng nhưng tàu cá gặp nạn nằm giữa biển khơi nên không ai ra đó mà tìm nguyên nhân, xác định thời điểm tai nạn và bị tai nạn do đâu. Chính vì vậy việc chi trả bảo hiểm các trường hợp tai nạn tàu cá thường ít suôn sẻ, mau chóng mà kéo dài, phải thủ tục nhiêu khê dễ làm nản lòng ngư dân.

Thủ tục còn nhiêu khê

Sự chậm trễ thanh toán bảo hiểm là một nguyên nhân khiến các ngư dân ngán bảo hiểm. Ông Bùi Văn Hải (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho rằng, ngư dân đánh bắt theo mùa. Khi vào mùa, thời gian quý như vàng. Bị xảy ra tai nạn, ngư dân chỉ mong ít nhiều gì có ngay tiền thanh toán để sửa chữa tàu thuyền ra khơi để kiếm thu nhập bù lại rủi ro. Thế nhưng, thực tế là việc thanh toán bảo hiểm vô cùng chậm trễ, nhanh nhất cũng cả tháng, mà chậm là cả năm, làm mất cơ hội đánh bắt của ngư dân.

Ông Ngô Ngọc Bính - Giám đốc Bảo hiểm Bảo Minh ở Quảng Ngãi, giải thích rằng, do đặc thù của nghề đánh bắt nên hiện trường tai nạn xảy ra là ở ngoài khơi, đòi hỏi cơ quan bảo hiểm và các bên liên quan phải mất nhiều thời gian để kiểm tra, xác nhận và hoàn tất hồ sơ theo quy định để thanh toán, dẫn đến nhiều trường hợp bồi thường bị chậm trễ.

Ngoài ra, do tâm lý nôn nóng hành nghề trở lại, sau khi tai nạn tàu thuyền xảy ra, chủ tàu lo sửa chữa rồi cho tàu ra khơi đánh bắt. Mọi việc thanh toán bảo hiểm uỷ quyền hết cho vợ - những người ít am hiểu về công việc của chồng cũng như các quy định liên quan. Dẫn đến việc thanh toán bảo hiểm bị trở ngại, dằng dai...

Đầu tư cho thủy sản thời gian qua còn quá nhỏ bé so với nông nghiệp. Ngành thủy sản làm ra nhiều tiền nhưng đầu tư lại quá thấp. Hệ thống hậu cần nghề cá quá sơ sài. Hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm sau khai thác cho ngư dân không có. Nông dân trồng lúa còn được bảo đảm có lãi nhưng ngư dân thì chưa. Tất nhiên chúng ta cũng phải thông cảm vì trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, phải ưu tiên cho những vấn đề cấp thiết nhưng về lâu dài vẫn phải tính đến chuyện này.
Nguồn: Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NNPTNT)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem