Bão số 4, xem lại bài học từ lũ lụt lịch sử năm 2020 ở Quảng Trị.
Bão số 4, xem lại bài học từ lũ lụt lịch sử năm 2020 ở Quảng Trị
Ngọc Vũ
Thứ năm, ngày 19/09/2024 18:41 PM (GMT+7)
Trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống bão số 4 năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, không được chủ quan, phải rút kinh nghiệm từ bão, lũ lịch sử năm 2020.
Công tác phòng, chống bão số 4 ở tỉnh Quảng Trị. Clip: Ngọc Vũ.
Trưa 19/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cùng các đơn vị liên quan đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại khu neo đậu tránh trú bão Bắc Cửa Việt, khu vực biển Gio Hải và một số công trình đang thi công xây dựng trên địa bàn huyện Gio Linh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng và các đơn vị liên quan kiểm tra công tác phòng, chống bão số 4 ở huyện Gio Linh. Tại bờ biển huyện Gio Linh, gió đang mạnh. Ảnh: Ngọc Vũ.
Do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn tỉnh trong 24 giờ qua đã có mưa to đến rất to, dự báo đến sáng 20/9, lượng mưa phổ biến 100-220 mm, có nơi trên 300 mm.
Hiện nay, mực nước thượng lưu các sông đang lên chậm, hạ lưu các sông ảnh hưởng thuỷ triều còn ở mức thấp dưới báo động 1, cảnh báo trên các sông trong tỉnh xuất hiện một đợt lũ.
Bão số 4 gây gió mạnh cuốn cát bay dọc bờ biển huyện Gio Linh. Ảnh: Ngọc Vũ.
Tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) vào sáng 18/9 đã xuất hiện lốc xoáy kéo dài khoảng 10 phút đã gây thiệt hại cho 1 trường mầm non và một số hộ dân trên địa bàn thị trấn, nhiều cây cối, hoa màu bị gãy đổ, rất may không có thiệt hại về người.
Đi cùng đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bão số 4 do ông Hà Sỹ Đồng dẫn đầu, PV Dân Việt chứng kiến vùng biển tỉnh Quảng Trị gió đã mạnh dần lên, khoảng cấp 7 đến cấp 8, cuốn theo cát bay vào bờ, sóng biển cao từ 2 đến 3 mét.
Hai thanh niên ở xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị chằng chống mái nhà bằng cách đặt bao nilon chứa nước đè lên mái. Đây là cách làm phổ biến của người dân Quảng Trị mỗi khi phòng, chống bão. Khi hết bão, nếu xảy ra lũ, mất điện, mất nước thì người dân lấy nước từ mái nhà xuống để sử dụng. Ảnh: Ngọc Vũ.
Tại các địa phương, cơ quan chức năng đã chỉ đạo trực tiếp, loa phóng thanh cảnh báo và hướng dẫn người dân phòng, chống bão liên tục, không khí khẩn trương.
Đến 12h trưa 19/9, công tác phòng, chống bão số 4 năm 2024 tại tỉnh Quảng Trị cơ bản hoàn tất.
Trên tinh thần cảnh giác cao độ, người dân tỉnh Quảng Trị đã chủ động chằng chống nhà cửa bằng nhiều cách khác nhau.
Tàu thuyền nhỏ vùng biển bãi ngang huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã được người dân đưa lên bờ từ sớm. Ảnh: Ngọc Vũ.
Phó Chủ Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng yêu cầu các địa phương cùng các ngành chức năng tiếp tục kiểm đếm, quản lý các tàu, thuyền, phương tiện còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn, có kế hoạch bảo vệ an toàn tài sản cho người dân, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu khi có bão đổ bộ.
Những tàu lớn được neo đậu an toàn tại cảng, còn những tàu nhỏ được ngư dân đưa vào sâu trong các kênh, rạch để neo đậu. Ảnh: Ngọc Vũ.
Các lực lượng này phải túc trực 24/24 để sẵn sàng nhận lệnh khi có các sự cố xảy ra. Khi có mưa lớn, chính quyền địa phương sơ tán người dân ở vùng thấp, vùng trũng ra khỏi khu vực nguy hiểm đến các nơi kiên cố, an toàn; vận hành, triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng; cắt tỉa cành cây; kịp thời thu hoạch, bảo vệ mùa vụ sản xuất, tạm dừng các công trình đang thi công trong khu vực ảnh hưởng của mưa bão.
Một con tàu dù đã được neo đậu an toàn tại cảng Cửa Việt, nhưng người vẫn ở trên tàu. Ảnh: Ngọc Vũ.
Chứng kiến một số tàu, thuyền dù đã được neo đậu nhưng vẫn còn người trên tàu, thuyền, ông Hà Sỹ Đồng đã yêu cầu đơn vị liên quan có biện pháp di dời dứt khoát, không chấp hành thì cưỡng chế, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Chứng kiến cảnh có người vẫn ở trên tàu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã nhắc nhở, yêu cầu đơn vị có trách nhiệm phải di dời người dân lên bờ. Ảnh: Ngọc Vũ.
"Các vùng ven biển là những nơi chịu ảnh hưởng của bão với sóng to, gió lớn, nước biển có thể dâng cao vì thế các địa phương không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Phải rút kinh nghiệm từ thiệt hại của thiên tai, bão lũ lịch sử năm 2020, đặc biệt là vụ trôi tàu Vietship 01, phải triển khai ứng cứu suốt thời gian dài" – ông Đồng nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.