Vụ Bất an với bảo hiểm Vững tâm an plus của PTI: Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm yêu cầu kiểm tra

Hoàng Chiên Thứ hai, ngày 09/05/2022 11:33 AM (GMT+7)
Cục Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiếp nhận thông tin vụ việc PTI liên tiếp ra các văn bản được cho là "làm khó" người dân.
Bình luận 0

Thêm văn bản "làm khó" người mua bảo hiểm Vững tâm an của PTI

Chia sẻ với Báo điện tử Dân Việt sáng 9/5, chị T.T. H ở tỉnh Lai Châu bức xúc: "Khi mua bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm không ghi nội dung nằm viện bao nhiêu ngày mới được chi trả. Chồng tôi cũng mua bảo hiểm của PTI. Khi làm thủ tục bồi thường bảo hiểm thì nhận được thông báo điều trị dưới 5 ngày không được thanh toán mà chỉ hỗ trợ chi trả 500.000 đồng".

"Sau khi tôi gửi hồ sơ được một tháng thì PTI ra văn bản các trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong đó có trường hợp của chồng tôi. Ở tỉnh Lai Châu có rất nhiều trường hợp như chồng tôi" - chị H khẳng định.

Vụ Bất an vì gói bảo hiểm Vững tâm an plus của PTI: Người mua bức xúc, mong muốn khởi kiện ra toà - Ảnh 1.

Văn bản mới nhất của PTI được cho là "làm khó" người mua. Đây là văn bản thứ 5 của PTI trong vòng hơn một tháng. Ảnh: Hoàng Chiên

Phóng viên Báo điện tử Dân Việt nhận được nhiều thông tin của người mua bảo hiểm ở Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn… phản ánh tương tự và cho rằng PTI đã liên tiếp ban hành nhiều văn bản làm khó người mua.

Đặc biệt, ngày 22/4/2022 PTI đã ra văn bản về Phương án phân loại và xử lý chương trình Bảo hiểm Vững tâm an với lý do số lượng hồ sơ yêu cầu hỗ trợ của chương trình Vững tâm an phát sinh mỗi ngày và còn nhiều tồn đọng, vướng mắc cần giải quyết do nhiều hồ sơ chưa đáp ứng theo các quy định của Bộ Y tế. Văn bản đã phân loại hồ sơ A, B,C, D mức hỗ trợ tương ứng 100%, 50%, 30%, 20%.

Văn bản còn nêu rõ hồ sơ yêu cầu không được hỗ trợ nếu hồ sơ điều trị tại cơ sở y tế không được cấp phép điều trị Covid-19 bởi cơ quan có thẩm quyền theo Quyết định số 4111/QĐ-BYT ngày 26/8/2021; hồ sơ không thể hiện việc nằm viện điều trị dịch bệnh; hồ sơ không thể hiện việc điều trị dịch bệnh trong quá trình nằm viện; hồ sơ thời gian điều trị tại cơ sở y tế dưới 5 ngày.

Tuy nhiên, theo một số người mua bảo hiểm Vững tâm an trước đó, trong Giấy chứng nhận/ Hợp đồng với PTI không nêu rõ các điều khoản như văn bản đã nêu.

Vụ Bất an vì gói bảo hiểm Vững tâm an plus của PTI: Người mua bức xúc, mong muốn khởi kiện ra toà - Ảnh 2.

Văn bản của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) yêu cầu PTI kiểm tra, rà soát việc bồi thường bảo hiểm. Ảnh: T.T.H

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm yêu cầu PTI kiểm tra, rà soát việc bồi thường bảo hiểm

Trước sự việc PTI chưa bồi thường cho người mua bảo hiểm đúng thời hạn và trong khoảng một tháng PTI liên tiếp ra 5 văn bản "làm khó" người mua bảo hiểm Vững tâm an, nhiều người đã làm đơn gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam; Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính); Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) yêu cầu giải quyết khiếu nại.

Theo Đơn khiếu nại, vấn đề giải quyết bồi thường cho khách hàng trong hợp đồng ghi 10 ngày nhưng có những hợp đồng sau hai tháng nộp đủ hồ sơ nhưng chưa nhận được bất kỳ thông báo nào hay phản hồi cho khách hàng. 

Đồng thời PTI nhiều lần thay đổi hướng dẫn bồi thường, yêu cầu khách hàng cung cấp nhiều loại giấy tờ trong khi Giấy chứng nhận/ Hợp đồng chỉ ghi hồ sơ bồi thường cần Giấy ra viện, sao bệnh án hoặc bảng kê.

Được biết, Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã nhận được Đơn khiếu nại của người mua bảo hiểm Vững tâm an. 

Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm đã có văn bản yêu cầu PTI căn cứ Giấy chứng nhận bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm, Quy tắc điều khoản và quy định pháp luật hiện hành, kiểm tra, rà soát việc bồi thường bảo hiểm theo nội dung mà người dân khiếu nại và có văn bản trả lời để Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm trả lời người khiếu nại.

Vụ Bất an vì gói bảo hiểm Vững tâm an plus của PTI: Người mua bức xúc, mong muốn khởi kiện ra toà - Ảnh 3.

Phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã đến trụ sở của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện đặt lịch làm việc từ ngày 22/4/2022 nhưng chưa nhận được câu trả lời. Ảnh: Hoàng Chiên

Để tìm hiểu rõ sự việc, ngày 22/4/2022 Phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã đến trụ sở Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) tại Tầng 8, số 4A Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội để đặt lịch và nội dung làm việc. Tuy nhiên hơn một tuần sau phóng viên liên hệ lại nhưng không nhận được phản hồi.

Hôm nay, ngày 9/5 phóng viên tiếp tục liên hệ với phía PTI được biết: "Hiện nội dung của Báo đã được chuyển đến Ban lãnh đạo của PTI, sau đó lãnh đạo sẽ giao cho bộ phận phụ trách và sẽ sớm liên hệ làm việc với phóng viên".

Khách hàng có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền

Như Dân Việt đã thông tin, Sau khi đọc các bài viết phản ánh của Báo điện tử Dân Việt, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Hà Nội) đã chỉ ra những tồn tại trên Giấy chứng nhận/Hợp đồng.

Ngoài ra công ty bảo hiểm PTI vi phạm nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, cụ thể là không cung cấp hợp đồng bảo hiểm, chỉ cấp giấy chứng nhận bảo hiểm. Việc tra cứu trên trang thông tin của công ty bảo hiểm theo giấy chứng nhận bảo hiểm cũng không tra cứu được, không công khai, minh bạch.

Đối với Phụ lục về hỗ trợ dịch bệnh, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho hay: "Từ ngày 31/03/2020 Thủ tướng Chính Phủ đã yêu cầu dừng các sản phẩm bảo hiểm Covid bán rời - mua độc lập. Hiện nay, sản phẩm đặc thù dành riêng cho Covid - 19 không còn nữa mà được tích hợp trong các sản phẩm khác. Phụ lục này chính là tích hợp hỗ trợ dịch bệnh trong sản phẩm bảo hiểm Vững tâm an".

Luật sư Hoàng Tùng cho biết thêm, theo như ý kiến khách hàng có nhiều người mua sản phẩm bảo hiểm này và bị mắc Covid nhiều nên phía công ty bảo hiểm bưu điện quá hạn trả tiền bảo hiểm. Đồng thời, công ty bảo hiểm ra liên tiếp các văn bản làm khó khách hàng trong việc nhận tiền bảo hiểm. Công ty bảo hiểm đang vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận.

Khi có sự kiện bảo hiểm, theo đó, sự kiện bảo hiểm được hiểu là "sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm. (Điều 3, khoản 10, Luật Kinh doanh bảo hiểm hợp nhất năm 2013).

Đồng thời, tại phụ lục này đã quy định rõ quỹ hỗ trợ dịch bệnh khi nằm viện điều trị, tử vong do dịch bệnh nhưng công ty bảo hiểm vẫn chậm trả tiền bảo hiểm đã vi phạm nghĩa vụ gây ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng mua bảo hiểm. Khách hàng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại (Điều 419, khoản 2 Bộ luật dân sự năm 2015).

"Để đảm bảo quyền lợi của khách hàng mua bảo hiểm, cần phản ánh lên đường dây nóng, làm đơn lên Ban kiểm soát công ty bảo hiểm. Nếu vẫn không nhận được phản hồi. Khách hàng có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền" - Luật sư Hoàng Tùng khẳng định.

Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem