Chính quyền xã lập biên bản, xử phạt... nhưng công trình "khủng" trên Quốc lộ 4C, Hà Giang vẫn tồn tại (Bài 3)
Chính quyền xã lập biên bản, xử phạt... nhưng công trình "khủng" trên Quốc lộ 4C, Hà Giang vẫn tồn tại (Bài 3)
Văn Hoàng - Quang Minh - Nguyễn Quân
Thứ sáu, ngày 27/12/2024 09:21 AM (GMT+7)
Lãnh đạo UBND xã Thuận Hòa, Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang xác nhận các công trình, bãi tập kết vật liệu, nhà xưởng xây dựng trái phép. Chính quyền địa phương đã lập biên bản, xử phạt... nhưng đến nay công trình vẫn tồn tại, thậm chí có dấu hiệu mở rộng quy mô.
Như Báo điện tử Dân Việt đã thông tin, trên đoạn đường dài hơn 30km chạy qua địa bàn TP.Hà Giang và huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang có hàng chục điểm tập kết vật liệu xây dựng, nhà kho, xưởng trái phép. Vậy vì sao đến nay các công trình này vẫn tồn tại, trách nhiệm quản lý, xử lý vi phạm thuộc về ai?
Sai từ cái nọ sang cái kia!
Ngày 20/12, làm việc với nhóm phóng viên Báo điện tử Dân Việt tại trụ sở về các nội dung sai phạm tại xã Thuận Hòa, ông Phạm Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang nói: "Cái này (công trình, nhà xưởng-PV) cũng khó nhỉ! Huyện cũng đã nắm cả rồi".
Theo ông Tuân, trên địa bàn có ít nhất 7 địa điểm sai phạm, huyện Vị Xuyên đã từng có ý kiến để từng bước giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. "Nói thì nói vậy thôi chứ giờ người ta đã đầu tư ra đó rồi, cơ chế chính sách phải rất đánh đổi", ông Tuân nói.
Đối với công trình "khủng" là bãi tập kết vật liệu xây dựng, nhà kho, xưởng tại Km10 Quốc lộ 4C, bên trong có một trạm trộn bê tông hoạt động nhiều năm nay, lãnh đạo xã Thuận Hòa khẳng định là của một người đàn ông tên H. Tổng diện tích khu vực này khoảng 7.000m2, nguồn gốc đất chủ yếu là sông, suối, người dân tự san lấp và xây dựng.
Riêng nhà kho được xây dựng trên đất nông nghiệp, rộng khoảng 2.000m2. Theo ông Tuân, UBND xã Thuận Hòa đã kiểm tra, xử lý vi phạm, báo cáo cấp trên, tuy nhiên hiện nay nguồn gốc đất đang được sử dụng sai mục đích là bởi "cơ chế không có, cứ thành dở dang".
"Nhà xưởng, trạm trộn chưa được cấp phép đâu? Ai cấp phép? Thành ra cứ sai từ cái nọ sang cái kia. Quả thật anh em lãnh đạo không tạo điều điện cho người ta phát triển thì phải làm thế nào, mà tạo điều kiện rồi lại là sai, khó ở chỗ đấy", Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa phân trần.
Khi được hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý, xử lý vi phạm, vị Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa cho biết: "Cấp xã chỉ xử lý vi phạm hành chính 5 triệu đồng. Quá thẩm quyền, chúng tôi đã báo cáo cấp trên, nhưng lại bảo thế nọ thế kia. Thực ra cũng có cái khó bởi "Hiếu Lộc" là công ty to. Trụ sở chính ở thành phố".
Lập biên bản, hoàn thiện hồ sơ, báo cáo nhưng huyện… chưa xử lý!
Đối với những công trình phòng nghỉ do Hợp tác xã Thuận Hòa xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, ông Phạm Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa khẳng định đó là công trình xây dựng trái phép trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, UBND xã đã kiểm tra và lập biên bản.
"Chỗ này có hơn 20 phòng. Họ xây dựng từ năm 2022. Chúng tôi đã xử phạt hành chính 5 triệu đồng vì sử dụng sai mục đích đất, đồng thời hoàn thiện hồ sơ, báo cáo lên cấp trên. Huyện cũng chưa có xử lý" – ông Tuân khẳng định.
Còn đối với các bãi tập kết cát, đá, than quy mô lớn trên địa bàn, lãnh đạo UBND xã Thuận Hòa thông tin: "Những bãi vật liệu này hình thành từ năm 2022. Chính chúng tôi cũng không nắm được việc có cần được cấp phép hay không".
Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, vì sao các vi phạm rõ ràng, UBND xã đã biết, lập biên bản, xử lý, báo cáo cấp trên, nhưng đến nay công trình vẫn tồn tại? Ông Phạm Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa trầm tư suy nghĩ hồi lâu rồi nói: "Tôi không biết nói thế nào cả!".
Tiếp đó, đại diện UBND xã Thuận Hòa phân trần thêm, do điều kiện còn khó khăn, chính quyền địa phương cũng muốn tạo điều kiện cho bà con nhân dân phát triển. Ngoài việc lập biên bản, xử phạt theo thẩm quyền, báo cáo cấp trên thì "ở xã, chúng tôi chưa đủ cơ sở để thực hiện việc cưỡng chế!"
Trong cuộc trò chuyện, phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi: Theo ghi nhận của phóng viên, tại địa bàn xuất hiện nhóm người có dấu hiệu bảo kê, họ nói có quan hệ với các lãnh đạo cấp xã, ông có nghe được thông tin?
Ông Phạm Văn Tuân: Tôi chưa nghe thông tin này. Chúng tôi sẽ giao cho anh em công an kiểm tra nếu như nhận được phản ánh.
PV: Để xảy ra các sai phạm, chính quyền địa phương đã từng xem xét xử lý, kỷ luật các cá nhân vi phạm, buông lỏng quản lý hay chưa?
Ông Phạm Văn Tuân: Tôi cũng đã từng bị Ban kiểm tra huyện ủy kiểm điểm trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý để xảy các vi phạm về đất đai, xây dựng 2 năm nay rồi.
Cũng trên địa bàn huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, PV làm việc với UBND xã Minh Tân về công trình nhà xưởng của Công ty TNHH Phùng Hưng, có địa chỉ tại thôn Tân Sơn, xã Minh Tân. Ông Mương Ngọc Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân phụ trách kinh tế nông nghiệp của xã cho biết, bản thân ông chưa nắm được đầy đủ thông tin.
Tiếp đó ông Nhân mời ông Hoàng Thanh Hải, cán bộ địa chính, đô thị và môi trường xã Minh Tân trao đổi với nhóm phóng viên. Tại cuộc trao đổi, ông Hải nói: "Nhà xưởng của Công ty TNHH Phùng Hưng tại thôn Tân Sơn, xã Minh Tân được xây dựng từ năm 2018, UBND huyện Vị Xuyên đã xử phạt vi phạm hành chính một lần".
Nhóm phóng viên đề nghị cung cấp Văn bản xử lý vi phạm thì vị cán bộ địa chính này nói: "Chủ tịch UBND xã đang cầm hồ sơ".
Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm về đất đai, xây dựng
Luật sư Ma Văn Giang – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho hay, theo quy định tại Luật đất đai 2024, đất nông nghiệp làm một nhóm các loại đất bao gồm: Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác; đất trồng cây lâu năm; đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất; đất nuôi trồng thủy sản; đất chăn nuôi tập trung; đất làm muối; đất nông nghiệp khác.
Ngoài ra, tại Điều 218 Luật đất đai 2024 quy định, đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu và kèm theo một số điều kiện đồng thời phải phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Hành vi sử dụng đất không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất và sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền là hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai theo quy định tại Điều 11 Luật đất đai 2024.
Trường hợp cá nhân, tổ chức sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất sang loại đất khác mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 123/2024/NĐ-CP ngày 04/10/2024 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Tùy thuộc vào loại đất sử dụng trái phép, diện tích sử dụng trái phép, địa giới hành chính nơi xảy ra hành vi vi phạm người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt thấp nhất là từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng; Mức phạt tiền cao nhất là từ 150 triệu đến 200 triệu đối với hành vi vi phạm thuộc địa giới hành chính xã;
Phạt từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng đối với hành vi vi phạm thuộc địa giới hành chính phường, thị trấn. Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.
Luật sư Giang cho biết thêm, hành vi xây dựng các công trình trái phép là hành vi huỷ hoại đất sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ tác động trực tiếp đến môi trường như thay đổi địa hình, cấu trúc đất, từ đó dẫn đến các hậu quả không mong muốn như sạt lở đất, ngập úng, hạn hán…
Ngoài ra, theo quy định khi muốn xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp không nhằm mục đích phục vụ canh tác nông nghiệp, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định, phải đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của từng địa phương.
"Như vậy, việc các cá nhân, tổ chức sử dụng đất không đúng quy định sẽ gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước cũng như các loại thuế, phí tương ứng với mỗi loại đất", luật sư Giang nói.
Theo vị này, trường hợp nhà xưởng, công trình xây dựng không đảm bảo vệ sinh môi trường khi đưa vào hoạt động mà gây ô nhiễm môi trường, tuỳ vào mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi vi phạm thì cá nhân, tổ chức sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Trường hợp nhà xưởng, công trình vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy tuỳ vào từng trường hợp cụ thể và hậu qủa do hành vi vi phạm gây ra mà có khung xử phạt cho từng trường hợp được quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Về trách nhiệm của chính quyền địa phương, luật sư Giang cho biết thêm, theo quy định tại Điều 240 Luật đất đai 2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo thẩm quyền đối với các hành vi không đăng ký đất đai; lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất; sử dụng đất không đúng mục đích; chuyển, nhận quyền sử dụng đất không đúng pháp luật và hành vi vi phạm pháp luật đất đai khác của người sử dụng đất.
Trường hợp, người được giao trách nhiệm quản lý đất đai có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.