Bão số 1 tan, 11 người mất tích

Thứ bảy, ngày 17/07/2010 18:36 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo thống kê sơ bộ tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương sáng 18-7, đã có 11 người mất tích trong bão số 1.
Bình luận 0

Trong số này có 6 ngư dân của Quảng Ngãi bị đắm tàu ở khu vực quần đảo Hoàng Sa; 4 thuyền viên của một tàu hàng bị chìm ở hòn Gà Chọi, một người bị sóng đánh trôi ở đảo Cống Đỏ, Quảng Ninh.

Ngoài ra còn một phụ nữ đi tắm biển khi biển động ở bãi biển Hải Hòa, Tĩnh Gia, Thanh Hóa và bị sóng cuốn mất tích.

Tại Quảng Ninh, một cháu bé ở phường Yết Kiêu, Hạ Long bị chết đuối trên đường gia đình đưa từ làng chài Ba Hang về đất liền do bị lật mảng.

Ngoài thiệt hại về người, bão đã làm 300 ngôi nhà ở Quảng Ninh, Hải Phòng bị tốc mái; 27 tàu đắm, vỡ (chủ yếu của Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi); 34 tàu khác bị trôi; 33 lồng bè nuôi hải sản bị vỡ, bị trôi.

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương sáng 18-7, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đánh giá cao sự phản ứng mau lẹ, quyết liệt của các tỉnh trong việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn, sơ tán dân ở vùng nguy hiểm.

Ông cũng bày tỏ sự đáng tiếc đối với những trường hợp gặp nạn. Bộ trưởng Phát đề nghị Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn tích cực tìm kiếm 6 ngư dân này cũng như 4 thuyền viên của tàu hàng.

Hiện Quân chủng Hải quân đã điều ba tàu tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn và đến sáng 18-7 đã ra tới Hoàng Sa, đang tìm cách tiếp cận các tàu gặp nạn.

Theo thông tin của phóng viên Dân Việt từ Nam Định lúc 00 giờ 05 ngày 18-7, theo ước tính đến nay, 22.000 ha lúa tương đương 55% diện tích gieo cấy vụ hè thu của Nam Định đã ngập trắng. Lượng mưa trung bình tại Nam Định là 95mm, ở một số huyện trên 100mm. Nếu không kịp tiêu thoát nước sau 3 ngày, toàn bộ 22.000 ha lúa bị ngập sẽ mất trắng.

Theo ông Lê Xuân Thủy, Phó ban chỉ đạo phòng chống bão lũ Nam Định, tại Nam Định không có thiệt hại về người.

Theo thông tin của phóng viên Dân Việt từ Cát Hải, Hải Phòng lúc 23h10 phút tối 17-7, sóng biển vẫn tràn qua đê khu Tiến Lộc; Hải Lộc, thị trấn Cát Hải, mang theo đất đá vào nhà dân.

img
Một số người dân ở Cát Hải đã trở về nhà. Ảnh: Mạnh Thắng (chụp lúc 23 giờ ngày 17-7)

Tuy nhiên, thuỷ triều ở đây đã bắt đầu rút, cường độ gió giảm, nên khả năng vỡ đê là không thể xảy ra. Một số người dân ở khu vực trên đã trở về nhà và đang cùng các lực lượng chống bão của huyện triển khai việc thoát nước, đảm bảo tài sản.

Ở trung tâm thị trấn Cát Hải, nước cũng bắt đầu rút, các cây đổ, cành bị gió bẻ gẫy văng xuống đường đã được các lực lượng xử lý. Giao thông đi lại không còn gặp khó khăn như một giờ trước.

Theo thống kê tiếp theo của Ban phòng chống lụt bão huyện Cát Hải, đến lúc này tại xã Hoàng Châu đã có 3 cây cột điện hạ thế bị đổ và tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại xã Phù Long thuộc đảo Cát Bà. Ngoài ra, trên địa bàn huyện chưa xảy ra thêm trường hợp nào đe doạ đến tính mạng cũng như tài sản của dân.

Tại Đồ Sơn, Hải Phòng đến 22 giờ, trời vẫn đang mưa nhưng không lớn, gió cũng không mạnh, tình hình ở đây đã tương đối an toàn.

Còn ở đảo Cát Hải gió đã mạnh trở lại cấp 10, cấp 11 và sóng biển rất cao tràn qua nhiều tuyến đê xung yếu đặc biệt là đoạn 3km ở tuyến đê Gia Lộc, tình trạng này cũng đang xảy ra ở đảo Cát Bà, gió giật trên cấp 11.

Đại tá Nguyễn Văn Nam – Chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng T.P Hải Phòng cho biết, 3 tàu cá, 1 tàu du lịch dù đã đậu ở nơi an toàn nhưng vẫn bị sóng biển đánh chìm, 15 người đã được cứu.

Tại huyện Hải Hậu, Nam Định lúc 22 giờ, gió mạnh cấp 7, cấp 8, theo Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão tỉnh, gió đã có xu hướng giảm dần, các cơn mưa đã chấm dứt. Lượng mưa đo được đến thời điểm này khoảng 60mm.

Với lượng mưa đó tỉnh Nam Định đã phải huy động toàn thêm rất nhiều máy bơm dã chiến, mở cống tiêu thoát nước để tiêu úng nước nhằm cứu trên 50.000 ha lúa mới gieo cấy. Tại các tuyến đê xung yếu đã có lực lượng cán bộ túc trực 24/24 giờ để có thể phát hiện những sự cố sớm nhất để kịp thời sửa chữa.

Tại Nghệ An mặc dù bão không ảnh hưởng nặng, tuy nhiên tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp. Ông Nguyễn Hữu Nhung – Phó Chánh văn phòng ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cho biết: “Đến thời điểm này có một số huyện như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn có lượng mưa trên 70mm, còn các huyện tây bắc lượng mưa xấp xỉ 50mm, hiện nay thời tiết vẫn đang tiếp tục mưa.

Với địa hình miền núi bị chia cắt, tình hình mưa lũ vẫn tiếp diễn khiến chúng tôi rất lo lắng. Nỗi lo lớn nhất và cũng là nguy hiểm nhất đó lũ ống lũ quét, cộng thêm đó với hoàn lưu bão thì mưa sẽ kéo dài gây ngập úng trên diện rộng”.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, đến 19h ngày 17-7 vùng tâm bão đã đi vào vùng biển từ Hải Phòng đến Nam Định, khi đi vào hoàn lưu của nó đã gây ra gió mạnh cấp 9, giật cấp 12 ở Cửa Ông (Quảng Ninh), tại Bãi Cháy gió mạnh cấp 6, giật cấp 11, ở huyện đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 9, giật cấp 12.

Ở Thái Bình cũng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9. Cùng với những cơn gió mạnh, ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định đã có mưa to đến rất to, lượng mưa tại Cửa Ông (Quảng Ninh) 64mm,Văn Lý (Nam Định) 54mm...

Ở miền Trung từ tỉnh Quảng Bình trở ra đến Thanh Hóa với lượng mưa nhiều nơi trên 100mm.

Từ Cát Hải, phóng viên Mạnh Thắng của Dân Việt điện thoại về lúc 20h cho biết, Cát Hải cũng đang phải hứng chịu tàn phá của cơn bão số 1 khi tuyến đê khá yếu ở khu vực Hải Lộc, Tiến Lộc thuộc thị trấn Cát Hải liên tiếp bị sóng lớn đánh vào.

Từng đợt sóng lớn cao từ 3-4m liên tiếp đánh vào bờ.

Cộng thêm việc triều cường lớn nên hiện nay, nước biển đã tràn qua mặt các tuyến đê này từng đợt ập vào các hộ dân, nước ngập sâu từ 0,3 - 0,5m khiến tuyến đê này phải đối diện với nguy cơ bị nứt và vỡ.

Đồ Sơn: Vỡ 200m kè phía đông khu du lịch Hòn Dấu

Theo thông tin từ báo Hải Phòng, đến 19 giờ 45, gió đang ở cấp 4, cấp 5; thiệt hại ban đầu là gẫy 2 cột điện ở phường Hợp Đức, khoảng 100 cây xanh bị đổ, gẫy; 12 nhà dân bị tốc mái; sạt lở, vỡ 200 m kè phía đông khu du lịch quốc tế Hòn Dấu; không có thiệt hại về người.

Quảng Ninh: Một cháu bé chết đuối

Tại Quảng Ninh, theo thông tin từ báo Quảng Ninh, đến thời điểm 21 giờ, tại khu vực cảng mới, phường Bạch Đằng, Hạ Long có 4 thuyền nan và nhiều mảng bị đắm, nhà bè Hồng Đậm, cột 5, phường Hồng Hải bị sóng đánh vỡ.

Tại khu vực Ba Hang, phường Hùng Thắng nhiều nhà bị tốc mái, 1 ngôi nhà cấp 4 ở phường Trần Hưng Đạo bị sập do cây đổ vào nhà, 1 cháu bé ở phường Yết Kiêu bị chết đuối trên đường gia đình đưa từ làng chài Ba Hang về đất liền thì bị lật mảng.

Theo tin từ Thường trực Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, đến 20 giờ 30 phút, trên địa bàn TP Hạ Long và TX Cẩm Phả đã có điểm có gió giật cấp 11, trên cấp 11. Do các địa phương chủ động trong công tác phòng chống lụt bão nên nhìn chung đã giảm thiểu được những ảnh hưởng của bão.

Các xã đảo Bản Sen, Ngọc Vừng và cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn) có nhiều bè mảng, tàu thuyền bị đắm.

Tại Yên Hưng, đến 20 giờ đã có thống kê thiệt hại ban đầu. Bão đã làm tốc mái 2 gian nhà hiệu bộ của Trường THCS xã Phong Cốc; xã Tiền An bị đổ nghiêng 5 cột điện, xã Hoàng Tân 5 lều quán, 1 nhà truyền thống, nhà văn hóa xã bị tốc mái và 1 cột điện bị đổ. Dự án nuôi trồng Đông Yên Hưng của Công ty CP thủy sản II bị sạt lở bờ nuôi. Tại khu Cống Mương (xã Phong Hải) có 2 thuyền bị đắm.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn TW, lúc 19h tối 17/7, bão số 1 đã đổ bộ vào Hải Phòng, gây thiệt hại nặng cho đảo Bạch Long Vỹ. Thông tin mới nhất cho biết, hiện đã có một số người dân và tàu thuyền bị mất tích.

img
Nước ngập vào thị xã Cát Hải, Hải Phòng. Ảnh chụp lúc 19h30 ngày 17-7

Chủ động đối phó ngập úng

Hồi 19 giờ ngày 17-7, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương - Ủy ban Quốc gia TKCN đã có Công điện khẩn số 15/CĐ-TW.

Theo công điện khẩn, cơn bão số 1 đã dịch chuyển lên phía bắc, lúc 17 giờ ngày 17/7 ở vị trí khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng – Nam Định khoảng 30km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13.

Theo dự báo, đêm nay bão số 1 sẽ đổ bộ vào đất liền, trong 24 giờ tới, bão chủ yếu di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An.

Để chủ động đối phó với bão, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão TW và Ủy ban Quốc gia TKCN yêu cầu Ban chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố:

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1199/CĐ-TTg ngày 16/7/2010;

Đối với tỉnh Quảng Ninh, căn cứ vào tình hình thực tế, Trưởng Ban chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh quyết định sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm đảm bảo an toàn;

Chủ động đối phó với tình trạng mưa lớn gây ngập úng; đặc biệt là thành phố Hà Nội nơi được dự báo là có lượng mưa lớn;

Chỉ đạo các lực lượng thường trực, cứu hộ, cứu nạn tại các địa phương sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra;

Các tỉnh miền núi phía Bắc rà soát lại công tác chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ đề phòng mưa lũ gây chia cắt; chủ động triển khai việc di dời dân ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất;

Theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của bão, mưa lũ để đối phó và xử lý kịp thời các tình huống, báo cáo về Ban Chỉ đạo PCLBTW và Ủy ban Quốc gia TKCN./.

Tại Thái Bình, từ 19 giờ 30, trời mưa như trút nước, gió giật mạnh. Theo trực ban của Ban Chỉ huy phòng chống Lụt bão tỉnh, đây là thời điểm mưa to, giớ lớn nhất từ sáng 17-7.

Ông Phạm Quang Riễm, Phó Chi Cục trưởng cho biết: Về cơ bản, bão đã vào đến địa bàn tỉnh Thái Bình và bắt đầu suy yếu. Hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải theo dự kiến chịu nhiều tác động của bão nhất, đến thời điểm này (19 giờ 50 phút) chưa có thống kê hay báo cáo cụ thể các thiệt hại nào về người và của.

Ông Riễm cho biết thêm: Nếu mưa to kéo dài trong nhiều giờ, nỗi lo lớn nhất là ngập úng vì bà con nông dân vừa cấy lúa xong 1, 2 tuần nay. Địa bàn có thể xảy ra ngập úng nặng nhất là huyện Kiến Xương.

Hải Phòng: Ba tàu du lịch bị chìm

Theo TTXVN, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, Hải Phòng Phạm Xuân Hòe cho biết: Ba chiếc tàu du lịch của tỉnh Quảng Ninh đã bị sóng đánh chìm tại vùng biển Cát Bà khi đang neo đậu tránh bão số 1 tại bến phà Gia Luận, chiều 17/7.

Đó là các tàu: Hoàn Cầu QN 4659, tàu Bái Tử Long QN 4698 và tàu Ánh Dương (không có số hiệu) bị sóng đánh chìm vào khoảng 18 giờ ngày 17/7. Do công tác di dời các thuyền viên lên bờ được thực hiện tốt nên không có thiệt hại về người.

Cả ba tàu du lịch này hoạt động trên bến phà Gia Luận phục vụ khách du lịch thăm quan tuyến du lịch Cát Bà (Hải Phòng) - Tuần Châu (Quảng Ninh).

Ngoài ba tàu du lịch trên bị chìm, tại khu vực Gia Luận, một chiếc tàu đánh cá loại nhỏ cũng bị chìm ngập nhưng may mắn lực lượng cứu hộ đã kịp thời trục vớt.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trong 6 giờ vừa qua, bão số 1 đã đổi hướng di chuyển lên phía Bắc.

img
Hình ảnh tại huyện Vũ Thư, Thái Bình lúc 17h chiều 17-7. Ảnh: Hiếu Lực

Tới 17 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng – Nam Định khoảng 30 km về phía Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.

Theo ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban phòng chống bão lụt Huyện Cát Hải, Hải Phòng, cho đến 16 giờ chiều nay, Cát Hải đã thực hiện công tác di dân đến nơi an toàn với 2.336 người, chủ yếu người già, phụ nữ, trẻ em, cưỡng chế 255 người di dời; đã neo buộc 1.397 tàu thuyền, 593 bè và đưa 5.285 người trên các tàu thuyền, bè về nơi an toàn.

Cũng theo thông tin của phóng viên Dân Việt, chiều nay một lồng bè đã bị trôi ra biển, trên lồng bè có ba mẹ con. Tuy nhiên các lực lượng cứu hộ đã kịp thời cứu ba người này.

Một số bè nhỏ đã bị sóng đánh vỡ, gió cấp 10, quật ngã một số cây cối.

Cát Hải, Hải Phòng: Lo ngại nước tràn đê

Hiện tại, gió ở Cát Hải đã đổi hướng, điều này khiến Ban chỉ huy huy phòng chống lụt bão lo ngại nước sẽ tràn đê, tại khu vực Tiến Lộc và Hải Lộc thuộc thị trấn Cát Hải.

Ông Lê Văn Hiến- Phó Giám đốc Sở NN & PTNN Hải Phòng, Phó trưởng ban phòng chống lụt bão thành phố Hải Phòng, có mặt tại Cát Hải chỉ đạo: “Phải quam tâm đến việc di dân để bảo vệ tính mạng và tài sản trước, vì nếu gió đổi hướng Đông Nam, kèm theo triều cường dâng cao thì không thể nghĩ tới việc chống nước tràn vào khắp đảo.”.

Ban chỉ đạo và lực lượng hỗ trợ vẫn 24/24 có mặt tại hiện trường để không cho tình huống xấu xảy ra, nhất là với tính mạng người dân. Mì tôm, nước, lương thực khác vẫn đảm bảo cho sinh hoạt của bà con huyện đảo. Bà con cũng sẵn sàng cùng địa phương và các ngành đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đến 19 giờ hôm nay, 17 - 7, bão số 1 đổ bộ vào địa phận Hải Phòng. Dự báo, lượng mưa sắp tới của Hà Nội có thể lớn hơn ngày 13 - 7. Đến thời điểm này, sáu người mất tích, chìm năm tàu.

Theo dự báo, mưa tập trung vào Thanh Hóa, Nam Định và khu vực Nam Bắc Bộ. Riêng tại Hà Nội, lượng mưa dự đoán lên đến 200 - 300mm.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tình từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đêm nay có gió mạnh cấp 8, cấp 9; vùng tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội. Sóng biển cao 5-7m.

Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng tâm bão giật cấp 9, cấp 10.

Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng núi có nguy cơ bị sạt lở đất và ngập úng ở vùng trũng.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 4 giờ chiều nay, bốn người mất tích, hỏng hai tàu đánh cá của Quảng Ngãi, chìm năm tàu (trong đó, bốn ở Quảng Ngãi, một ở Hà Tĩnh).

Ở Thái Bình, lúc 18 giờ, gió giật cấp 9 cấp 10. Trên đường đi, gió giật mạnh, người và cây cối xiêu vẹo. Tại huyện xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, nhiều gia đình vội vã ra chặt cành cây để tránh thiệt hại.

img
Cây đổ trên đường phố TP Thái Bình. Ảnh: Hiếu Lực

Gió giật mạnh, mưa như tát vào mặt. Tại công viên trước Nhà văn hoá lao động nhiều cây bị gió thổi bật gốc. Các tấm panô trở thành “nạn nhân” của gió, bị xé nát. Trên đường Quang Trung, cây đổ liên tiếp nằm la liệt.

Ông Nguyễn Phú Nhuận, chi Cục trưởng Chi Cục Phòng chống lụt bão Thái Bình cho biết, lúc 18 giờ gió giật cấp 9, cấp 10 và có chiều hướng mạnh lên. Tâm điểm của bão đang tập trung ở hai huyện Ven biển là Tiền Hải và Thái Thụy. Tại thị trấn Tiền Hải, gió rất mạnh. Để tránh thiệt hại, điện đã bị cắt.

Đến thời điểm này chưa tổng hợp được thiệt hại về người và tài sản.

Thanh Hóa: Hỗ trợ khẩn cấp 35 tấn gạo

Chiều 17-7, ông Lương Quý Hội - Phó chủ tịch UBND huyện vùng cao, biên giới Mường Lát, cho biết: Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 1, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa quyết định hỗ trợ khẩn cấp 35 tấn gạo tẻ cho huyện Mường Lát để phòng khi mưa lũ kéo dài do ảnh hưởng của cơn bão.

Theo ông Hội cho hay, hiện nay số gạo nêu trên đang được ngành chức năng của tỉnh vận chuyển lên Mường Lát. Tuy nhiên, do tuyến đường từ Hồi Xuân, huyện Quan Hóa lên thị trấn Mường Lát là con đường độc đạo dài 100 km, nối Mường Lát về với các huyện và TP Thanh Hóa, đang được tu bổ, nâng cấp nên xe ô tô đi lại rất khó khăn.

Dự kiến, đến sáng 18- 7, xe chở số gạo nêu trên mới lên đến trung tâm huyện.

Ông Hội cũng khẳng định: Trong trường hợp mưa lũ kéo dài, gây thiệt hại lớn do cơn bão số 1 gây ra. Nếu những hộ dân nào bị thiếu đói cục bộ do mưa lũ sẽ được huyện cấp ngay lương thực cứu đói trong số 35 tấn gạo tỉnh cấp, sau khi UBND huyện xin ý kiến và được UBND tỉnh đồng ý.

Đây là số gạo của tỉnh Thanh Hóa cấp cho Mường Lát để nhằm bình ổn giá cả thị trường khi mưa lũ kéo dài, địa phương bị cô lập.

9 giờ sáng nay, 17 - 7, năm người quê thị xã Sơn Tây, Hà Nội tắm biển ở bãi biển Tĩnh Gia, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Một người chết đuối.

Nạn nhân được xác định là chị Ngô Thị Nga, 18 tuổi, quê thị xã Sơn Tây. Chị Nga tắm chung phao với bạn trai, khi gặp sóng lớn, tuột khỏi phao và chết đuối.

Sơ tán 18.300 dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Chiều 17-7, tại cuộc họp khẩn BCĐ Phòng chống lụt bão T.Ư, ông Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết bão số 1 có mắt bão lớn, vùng tâm ảnh hưởng rộng, trọng tâm là các tỉnh từ Quảng Ninh tới Nam Định, vùng Nghệ An- Thanh Hóa cũng bị đuôi bão quét qua.

Trọng tâm bão đổ bộ trên địa bàn 3 tỉnh, thành là Hải Phòng, Nam Định và Thái Bình. Từ chiều cùng ngày, tại một số vùng ven biển như Cô Tô, Bạch Long Vĩ… đã có gió giật mạnh. Cụ thể như ở Bạch Long Vĩ gió mạnh cấp 13, giật cấp 17; Cô Tô gió mạnh cấp 9, giật cấp 12.

Các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa đến mưa to như Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 128mm, Quảng Bình 122mm…

Bão đổ bộ đã kết hợp với thủy triều và nước biển dâng từ 3-5m trên địa phận các tỉnh từ Quảng Ninh tới Nam Định.

Theo ông Hải, khu vực đồng bằng Bắc bộ từ đêm 17 kéo dài hết sáng ngày hôm nay 18-7, sẽ có mưa lớn, dồn dập và cục bộ nên khả năng gây úng ngập là rất cao. Bởi vậy, cần lên phương án chống úng ngập.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám thì sau bão đổ bộ, bắt đầu từ 18-7, các tỉnh, thành phải chuyển sang đối phó với ngập úng và sạt lở đất, vùng bão đi qua chuyển sang khắc phục hậu quả của bão.

Tính đến chiều tối hôm qua 17-7, các tỉnh, thành Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình đã sơ tán 18.300 dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Hai tỉnh Quảng Ninh và Thanh Hóa vẫn chưa sơ tán dân vì còn tiếp tục theo dõi diễn biến sau bão.

Đến chiều nay, tỉnh Nam Định đã sơ tán gần 4.000 người khỏi khu vực nguy hiểm, trong đó Nghĩa Hưng 1400 người; Giao Thủy: 2400 người, còn lại là Hải Hậu.

Điều đáng lo ngại theo ông Lê Xuân Thủy, Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Nam Định là 56.000 ha lúa đã gieo cấy sẽ bị ngập úng, đến thời điểm này Sở NN&PTNT chỉ đạo Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi Nam Định và các đơn vị trực thuộc, rút nước đệm, tránh ngập lúa và hoa màu.

Có 2.365 tàu thuyền đã về trú ẩn an toàn, trong đó 13 tàu về vùng biển Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa.

Theo ông Đặng Ngọc Thắng, Chi cục Phó Chi Cục Đê điều và Phòng chống Lụt bão tỉnh Nam Định, Cấp gió đo được tại vùng biển Thịnh Long ở cấp 6, cấp 7, mưa nhỏ, dự kiến 18 giờ hôm nay, thủy triều tăng lên 0,4 mét.

Ông Nguyễn Văn Tìm, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu (Nam Định) cho biết, tất cả các điểm xung yếu như đê Gót Càng, cầu Châu Thịnh (Cống Phú Lễ), kè Xương Điền, xã Hải Lý (Hải Hậu) đã hoàn tất công đoạn cuối cùng trong việc phòng chống bão. Riêng với Hải Lý - vùng bãi thấp - đã bố trí 20.000 mét vuông vải để đóng kè.

Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ do gió giật mạnh đã làm gãy 1 cần cẩu, tuy nhiên, chưa có thiệt hại về người.

Tính đến tối 17-7 khu vực quần đảo Hoàng Sa vẫn còn 6 ngư dân của huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi bị mất tích, lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận được.

Vietnam Airlines hủy 11 chuyến bay

Thông báo từ Vietnam Airlines (VNA) cho biết, có tất cả 11 chuyến bay đã bị huỷ trong ngày 17-7 do ảnh hưởng của bão số 1.

Chiều tối 17-7, VNA thông báo: Các chuyến bay đến/từ sân bay Nội Bài sau 19 giờ ngày 17-7 được khai thác bình thường.

Từ ngày 18-7, do ảnh hưởng của bão số 1 suy giảm, đảm bảo điều kiện khai thác, VNA sẽ duy trì lịch bay như thường lệ tại tất cả các sân bay.

Để hỗ trợ và giải quyết nhu cầu đi lại cho hành khách trên đường bay Tp. Hồ Chí Minh – Hải Phòng, VNA sẽ bố trí thêm hai chuyến bay trong ngày 18-7, cụ thể: VN2802 Tp. Hồ Chí Minh - Hải Phòng, khởi hành lúc 9 giờ 20, VN2813 Hải Phòng - Tp. Hồ Chí Minh, khởi hành lúc 12 giờ 5.

Toàn bộ 150 hành khách đã đặt chỗ trên chuyến bay VN284/VN285 ngày 17-7 bị hủy do ảnh hưởng của bão số 1 sẽ được VNA tự động chuyển sang hai chuyến bay tăng thêm nói trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem