Bảo vệ thương hiệu Việt

Thứ ba, ngày 25/10/2011 14:43 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nước mắm Phú Quốc - một sản phẩm đặc trưng của Kiên Giang bỗng dưng nhiều khả năng không còn là của Kiên Giang nữa. Cơ sự chỉ vì địa phương chậm chân đăng ký bản quyền thương hiệu quốc tế cụ thể ở những quốc gia ngoài lãnh thổ mình.
Bình luận 0

Chỉ tính riêng thương hiệu mắm Phú Quốc, đã có không dưới mấy công ty tại Thái Lan và Mỹ đăng ký bản quyền thương hiệu khi xuất bán ở châu Âu và châu Mỹ. Như thế, mắm Phú Quốc chính hiệu của chúng ta đã không còn cơ hội xuất sang những nơi ấy nữa.

Đó là một thiệt hại hết sức lớn cho một thương hiệu mắm Việt thơm ngon nổi tiếng. Nếu chỉ đăng ký bản quyền thương hiệu quốc gia, thì thị trường tiêu thụ chỉ trong phạm vi Việt Nam, trong khi với tiềm lực của mình, mắm Phú Quốc thừa sức để xuất khẩu.

Với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, tình trạng cũng diễn ra y như vậy. Một công ty ở Trung Quốc đã đăng ký thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ngay tại Trung Quốc và được Trung Quốc cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền.

Với thương hiệu cà phê Đăk Lăk, một công ty của Pháp đã đăng ký bảo hộ trên 10 quốc gia khác nhau. Hàng loạt thương hiệu lớn của Việt Nam đều bị đánh cắp, đánh cướp theo kiểu ấy, và việc kiện cáo để đòi lại cho được thương hiệu của mình là việc vô cùng khó khăn và tốn kém. Trong khi đó , các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng ở Việt Nam rất coi nhẹ việc đăng ký thương hiệu bảo hộ độc quyền những sản phẩm của mình trên toàn thế giới.

Nói “toàn thế giới” nhưng trước hết, là đăng ký bảo hộ thương hiệu ở những quốc gia mà mình có khả năng xuất khẩu sản phẩm trong hiện tại và ở tương lai gần như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.

Từ chỗ “danh chính ngôn thuận”, một khi bị cướp thương hiệu đăng ký bảo hộ độc quyền, sản phẩm chính hiệu của Việt Nam nếu được xuất khẩu sẽ bị coi là hàng giả, hàng nhái, và sẽ bị phạt rất nặng. Đó là điều đau khổ cho hàng Việt, nhất là những hàng Việt đã có thương hiệu và đầy tiềm năng xuất khẩu.

Còn nhớ, cách đây mười mấy năm, khi thương hiệu “Kẹo dừa Bến Tre” của bà Hai Tỏ xứ dừa bị cướp ở Trung Quốc, bà Hai đã lặn lội sang tận Trung Quốc để kiện đòi lại cho được thương hiệu của mình. Dù vất vả, nhưng bà Hai Tỏ đã thành công trong vụ kiện ấy. Nhưng nếu cứ “mất bò mới lo làm chuồng” thì mọi sự sẽ rất khó khăn, thậm chí khó đòi lại “bò”.

Việc đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu tại nước ngoài kèm với nhiều thủ tục phức tạp, vì vậy nếu chỉ để cho doanh nghiệp tự lo thì khả năng thành công là thấp.

Trong việc này, sự trợ giúp của các cơ quan chức năng nhà nước, từ tư vấn tới giúp kỹ thuật đăng ký thương hiệu là hết sức quan trọng. Nếu không muốn, tới một ngày nào đó, gần như toàn bộ những sản phẩm chất lượng cao mang thương hiệu Việt sẽ hết đường xuất khẩu, vì tới đâu cũng đã có những thương hiệu này do các công ty nước ngoài “chiếm tên” mất rồi!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem