Thông qua Hội nghị "Liên kết, xúc tiến du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP giữa Long An với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long", ngày 28/11, tỉnh Long An tìm kiếm giải pháp tối ưu cho du lịch nông thôn gắn sản phẩm OCOP.
Đưa sản phẩm OCOP và các khu, điểm du lịch nông thôn
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Long An cho rằng, phát triển du lịch nông thôn gắn liền tiêu thụ nông sản, cũng như sản phẩm OCOP là giải pháp tối ưu mang lại lợi ích kép cho du lịch nông thôn.
Hiện, Hiệp hội Du lịch Long An đã chọn được 5 khu du lịch để xây dựng khu du lịch sinh thái trên địa bàn, gồm: Khu du lịch Làng nổi Tân Lập, Khu du lịch Mỹ Quỳnh Safari, Khu du lịch Chavi Garden, Khu du lịch Cánh đồng bất tận và Khu du lịch Milan Farm.
Các điểm du lịch sinh thái này có bố trí những gian hàng bán sản phẩm OCOP để phục vụ du khách tham quan, vui chơi.
"Du khách thăm quan ngoài việc thưởng thức sản phẩm OCOP, còn có thể giao lưu với nông dân làm ra sản phẩm. Đây là một trải nghiệm rất lý thú cho du khách", ông Hiển cho biết. Cũng theo ông Hiển, tại các khu, điểm du lịch này, Hiệp hội Du lịch Long An đang tập trung vào các giải pháp về chế biến nông sản.
Ví như, tại khu du lịch Chavi Garden xác định làm du lịch nông nghiệp là chủ yếu để không trùng lắp với các khu, điểm du lịch khác. Khu du lịch Chavi Garden tận dụng các sản phẩm nông nghiệp ở địa phương để làm các sản phẩm mới phục vụ du lịch, như tắm lá chanh, tắm dược liệu để du khách trải nghiệm nhằm tăng lượt khách du lịch.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, với xuất phát điểm là địa phương có nền sản xuất nông nghiệp lâu đời, đồng thời lịch sử địa phương gắn liền với nông thôn, nông nghiệp truyền thống, hình thái nông thôn ở Long An tương đối đa dạng cả về ngành nghề, chủng loại cây trồng, vật nuôi với các sản phẩm nông sản tiêu biểu, đặc trưng mà khi nhắc đến từng địa phương sẽ nghĩ đến ngay, như: Thanh long (Châu Thành), khoai mỡ (Thạnh Hóa), khóm, chanh (Bến Lức), rau (Cần Giuộc), gạo Nàng thơm Chợ Đào (Cần Đước), nếp (Thủ Thừa)…
Bên cạnh đó, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" OCOP ra đời từ năm 2018 đến nay đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, nhất là các giá trị văn hóa của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh Long An có 231 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3-4 sao. Hiện, tỉnh Long An đã thành lập 6 điểm trưng bày sản phẩm OCOP.
Du lịch nông thôn gắn sản phẩm OCOP, không dễ ăn
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa cho biết, trên cơ sở tiềm năng sẵn có về tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng, cũng như phát huy thành tựu bước đầu trong quản lý du lịch, tỉnh đã đề ra chủ trương phát triển du lịch Long An tương xứng với tiềm năng, đặc điểm của địa phương, nhất là loại hình du lịch nông thôn gắn liền với sản phẩm OCOP.
Ông Hòa mong muốn, thông qua Hội nghị, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về du lịch và doanh nghiệp có những định hướng và giải pháp giúp du lịch Long An phát triển du lịch nông thôn gắn sản phẩm OCOP.
Đến với Hội nghị, chị Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Les Rives (TP.HCM), một công ty du lịch lữ hành chia sẻ, chủ đích đến Hội nghị là chị muốn nghe và tìm hiểu xem tiềm năng sản phẩm OCOP của Long An ra sao mà muốn tham gia làm sản phẩm du lịch.
"Hàng ngày, tôi đưa du khách từ TP.HCM về huyện Thủ Thừa (Long An) tham quan bằng đường sông. Chưa một lần tôi đưa du khách đi tham quan các khu, điểm du lịch sản phẩm OCOP. Bởi tôi chưa bao giờ tôi nghỉ tới phải mở tour, tuyến du lịch như vậy", chị Hạnh thổ lộ.
Bên cạnh chưa bao giờ quan tâm việc xây dựng tour du lịch nông thôn gắn sản phẩm OCOP, chị Hạnh cũng không muốn làm thêm sản phẩm du lịch khác liên kết giữa đường sông với đường bộ bởi phải thêm phương tiện và tốn thêm thời gian, chi phí.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc Hội nghị, chi Hạnh lại đắn đo: "Tôi không biết có nên mở thêm sản phẩm tour du lịch đường sông liên kết với tour du lịch nông thôn gắn sản phẩm OCOP ở địa phương hay không?".
Theo ông Hiển, để tăng cường giới thiệu tiềm năng của sản phẩm OCOP địa phương đến khách du lịch, công ty du lịch, nhà đầu tư, chính quyền và ngành du lịch nên xây dựng phiên chợ OCOP tại các khu, điểm du lịch nông thôn, du lịch sinh thái. Theo đó, định kỳ hằng tháng mở các phiên chợ nông sản của địa phương tại các khu, điểm du lịch nhằm tạo nét riêng thu hút du khách và công ty du lịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.