Dù vậy, do ảnh hưởng của thời tiết, diện tích mía ngày càng bị thu hẹp, kéo theo nguy cơ các nhà máy đường thiếu nguyên liệu trầm trọng và đời sống người trồng mía gặp nhiều khó khăn.
Nỗ lực giữ mía
Niên vụ mía năm 2015-2016, toàn huyện Cù Lao Dung có gần 6.700 ha mía. Theo thống kê của huyện, nắng nóng, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại hoàn toàn gần 180 ha mía; hơn 500 ha bị thiệt hại rất nặng nề, từ 50% - 70%; hơn 1.230 ha bị thiệt hại từ 30% - 50%; khoảng 4.700 ha bị thiệt hại dưới 30%. Năng suất mía đã giảm khoảng 28%, tương đương 34 tấn/ha. Riêng niên vụ mía năm 2016-2017, hạn, mặn đã gây thiệt hại gần 100 ha, trong đó có hàng chục hecta bị thiệt hại hoàn toàn.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cù Lao Dung Nguyễn Văn Đắc cho biết: Ngành nông nghiệp huyện kiến nghị tỉnh sớm đầu tư nâng cấp hệ thống cống ngăn mặn, đê bao, bờ bao, nạo vét tất cả các kênh rạch trong khu vực cù lao để dự trữ khi có nước ngọt về, bảo đảm tưới tiêu cây trồng cho bà con.
Bên cạnh đó, huyện sẽ hướng dẫn, tập huấn cho bà con về cách chọn giống mía ngắn ngày và có khả năng thích ứng tốt với điều kiện nhiễm mặn cao như hiện nay; cơ cấu lại mùa vụ, cây trồng; thực hiện mô hình tưới tiêu nước tiết kiệm đối với cây mía và một số cây ăn trái, hoa màu khác. Đặc biệt đối với cây mía, địa phương sẽ thực hiện trồng rải vụ, phối hợp với nhà máy đường để có những chính sách đầu tư, thu mua nhằm bảo đảm cho các nhà máy hoạt động xuyên suốt, đồng thời giảm ảnh hưởng, thiệt hại đến mức thấp nhất khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn…
Bình quân trong cả niên vụ, giá mía nguyên liệu được thu mua tại nhà máy chỉ 910 đồng/kg cho loại đạt 10 chữ đường (CCS), giảm hơn 250 đồng/kg so với cùng kỳ. Còn nếu bán tại rẫy, giá mía chỉ từ 650 - 790 đồng/kg, tùy theo điều kiện vận chuyển từ rẫy đến xuống ghe thương lái xa hay gần. Ông Đặng Quốc Chí - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung - cho biết: “Nhìn chung, nhờ chuyển đổi giống mới nên năng suất mía bình quân hằng năm đều đạt khá cao. Nhưng do giá mía nguyên liệu giảm mạnh vài năm gần đây, trong khi chi phí lao động (làm đất, vô chân, vật tư nông nghiệp, thu hoạch...) đều tăng, nên đa số người trồng mía có lãi thấp, thậm chí một số hộ bị lỗ. Vì vậy, đã có 437,5 ha mía được người dân phá bỏ chuyển sang nuôi tôm”.
Ông Phạm Hồng Văn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung - cho biết: “Ở huyện Cù Lao Dung chỉ có cây mía được xem là thích nghi nhất với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay. Vì vậy, khi chuyện phá mía nuôi tôm bắt đầu diễn ra, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm tránh tình trạng phá mía ồ ạt, dẫn đến những hệ lụy về sau. Để người dân yên tâm hơn, huyện đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người trồng mía như: Chuyển giao giống mía mới, ứng dụng cơ giới hóa một phần trong sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu mía, tập huấn chuyển giao kỹ thuật.
Các mô hình cánh đồng mẫu mía ở Cù Lao Dung đều được sử dụng các giống mía mới có năng suất, chữ đường cao như: K88 - 92, K95 - 156... để đưa năng suất mía lên 150 - 180 tấn/ha (hiện tại năng suất chỉ từ 110 - 120 tấn/ha), chữ đường đạt từ 11 - 13 CCS và ứng dụng cơ giới hóa một phần trong quy trình sản xuất. Hiện nay, việc cơ giới hóa khâu làm đất, vô chân mía đã được thực hiện, giúp nông dân giảm chi phí từ 15 - 20 triệu đồng/ha so với làm bằng thủ công.
Cố gắng hạ giá thành bằng cánh bón phân hợp lý
Theo các nhà khoa học, mía thuộc nhóm lau sậy, nhưng thân to, chứa nhiều đường. Sản phẩm cần ở cây mía là lượng đường chứa trong cây. Lượng đường và chất lượng đường phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và tỉ lệ các chất dinh dưỡng cung cấp cho mía. Trong đó Kali và Ca có ảnh hưởng lớn đến hàm lượng và chất lượng đường.
Mía có thể trồng được trên rất nhiều loại đất, kể cả trên đất phèn thoát nước tốt. Nhưng do tính chất đất khác nhau, khả năng chứa các thành phần dinh dưỡng khác nhau nên việc cung cấp dinh dưỡng cho mía ở các loại đất khác nhau cũng khác nhau. Bón phân cho mía tùy thuộc hàm lượng dinh dưỡng của các chủng loại phân khác nhau nên số lượng phân bón vào cũng khác nhau. Phân đạm bón cho mía trung bình khoảng 400 - 427 kg ure và khoảng 200 - 250 kg phân kali. Phần dinh dưỡng còn lại rễ cây tận dụng từ các lớp đất khác nhau. Nếu dùng P trong DAP thì do hàm lượng P cao nên số lượng phân bón vào ít hơn so với khi dùng super lân và ta cũng sẽ giảm số lượng phân ure xuống cho phù hợp.
Cách bón, người ta bón lót toàn bộ lân lúc trồng (nếu dùng super lân) và một phần ít phân đạm, 1/4 kali. Số phân đạm còn lại chia ra bón thúc 2 lần vào lúc 4 - 5 lá và lúc mía vươn dóng (7 - 8 lá), phân kali bón 1/3 lúc đẻ nhánh còn lại 2/3 bón vào lúc vươn dóng.
Làm sao để nông dân trồng mía gắn bó lâu dài
Diện tích trồng mía giảm mạnh không chỉ xảy ra ở Cù lao Dung, Sóc Trăng mà còn xảy ra ở nhiều địa phương có diện tích trồng mía khá lớn, đã diễn ra trong những năm gần đây. Có nhiều lý do, nhưng chủ yếu là người trồng mía cảm thấy bấp bênh và không có nhiều lợi nhuận. Một số vùng do mặn xâm nhập nên chuyển đổi qua cây trồng khác, kéo theo sản lượng mía nguyên liệu giảm, làm cho các nhà máy đường đứng trước nguy cơ không đủ mía để sản xuất.
Ở Việt Nam, giá thành của cây mía khá cao, do canh tác còn manh mún, rải rác chưa có nhiều vùng nguyên liệu tập trung, tỷ lệ cơ giới hoá còn thấp, kỹ thuật làm đất, canh tác, bón phân, tưới tiêu chưa đồng bộ. Các nhà máy chế biến thiếu đổi mới công nghệ, thiết bị nên giá đường luôn cao hơn các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, một số nhà máy đường chưa coi người trồng mía là đối tác chiến lược cung cấp nguyên liệu cho mình một cách ổn định lâu dài để có chính sách phù hợp kéo người trồng mía gắn với nhà máy.
Theo kế hoạch năm 2016, Việt Nam sẽ sản xuất khoảng 1,2-1,4 triệu tấn đường, đến năm 2020 sản xuất trên 2 triệu tấn. Các địa phương hạ quyết tâm giúp nông dân áp dụng các tiến bộ KHKT, bón phân cân đối, thay đổi giống cho năng suất và chất lượng cao, cải tạo hệ thống tưới tiêu, xây dựng các cánh đồng lớn, cơ giới hoá, để đưa năng suất bình quân lên 70-75 tấn/ha.
Để làm được điều này, trước hết các nhà máy phải gắn kết với nông dân, coi người trồng mía là một bộ phận không thể tách rời khỏi nhà máy, là sự liên kết chặt chẽ lâu dài, để từ đó có kế hoạch quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, để hỗ trợ chi phí cải tạo hạ tầng, đầu tư máy móc thiết bị, thay đổi phương thức canh tác, từ dàn trải, thủ công, qua phương thức canh tác cơ giới, vừa có lợi cho người trồng mía và có lợi cho nhà máy. Trên thực tế, tập đoàn mía đường Thành Thành Công đã bước đầu thành công trong việc gắn kết người trồng mía với nhà máy, hỗ trợ cho nông dân đầu tư đồng bộ trong khâu làm đất, trồng mía, thu hoạch, cơ giới hoá, phối hợp với địa phương đầu tư thủy lợi tưới tiêu và có chính sách bao tiêu sản phẩm. Chính điều này đã hấp dẫn nông dân, tạo cho họ tâm lý yên tâm để trồng mía mà không chuyển đổi qua cây trồng khác.
Lê Quốc Phong
|
Hoàng Huy (Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.