LTS: Ngày 1.3.2012, Thủ tướng ký ban hành Quyết định 14/2012/QĐ-TTg về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo. Theo đó, ngoài thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, được chi trả 95% viện phí, bệnh nhân nghèo còn được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và hỗ trợ thêm một phần viện phí nếu như bị mắc bệnh trọng... Tuy nhiên, theo khảo sát ở một số địa phương, tới thời điểm này hầu như chưa có ai biết và được hưởng chính sách.
Trần Đức Mạnh, học lớp 3 nhưng với thân hình chỉ như trẻ mẫu giáo.
4 lần đưa con ra Hà Nội điều trị bệnh tim là 4 lần chị Trần Thị Mến (thôn Đồng Tiến, xã Thiệu Tâm, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) phải vay mượn tiền, vàng của người thân. Tới khi không vay được nữa, chị gần như phải ăn xin trên đường cùng con đi khám bệnh.
Cuộc đời cùng khổTrong ngôi nhà chỉ vẻn vẹn 15m2 mà người cậu cho mẹ con chị ở nhờ, không có tài sản đáng giá gì ngoài vài bộ quần áo, cái giường ọp ẹp, chiếc xe đi bán muối rong đã gỉ đen vì muối mặn. Đứa con thứ 2 của chị Mến - bé Trần Đức Mạnh đang nằm co ro trên giường, thân hình chỉ có da bọc xương, nặng khoảng 14kg dù Mạnh đã học lớp 3.
“3 mẹ con tôi đều bị bệnh hiểm nghèo, tôi bị bướu cổ, 2 đứa con nhỏ thì bị bệnh tim”- người mẹ đơn thân bắt đầu câu chuyện về gia cảnh khốn cùng của mình. Nguồn thu nhập duy nhất của cả nhà trông vào 1 sào ruộng, những lúc khỏe, chị Mến mua muối chở đi bán rong. “Không có tiền mà ăn thì làm gì có tiền cho con đi khám bệnh. Các con ốm yếu, ho nhiều, người chỉ da bọc xương thôi, tôi biết nhưng lực bất tòng tâm đành nhìn con trong đau đớn chứ biết làm gì đây”- chị Mến nói.
Ngày 8.8, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 2760, hướng dẫn thực hiện Quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, có 4 nhóm bệnh nhân được hưởng hỗ trợ tiền ăn 34.500 đồng/ngày; tiền đi lại: 0,2 lít xăng/km vận chuyển; tiền điều trị (trên 100.000 đồng sẽ được hỗ trợ 5% phần đồng chi trả). Khoản tiền này sẽ do cơ sở y tế chi trả cho bệnh nhân, sau đó sẽ làm thủ tục thanh toán lại với Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo, do Sở Y tế quản lý. Trước quyết định này, Thanh Hóa cũng có quyết định hướng dẫn thực hiện Quyết định 139, với nội dung tương tự.
|
Chị Nguyễn Thị Vy, hàng xóm nhà chị Mến nói: “Chị Mến đi làm cả ngày, thằng Mạnh người bé như trẻ lên 3 vẫn giúp mẹ nấu một nồi cám lợn to, thở hổn hển, mặt cứ trắng bệch ra. Biết Mạnh bị bệnh, tôi động viên chị Mến đưa con đi khám nhưng vì không có tiền nên cứ để liều đến tận bây giờ”.
Ngày mùng 6 tết, bệnh của bé Mạnh trở nặng, bé liên tục bị ngất. Đưa con đi cấp cứu, chị Mến được các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi Thanh Hóa chẩn đoán suy tim nặng và chuyển ngay ra Hà Nội. Tuy nhiên, bệnh viện không làm thủ tục chuyển tuyến.
Trong nhà còn bao nhiêu tiền, chị mang theo đưa con ra BV Nhi T.Ư khám. Các bác sĩ ở đây khuyên chị nên về Thanh Hóa làm thủ tục chuyển tuyến, cho bé hưởng BHYT để đỡ khó khăn.
Vừa quay trở lại Thanh Hóa, bé Mạnh lại lên cơn co giật phải cấp cứu. Lúc đó BV Đa khoa Thanh Hóa mới làm thủ tục chuyển tuyến. “Nếu đi xe cấp cứu của bệnh viện thì tiền xe phải đóng là 2,2 triệu đồng, tôi có hỏi người nghèo được miễn không thì bệnh viện trả lời là không. Sau đó những bệnh nhân khác mách là đi xe khách thì hết 100.000 đồng, thế là tôi đưa con ra đi xe khách dù biết thiếu phương tiện cấp cứu, cháu có thể sẽ chết trên đường”- chị Mến khóc.
