Bảo mẫu bạo hành bé trai hơn 1 tháng tuổi gây chấn động não có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 28/12/2024 14:08 PM (GMT+7)
Bảo mẫu Nguyễn Thị Lan bị tạm giam với cáo buộc nhiều lần đánh, tát, lắc mạnh bé trai hơn một tháng tuổi trong lúc chăm sóc. Luật sư đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vụ việc này.
Bình luận 0

Bảo mẫu bạo hành bé trai hơn 1 tháng tuổi bị tạm giam

Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Lan (57 tuổi, quê tỉnh Tuyên Quang, làm bảo mẫu) để điều tra hành vi bạo hành bé trai hơn 1 tháng tuổi.

Trước đó, chị H.Y. (35 tuổi, ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, mẹ cháu bé) chia sẻ trên mạng sự việc con trai hơn 1 tháng tuổi nhiều lần bị bảo mẫu bạo hành. Qua trích xuất camera, chị Y. phát hiện bà Lan có những hành vi bạo lực với con mình.

Theo đó, bà Lan đấm mạnh vào người cháu bé, có lúc vứt mạnh xuống giường, lắc lư mạnh, véo tai… mặc cho cháu kêu khóc. Theo chị Y., gia đình tìm được bà Lan trên hội nhóm thuê người giúp việc.

Sau khi trao đổi, vợ chồng chị Y. quyết định thuê bà Lan chăm sóc con với mức lương 8 triệu đồng/tháng.

Bảo mẫu bạo hành bé trai hơn 1 tháng tuổi gây chấn động não có thể bị xử lý thế nào?- Ảnh 1.

Camera ghi hình bà Lan nhiều lần bạo hành bé trai. Ảnh cắt từ clip.

Từ ngày 5/11, bà Lan bắt đầu làm việc tại nhà chị. Trong quá trình làm việc, bà này luôn tỏ ra thân thiện, tình cảm.

Tuy nhiên sau khi xem lại camera trong nhà, gia đình phát hiện việc cháu bé bị bạo hành. Chị Y. đã đưa bé đến Bệnh viện Nhi trung ương thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị hội chứng chấn động não.

Người bạo hành cháu bé có thể sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, pháp luật Việt Nam ghi nhận bảo đảm và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mọi công dân, đặc biệt là đối với trẻ em (người dưới 16 tuổi).

Trẻ em là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, đặc biệt là với trẻ em chỉ vài tháng tuổi, việc chăm sóc đòi hỏi rất tỉ mỉ, phải nâng niu, nhẹ nhàng. Nếu bế trẻ không đúng cách, rung lắc cũng có thể gây ra tổn thương.

Vì vậy, hành vi của bảo mẫu trên rất tàn nhẫn, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật, hoàn toàn có thể gây ra thương tích, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của cháu bé.

Đây là hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc nên việc xử lý hình sự về tội Hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự là có căn cứ.

Theo ông Cường, Điều 140 Bộ luật hình sự quy định, người nào thực hiện hành vi hành hạ người khác sẽ bị phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Hành vi hành hạ trẻ em (là người dưới 16 tuổi) sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.

Tuy nhiên, theo luật sư Cường, nếu hành vi hành hạ người khác thể hiện việc đánh đập gây ra thương tích cho nạn nhân sẽ bị xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích. Trường hợp hành vi hành hạ người khác và đánh đập dẫn đến nạn nhân tử vong còn có thể bị xử lý hình sự về tội Giết người.

Trong vụ việc nêu trên, cơ quan điều tra sẽ làm rõ diễn biến hành vi của người phụ nữ, làm rõ hậu quả đã gây ra đối với cháu bé để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp hành vi gây ra thương tích cho cháu bé, dù thương tích dưới 11%, cơ quan điều tra có thể đổi tội danh sang cố ý gây thương tích. Còn nếu hành vi chưa gây ra thương tích nhưng được xác định là "đối xử tàn ác" với cháu bé, người phụ nữ có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội Hành hạ người khác với chế tài có thể tới 3 năm tù.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem