Bảo vệ rừng, cải thiện cuộc sống nông dân

Thứ hai, ngày 28/06/2010 19:56 PM (GMT+7)
(NTNN) - Việt Nam là quốc gia tiên phong ở Đông Nam Á trong việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ phục vụ cho việc bảo vệ rừng và tăng thu nhập cho nông dân.
Bình luận 0
img
Chi trả dịch vụ rừng sẽ đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân bảo vệ rừng.

Thu nhập nông dân tăng 3,5 lần

Chi trả dịch vụ môi trường rừng (FES) hay còn gọi là chi trả dịch vụ môi trường là công cụ kinh tế, sử dụng để những người được hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái chi trả cho những người tham gia duy trì, bảo vệ và phát triển các chức năng của hệ sinh thái đó. FES là một khái niệm rất mới trên thế giới trong khuôn khổ nỗ lực toàn cầu tìm kiếm các phương cách để chặn đứng tình trạng suy thoái và mất rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Michael Jenkins - Chủ tịch tổ chức Forest Trends, một tổ chức quốc tế hoạt động với mục tiêu tăng cường giá trị của rừng đối với xã hội cho rằng: “Các hoạt động kinh tế đã làm tổn hại đến sự lành mạnh của môi trường sinh thái. Vì thế, các doanh nghiệp khi khai thác môi trường tự nhiên phục vụ hoạt động kinh tế cần phải chi trả cho những người có công bảo tồn hoặc phục hồi các dịch vụ sinh thái”.

Hiện nay việc chi trả dịch vụ sinh thái đang được VN tiên phong thực hiện bằng chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (Quyết định số 380/TTg) tại hai tỉnh Lâm Đồng và Sơn La. Số tiền các doanh nghiệp mua dịch vụ sẽ được đưa vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Lâm Đồng để trả cho các tổ chức và hộ dân được khoán bảo vệ rừng.

Trong 15 tháng qua, hai nhà máy thủy điện và các công ty nước, dịch vụ lữ hành đã chi trả 3,5 triệu USD, tương đương 65 tỷ đồng, cho 8.000 hộ nông dân tham gia bảo vệ 200.000ha rừng đầu nguồn và rừng tự nhiên. Theo tính toán của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, với mức chi trả trên thì thu nhập của các hộ nông dân nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, đã tăng 3,5 lần trong vòng một năm qua.

Lâm Đồng là một trong hai tỉnh tham gia làm thí điểm thu phí môi trường rừng.

“Bà con mong muốn được nhận khoán rừng để hưởng chính sách chi trả môi trường rừng ổn định lâu dài. Kể từ khi có chính sách trả phí môi trường rừng thu nhập bình quân đầu người năm 2009 của xã Đa Nhim là 11,2 triệu đồng/người/năm (năm 2008 là 9,5 triệu đồng/người/năm), nhiều hộ gia đình có nguyện vọng được tăng diện tích bảo vệ rừng, mỗi hộ 50ha” - ông Kon So Ha Vương - Phó Chủ tịch UBND xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cho hay.

Cần chọn mô hình phù hợp

Việc nghiên cứu, thực hiện chính sách FES ở Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách, nhằm tạo thêm nguồn tài chính hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Theo Tiến sĩ Sven Wunder - chuyên gia cao cấp của Chương trình Lâm nghiệp và Sinh kế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế, ở VN mặc dù đã triển khai thành công việc chi trả dịch vụ môi trường rừng ở hai tỉnh Lâm Đồng và Sơn La nhưng việc nhân rộng mô hình gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là cơ sở khoa học trong việc tính toán giá trị của dịch vụ mà rừng cung cấp, đi kèm với đó là nguồn ngân sách để thực hiện công việc này.

Ngoài ra, việc phân chia lợi ích giữa các bên thu được từ người mua dịch vụ cũng khó khăn. Một chương trình FES lớn có thể bao gồm nhiều địa phương khác nhau, nơi rừng cung cấp chất lượng dịch vụ khác nhau. Vậy cơ chế để phân chia lợi ích giữa các địa phương, từng nhóm hưởng lợi khác nhau như thế nào là điều cần xem xét".

Từ nay cho đến khi triển khai toàn quốc, có khá nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Theo ông Cẩm Văn Chinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, để thực hiện đầy đủ chính sách FES, cần sớm rà soát điều chỉnh chính sách giao đất, giao rừng. Chỉ riêng tỉnh Sơn La, với 156 xã có diện tích rừng là 379.272ha thuộc quyền quản lý của 52.000 chủ rừng, chi phí cho việc rà soát, điều chỉnh đã rất tốn kém tiền bạc và thời gian.

Nhiều chuyên gia cho rằng, VN có nhiều sông, núi cao có độ dốc lớn, rừng đầu nguồn lại bị suy giảm, nhân dân vùng đầu nguồn phần lớn là những người nghèo. Vì vậy, việc nghiên cứu, thực hiện chính sách FES ở Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách, nhằm tạo thêm nguồn tài chính hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy kinh tế hoá tài nguyên và môi trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem