Bao nhiêu dự án BOT khai khống, gian lận như trạm Pháp Vân – Cầu Giẽ?

Trần Giang Thứ ba, ngày 26/07/2016 06:53 AM (GMT+7)
Từ câu chuyện thực tế về chênh lệch thu phí giữa báo cáo và thanh tra của trạm Pháp Vân – Cầu Giẽ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết yêu cầu giám sát các dự án BOT báo cáo không trung thực, gian lận trong quá trình lập dự án.
Bình luận 0

Qua chênh lệch số thu phí BOT giữa báo cáo và thực tế lên tới 800 triệu đồng/ngày tại tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ, ông có đánh giá gì về vấn đề minh bạch trong thu phí BOT hiện nay?

Có thể BOT là vấn đề mà lâu nay các đại biểu rất nghi ngờ nhưng chưa có cơ sở để làm rõ tính minh bạch của các công trình BOT. Từ thực tế của Pháp Vân – Cầu Giẽ, Bộ Tài chính đã vào kiểm tra giám sát và một số báo chí đã vào thực nghiệm kiểm tra cũng đã thấy kinh phí BOT đang có vấn đề mà Chính phủ cần phải điều tra, làm rõ và phải quy trách nhiệm, xử lý trong thời gian tới.

Quy trách nhiệm, cụ thể là như thế nào thưa ông?

Trong quy trách nhiệm, thứ nhất là phải làm rõ những đơn vị liên quan đến xét duyệt dự án, vì việc xét duyệt dự án này là không minh bạch.

imgĐại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Thứ hai, tôi cho là có điểm gì đó đã tạo điều kiện cho các BOT luồn lách, từ đó làm thất thoát tiền của Nhà nước, đặc biệt là làm tăng thêm lệ phí đối với người dân khi tham gia giao thông trên các tuyến đường BOT.

Với vai trò của mình, Quốc hội có thể tham gia giám sát như thế nào?

Trong phiên thảo luận ngày 25.7, một trong những nội dung giám sát được rất nhiều đại biểu đồng tình đó là giám sát vấn đề đầu tư và thu phí BOT hiện nay.

Thứ hai, thông qua thông tin báo chí, Quốc hội sẽ có những ý kiến tại nghị trường phản ánh trên các thông tin đại chúng và buộc các nhà đầu tư BOT phải làm rõ, minh bạch những gian lận của mình và đồng thời các cơ quan chức năng phải vào cuộc, làm rõ, trả lời cho đại biểu trong vấn đề thực hiện thu phí BOT hiện nay.

Có một vị đại biểu Quốc hội cũng là chủ một doanh nghiệp BOT từng nói rằng “đầu tư BOT chẳng qua là lấy công làm lãi”. Ông có bình luận gì về câu nói trên?

Phát biểu của vị đại biểu đó hoàn toàn mang tính cá nhân và trong đó có che giấu những cái gì đó thiếu minh bạch của BOT hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình): Năng lực lưu thông bị suy giảm vì có quá nhiều trạm thu phí. Nếu thu phí đúng người dân sẵn sàng chấp nhận nhưng thu phí không đúng người dân sẽ không chấp hành và phản đối.

Qua kiểm tra trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ trong 10 ngày vừa qua đã cho thấy, con số báo cáo mức thu phí bình quân chỉ đạt 1,2 tỷ đồng/ngày, nhưng trên thực tế, trạm thu phí này đã thu được xấp xỉ 2 tỷ đồng/ngày, chênh lệch so với báo cáo gần 800 triệu đồng/ngày.

Đây mới là kiểm tra 1 trạm, vậy thì với các trạm khác sẽ ra sao? Nếu đối chiếu con số này với gần 60 tỉnh, thành có trạm thu phí BOT, mức phí cũng như thời gian thu phí là quá sức chịu đựng của người dân.

Tôi cho rằng, trong vấn đề BOT, ngoài việc báo cáo không trung thực về số thu phí thì còn một điểm mà cử tri cũng như đại biểu Quốc hội rất quan tâm đó là gian lận trong quá trình lập dự án. Có thể, dự án đó đã được nâng khống lên, chính vì thế nên yêu cầu phải kéo dài thời gian thu phí.

Tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, vừa rồi cơ quan thanh tra vào và kết luận mỗi ngày thu gần 2 tỷ đồng trong khi họ báo cáo chỉ thu được 1,2 tỷ đồng. Với số tiền đó, họ chỉ cần 11 năm là có thu hồi được được vốn nhưng theo báo cáo họ phải cần đến 17-18 năm? Quốc hội có giám sát được vấn đề này?

Chắc chắn rằng, khi các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, Quốc hội đã quan tâm đến vấn đề đó, đã có nội dung đưa vào chương trình giám sát thì chắc chắn rằng việc đó sẽ được làm rõ, minh bạch tới quần chúng nhân dân để tạo niềm tin trong nhân dân.

Với xu hướng như hiện nay, BOT trong thời gian tới sẽ còn phát triển. Theo ông, làm thế nào để chúng ta vừa có thể đạt được mục tiêu xã hội hóa lại vừa có thể đảm bảo được lợi ích người tiêu dùng khi mà có nghi vấn gian lận, lợi ích nhóm tại các BOT như hiện nay?

Phải khẳng định rằng, BOT là một chương trình xã hội hóa rất tốt, đặc biệt là việc phát triển cơ sở hạ tầng. Thời gian qua hệ thống cơ sở hạ tầng của chúng ta có những bước tiến rất vượt bậc.

Tất nhiên, qua quá trình thực hiện, BOT đã bộc lộ một số vấn đề.  Sắp tới, việc phát triển BOT trong đầu tư xây dựng cơ bản và xã hội hóa ở các lĩnh vực khác là rất cần thiết. Tất nhiên để chống thất thoát trong BOT thì yếu tố rất quan trọng là khâu lập dự án, thẩm định các dự toán và triển khai giám sát quá trình tổ chức thực hiện các dự án BOT.

Xin cám ơn ông!

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum):

Các trạm thu phí, mức phí và thời gian giảm phí… là vấn đề khiến người dân, dư luận bức xúc. Đầu tư BOT, nhất là với đường cao tốc hiện nay, vẫn được thực hiện theo nguyên tắc đường cao tốc được đầu tư BOT là tài sản của chủ đầu tư, ai sử dụng phải trả tiền.

Người dân sử dụng dự án BOT hay không còn phụ thuộc vào tính tiện ích và quyền được lựa chọn của người dân. Hiện nay ở nhiều nơi, người dân không có sự lựa chọn và gần như bắt buộc phải sử dụng đường cao tốc BOT mà không có bất kì sự lựa chọn nào khác.

Cụ thể như gần đây, báo chí có nêu hiện tượng chủ đầu tư ngăn cản cầu, đường cũ để buộc người dân phải đi cầu, đi đường BOT, như thế là không công bằng, là không đảm bảo quyền tự do đi lại của người dân đã được Hiến pháp quy định. Điều này đang làm tăng thêm bức xúc trong nhân dân.

Thông qua công tác giám sát của Quốc hội sẽ là cơ sở để tháo gỡ vấn đề này và minh bạch các vấn đề mà dư luận quan tâm lâu nay như: suất đầu tư, giá trị công trình, dự án; công tác thu phí; và có lợi ích nhóm hay không trong đầu tư BOT.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem