Vụ bắt nhóm đối tượng làm giả hơn 1000 lọ thực phẩm chức năng ở Thanh Hóa và các quy định liên quan
Vụ bắt nhóm đối tượng làm giả hơn 1000 lọ thực phẩm chức năng ở Thanh Hóa và các quy định liên quan
T. Nam - K. Trinh
Chủ nhật, ngày 29/12/2024 10:19 AM (GMT+7)
Theo luật sư, tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi, các cá nhân, tổ chức buôn bán, làm giả thực phẩm chức năng có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Công an tạm giam đối tượng buôn bán thực phẩm chức năng giả
Ngày 27/12, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra Lệnh tạm giam đối với Nguyễn Hữu Nam (SN 2000, ngụ phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn) và Triệu Y Tám (SN 2001, ngụ xã Hợp Sơn, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) để điều tra, làm rõ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng.
Tại cơ quan Công an, 2 đối tượng khai nhận, lợi dụng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, chào bán qua mạng và cam kết đây là sản phẩm "chính hãng" của Công ty Cổ phần đầu tư và công nghệ S99, luôn có sẵn hàng hóa với số lượng lớn, luôn có khả năng cung cấp cho người mua với giá tốt.
Để thực hiện hành vi của mình, tháng 4/2024 Nguyễn Hữu Nam đứng tên thành lập hộ kinh doanh cá thể, được UBND TP.Sầm Sơn cấp Giấy chứng nhận đăng ký để chạy quảng cáo mang tên Nam Trung (có địa chỉ tại khu tái định cư Bắc Kỳ, phường Trung Sơn, TP. Sầm Sơn- đây là địa chỉ Nam thuê).
Sau đó, Nam lập ra 03 trang Facebook và thuê các nhân viên làm tư vấn bán hàng để bán hàng theo hình thức online để quảng cáo, tư vấn, bán hàng thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm đau xương khớp nhãn hiệu "khớp Tây Bắc" và "cao Tây Bắc" của Công ty cổ phần S99.
Để có nguồn hàng "khớp Tây Bắc" và "cao Tây Bắc" giả bán cho khách hàng, Nam đã không liên hệ với Công ty Cổ phần S99 mà câu kết với Triệu Y Tám mua nguyên liệu, tem nhãn và sản xuất tại nhà Tám ở huyện Ba Vì (TP. Hà Nội), sau đó vận chuyển vào Thanh Hóa để tiêu thụ.
Chỉ tính từ tháng 4/2024 đến khi bị bắt, Nam và Tám đã câu kết với nhau bán ra thị trường hàng nghìn lọ thực phẩm chức năng giảm đau xương khớp nhãn hiệu "khớp Tây Bắc" và "cao Tây Bắc" giả, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng.
Nhận định vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hoá đã nhanh chóng tổ chức xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch các đối tượng có liên quan và áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, triệt phá đường dây này.
Sau một thời gian kiên trì đấu tranh, ngày 17/12/2024 dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Giám đốc và Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hoá đã tiến hành phá án, tổ chức khám xét đồng loạt tại 2 địa điểm là nơi ở, nơi làm việc, sản xuất, cất giấu hàng hoá của 2 đối tượng trong đường dây này.
Qua khám xét, lực lượng Công an đã phát hiện, thu giữ nhiều sản phẩm và nguyên liệu để sản xuất hàng giả gồm: hơn 1.000 hộp Cao Tây Bắc thành phẩm giả, gần 1.000 tem chống hàng giả cùng nhiều công cụ, máy móc để đóng gói sản phẩm như: máy ép, súng bắn keo, ghim, băng dính, tem, nhãn mác… và nhiều sản phẩm nghi vấn hàng giả của Công ty Cổ phần đầu tư và công nghệ S99.
Đối tượng buôn bán thực phẩm chức năng giả có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự
Luật sư Nguyễn Bá Huy- Giám đốc Công ty Luật TNHH Tín Hải cho hay, tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi, các cá nhân, tổ chức trong vụ việc trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, chịu trách nhiệm dân sự, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đầy đủ yếu tố cầu thành tội phạm.
Trường hợp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không bảo đảm an toàn thực phẩm mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải chịu trách nhiệm bối thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
Theo luật sư Huy, trường hợp cá nhân, pháp nhân thương mại sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng nếu hành vi có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 193 Bộ luật hình sự 2015 về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm với mức phạt thấp nhất 02 năm tù và cao nhất là chung thân đối với cá nhân; mức phạt thấp nhất 01 tỷ đồng, cao nhất là 18 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm với pháp nhân thương mại phạm tội.
Ngoài ra, các cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối theo quy định tại Điều 197; Tội lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 198, Bộ luật hình sự 2015.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.