Bảo hiểm Y tế cho người nghèo: Trách nhiệm của ai?

Thứ hai, ngày 16/09/2013 06:14 AM (GMT+7)
Sự sống và cái chết của bệnh nhân đôi khi chỉ cách nhau vài phút chuyển tuyến cấp cứu. Với người nghèo, nếu không có phương tiện đi chữa bệnh, hỗ trợ đi cấp cứu thì dù có BHYT trong tay, họ cũng đành chịu chết.
Bình luận 0
Biết bao nhiêu nước mắt đã rơi trong các bệnh viện. Thấu hiểu thực tế đó, từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 139, và nay là Quyết định 14 để hỗ trợ tiền ăn, đi lại và khoản tiền đồng chi trả cho người nghèo, người bị bệnh trọng.

Xét về mặt văn bản pháp luật, Quyết định 14/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1.3.2012 hết sức rõ ràng, dễ hiểu. Nhất là về cơ chế thực hiện, trong đó quy định rõ UBND các tỉnh củng cố lại Quỹ 139, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện; Bộ LĐTBXH và Ủy ban Dân tộc xác định đối tượng được hưởng.

Thế nhưng, thật bất ngờ khi gần một năm rưỡi trôi qua, chính sách này vẫn chưa được triển khai ở nhiều tỉnh thành. Khảo sát của Báo NTNN ở một số tỉnh thì hầu hết các cán bộ cơ sở thuộc 4 ngành được phân công nói trên, trong đó có cả ngành y tế là đơn vị chủ trì, câu trả lời là “không biết, không được hướng dẫn”.

Ngay cả ở Bộ Y tế, hỏi về việc thực thi chính sách, cán bộ chuyên trách cũng không nắm được số quỹ ở các tỉnh, việc triển khai và số người được hưởng lợi. Động thái duy nhất ở các tỉnh hiện tại mới là lục tục ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh mình.

Nếu đây là quyết định mới - một năm rưỡi chưa đủ để cán bộ biết và thực hiện- thì dù khó hiểu, người ta vẫn có thể đổ cho là vì nó “mới”. Nhưng, đây lại chỉ là quyết định tiếp nối, sửa đổi một quyết định đã ban hành từ 11 năm nay. Như vậy, dư luận có quyền đặt câu hỏi, liệu cả quyết định trước và quyết định sau có được thực hiện, và được thực hiện một cách rõ ràng, minh bạch? Trách nhiệm của cán bộ thực thi ở đâu, khi mà một số UBND tỉnh chưa có người tham mưu tái lập quỹ, khi mà ngành y tế không triển khai tới các bệnh viện, khi mà ngành LĐTBXH không phổ biến tới người dân nghèo?

Chăm sóc sức khỏe cho người nghèo là một trong những chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, Quyết định 14 được coi là quyết định nhân văn, thể hiện chính sách ưu tiên này. Theo quyết định, đối tượng thụ hưởng sẽ là hơn 2,1 triệu hộ nghèo (9,6% dân số); hàng triệu đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo và các đối tượng đang sống ở các cơ sở bảo trợ xã hội, khoảng 400.000 người cần hỗ trợ viện phí khi mắc bệnh hiểm nghèo (tim mạch, ung thư, chạy thận nhân tạo)…

Thế nhưng, những người thực thi chính sách lại chậm trễ, vô cảm khiến cho chính sách “giậm chân tại chỗ”, những người lẽ ra được hưởng lợi từ chính sách đúng đắn này lại phải phó thác sức khỏe của mình vào lòng từ thiện hoặc là chờ đợi trong khắc khoải .

Lê Huyền (Lê Huyền)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem