|
Ông Mạc Thanh Tuyền, một người dũng cảm tố cáo sai phạm liên quan tới 290 trường hợp có giấy ra viện khống. |
Lập hồ sơ giả để hưởng chính sách thật
Mọi việc bắt đầu từ cuộc tinh giản biên chế năm 1999. Theo điều tra của Công an tỉnh Gia Lai, hầu hết số đối tượng này không hề có hồ sơ bệnh án tại các bệnh viện hay vào viện để điều trị nên không đủ điều kiện để giám định lại sức khoẻ. Nhưng tất cả các bệnh viện lớn tại Gia Lai đều lập giấy ra viện khống cho 290 trường hợp để họ hoàn tất thủ tục hưởng trợ cấp mất sức lao động dài hạn.
Cụ thể, Bệnh viện Quân y 211 đã cấp 43 giấy ra viện khống, Bệnh viện 331 cấp 81 giấy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cấp 12 giấy, Trung tâm Y tế huyện Kbang cấp 84 giấy, Trung tâm Y tế huyện Ia Grai cấp 28 giấy, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê cấp 12 giấy, Trung tâm Y tế thị xã An Khê cấp 17 giấy…
Khi đã có giấy ra viện khống, Hội đồng giám định y khoa "phù phép" 255 đối tượng, biến từ những con người khoẻ mạnh thành những người mất sức lao động trên 81% để họ nghiễm nhiên nhận ưu đãi hàng tháng của nhà nước trong hơn 10 năm qua. 35 trường hợp còn lại bị phát hiện khi đang hoàn chỉnh thủ tục, đã huỷ bỏ ý định.
Biến sai thành đúng…
Liên quan tới vụ 290 hồ sơ hưởng trợ cấp, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã gửi Công văn số 2604/UBXH12 đến Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cùng Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị triển khai những giải pháp xác minh, xử lý những cán bộ, công dân sai phạm trong việc lập 290 hồ sơ hưởng trợ cấp mất sức lao động dài hạn, dựa trên giấy ra viện được cấp khống.
Vụ việc bị phát hiện đã gây chấn động dư luận Gia Lai lúc đó. Ngày 20-11-2003, Công an tỉnh Gia Lai đã gửi văn bản lên UBND tỉnh Gia Lai đề nghị thành lập đoàn thanh tra liên ngành nhằm tiếp tục phát hiện và làm rõ những sai phạm trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, thay vì phải xử lý nghiêm, UBND tỉnh Gia Lai lại đề nghị Hội đồng Giám định y khoa T.Ư?, Bộ Y tế tổ chức khám lại 290 đối tượng lập hồ sơ mất sức giả này (?)
Ngày 21-5-2008, nhận được đề nghị của UBND tỉnh Gia Lai, Hội đồng Giám định y khoa Trung ương đã khám lại cho 285 trường hợp (5 trường hợp đã mất) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Kết quả giám định chỉ có 106 người trong số đó tiếp tục được hưởng chế độ mất sức lao động, còn lại 179 trường hợp có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 81% nên bị cắt chế độ từ ngày 1-8-2008.
Như vậy, những sai phạm tưởng chừng đã được làm rõ, thế nhưng, đầu năm 2009, UBND tỉnh Gia Lai lại tiếp tục kiến nghị lên Bộ Y tế thành lập Hội đồng khám phúc quyết lần cuối đối với các đối tượng đã bị cắt chế độ lần trước. Kỳ lạ thay, sau lần khám này, 169 đối tượng vừa bị cắt chế độ năm trước lại tiếp tục được hưởng chế độ ưu đãi.
Dư luận cho rằng, những sai phạm kéo dài đã từng bước được hợp lý hoá(?). Trong gần 10 năm, mỗi năm nhà nước đã phải trả "nhầm" hơn 3,6 tỷ đồng cho những đối tượng không đáng được hưởng.
(Còn nữa)
Thanh Luận
Vui lòng nhập nội dung bình luận.