Ba ngọn nến le lói Nằm ở BV Nhi T.Ư nửa tháng, chị Mến lại ôm con về vì hết tiền ăn ở. Không được điều trị, tính mạng bé Mạnh dường như đã nằm trong tay tử thần. Mặt phù nề, khó thở vì ho nhiều, bé không thể ăn uống… Hàng xóm, chính quyền thấy khó khăn lại chung nhau gom góp cho bé đi cấp cứu.
Chị Mến nói: “Lần này, 2 mẹ con tôi đi khám và điều trị ở BV Nhi T.Ư nhưng các bác sĩ chuyển ngay sang BV Việt Đức để mổ vì bệnh tình con tôi rất nguy kịch”. Sang BV Việt Đức, tin sét đánh đến với chị khi bệnh viện thông báo phải đóng khoản tiền 70 triệu đồng để mổ tim cho bé Mạnh thì mới có thể sống được. Chị Mến lại ôm con về, đi khắp họ hàng vay mượn tiền, vàng, thậm chí cả đi ăn xin. Tới khi đủ tiền, 2 mẹ con lại bắt xe khách đi Hà Nội.
Ông Lê Hữu Uyển - Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Thanh Hoá) cho biết, thực hiện Quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Y tế Thanh Hóa đã có công văn chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc triển khai hỗ trợ 4 nhóm bệnh nhân được hưởng chính sách. Tới thời điểm này việc thực hiện như thế nào Sở còn chờ bệnh viện báo cáo. Tuy nhiên, khi phóng viên NTNN nhắc tới Quyết định 2760/2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Uyển lại thừa nhận là chưa hề nghe nói tới.
|
May mắn thay, bé Mạnh được sắp xếp mổ ngay, nhưng sau mổ chị lại phải đưa con về quê vì hết tiền. Hàng ngày, bé Mạnh được một y tá ở trạm xá xã đến giúp thay băng vết mổ. Nguy cơ nhiễm trùng, suy kiệt luôn rình rập bé… Mấy lần bé Mạnh sốt cao, co giật, chị Mến chỉ mong có 100.000 đồng để đưa con lên bệnh viện, mà không vay nổi, cũng không thể bỏ con để đi ăn xin.
Với chị Mến, giờ chỉ mong 2 con được ăn cơm với nước mắm, được đến bệnh viện…
Chị Mến cho biết, trong 4 lần đưa con ra Hà Nội chữa bệnh thì 3 lần chị có giấy chuyển viện, tuân thủ các quy trình theo thẻ khám chữa bệnh BHYT cho người nghèo.
Tuy nhiên, chị không biết, và cũng không có ai hướng dẫn chị để được hưởng hỗ trợ đi lại khi chuyển tuyến và hỗ trợ tiền ăn. “Nếu tôi biết có khoản tiền đó thì cháu Mạnh cũng không đến nỗi nằm chờ chết như thế kia. Ít ra cháu cũng được đi bệnh viện nằm điều trị hậu phẫu cho đỡ đau đớn”- chị Mến khóc òa.
Không biết Quỹ còn hay hết
Quyết định 14/QĐ-TTg được ban hành ngày 1.3.2012 quy định 4 đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ đi lại, ăn và đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh là: Người dân thuộc diện hộ nghèo theo quy định hiện hành của Chính phủ; đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại những vùng khó khăn; người được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật và đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước; người mắc bệnh ung thư và các bệnh hiểm nghèo khác nhưng gặp khó khăn...
Theo ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), Quỹ Hỗ trợ khám chữa bệnh người nghèo (gọi tắt là Quỹ 139) được thành lập dựa trên Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15.10.2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo. Quỹ đã được triển khai từ năm 2002 nhằm hỗ trợ tiền điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, sau khi thực hiện bảo hiểm toàn dân từ năm 2010, quỹ này được dùng để mua thẻ BHYT cho người nghèo. Vì thế, hầu hết các tỉnh đã dừng hỗ trợ bằng tiền mặt cho người nghèo đi khám bệnh trong khi chính sách vẫn quy định phải chi khoản tiền hỗ trợ này. Hiện tại, Bộ Y tế cũng không nắm được là tỉnh nào còn hay hết Quỹ 139.
Diệu Linh
|
Đào Nhâm - Lê An (Đào Nhâm - Lê An)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.