“Bắt bệnh” nhà máy chậm di dời khỏi nội đô (Kỳ 2)

Trần Kháng - Thành An Chủ nhật, ngày 22/09/2019 13:00 PM (GMT+7)
Chủ trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội đã được đưa ra từ những năm 1992 nhưng đã qua hàng chục năm, với nhiều chủ trương, quyết định nhưng các cơ sở này vẫn “chình ình” giữa những khu đất vàng ở trung tâm phố.
Bình luận 0

Clip: Nhà máy trong nội đô Hà Nội "bức tử" người dân.

Doanh nghiệp tiếc "đất vàng"

Trong kỳ 1 loạt bài "Nhà máy cố thủ 'đất vàng' nội đô", Dân Việt đã phản ánh tình trạng người dân phải "sống mòn" quanh các khu nhà máy cố tình "chây ỳ" việc di dời khỏi nội đô. Có thể thấy, Quyết định về việc di chuyển các cơ sở sản xuất không còn phù hợp quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực các quận nội thành được UBND TP.Hà Nội ban hành từ giữa năm 2003. Sau đó, Thủ tướng cũng có quyết định về các biện pháp, lộ trình di dời, việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời sản xuất công nghiệp năm 2015.

Năm 2016, tại báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, TP.Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Trong số này, nhiều nhất là quận Đống Đa, Hà Đông, Thanh Xuân... Tuy nhiên, sau 2 năm, tại hội nghị giao ban trực tuyến tháng 9/2018 và đến tháng 6/2019, số liệu báo cáo Hà Nội đưa ra mới chỉ giảm được 4 cơ sở và vẫn còn tới 113 nhà máy. 

img

Công ty Thuốc lá Thăng Long có địa chỉ tại 235 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân với diện tích 64.226 m2 nằm trong số những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải di dời khỏi nội đô nhưng đến nay vẫn chưa chuyển về nơi mới. (Ảnh: Kháng An)

Lý giải về sự chậm trễ này, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng do tâm lý doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành, muốn dựa vào lợi thế vị trí đất để sản xuất kinh doanh, thuận tiện đi lại và sinh hoạt; năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ sạch, đầu tư công nghệ xử lý nước thải, chất thải và đầu tư tại nơi di chuyển đến… Tuy nhiên, nhiều Công ty, cơ sở sản xuất cho biết, hiện nay họ sẵn sàng di dời đến nơi mới.

Đơn cử, Công ty Thuốc lá Thăng Long có địa chỉ tại 235 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân với diện tích 64.226 mét vuông được liệt vào cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo quyết định của Bộ Công thương về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án di dời Công ty thuốc lá Thăng Long.

Việc di dời nhà máy sản xuất về KCN Thạch Thất – Quốc Oai sẽ hoàn thành trong năm 2018. Tuy nhiên, dù công ty đã nhận được hàng loạt ưu đãi của Chính phủ cũng như các bộ ngành, đến giờ này, việc di dời nhà máy năm 2018 đã không thể thực hiện được.

img

Khu công nghiệp "Cao - Xà - Lá" nằm trong khu vực đông đúc dân cư, gần trường học nhưng tới giờ vẫn đang hoạt động. (Ảnh: Kháng An)

Một cán bộ Công ty Thuốc lá Thăng Long cho biết, năm 2010 mới hoàn thành thiết kế, đến năm 2015 công ty được giao đất và đã chủ động đầu tư xây dựng xưởng sản xuất tại nơi mới, theo kế hoạch được phê duyệt, trước 31/12/2019 Công ty phải hoàn thành. Đến tháng 11/2019 công ty sẽ tiến hành chạy thử tại nơi mới (tại KCN Thạch Thất – Quốc Oai). “Vấn đề lớn nhất ở đây là không có vốn di dời. Đất ở đây (đất của công ty tại quận Thanh Xuân hiện nay-PV) là của nhà nước, nếu có bán thì cũng phải nộp vào ngân sách. Còn việc di dời thì ngân sách nhà nước không cấp nên rất khổ” – vị này nói.

Tương tự, ông Ngô Quế Lâm - Tổng Giám đốc Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) cho biết, đơn vị vẫn đang hoạt động sản xuất trên quỹ đất 5ha tại quận Ba Đình. “Đây là diện tích đất thuê hàng năm của Hà Nội. Quỹ đất này được quy hoạch làm công viên, vườn hoa và trường học nên khi nào thành phố có nhu cầu sử dụng và đền bù cho Tổng Công ty thì Habeco sẵn sàng di dời” - ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, hiện Habeco đang sở hữu quỹ đất 22 ha tại huyện Mê Linh, ngoại thành Hà Nội và đã có nhà máy công suất 200 triệu lít/năm. “Mục tiêu của Tổng Công ty là nâng công suất nhà máy Mê Linh lên 400 triệu lít/năm. Trong khi sản lượng của dây chuyền sản xuất tại quận Ba Đình chỉ chiếm 1/10 sản lượng của Tổng Cty nên việc di dời khỏi khu đất này đơn vị không gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh” - ông Lâm cho biết thêm.

Thiếu đồng bộ, kiểm soát

Về vấn đề này, KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam - cho rằng: Việc di dời các cơ sở công nghiệp đã được đặt ra từ sau quy hoạch năm 1998 và thành phố đã có rất nhiều chính sách ưu tiên để di dời. Đến nay, Hà Nội cũng đã làm được một số trường hợp, như di dời Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Cơ khí Mai Động. “Hà Nội đã có đầy đủ đồng bộ từ cơ chế chính sách đến hệ thống khung để thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô nhưng quá trình thực hiện lại vẫn có tồn tại”- KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định.

KTS Đào Ngọc Nghiệm thừa nhận, thực tế Hà Nội vẫn chưa thực hiện quyết liệt việc di dời hết các đơn vị cơ sở công nghiệp. Một phần vị trí các cơ sở công nghiệp được thành phố chuẩn bị nhưng chưa đồng bộ hạ tầng kỹ thuật; bên cạnh đó còn nguồn lực của việc di dời về ngân sách, đảm bảo đời sống cho cán bộ…

img

Theo các chuyên gia, việc di dời các nhà máy, xí nghiệp ra khỏi nộ đô Hà Nội đang thiếu sự đồng bộ giữa cơ quan chức năng và và doanh nghiệp. (Ảnh: Kháng An)

Theo đó, để thực hiện tốt chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, nhà máy ra khỏi nội đô, yêu cầu đặt ra với TP.Hà Nội lúc này là cần có sự đồng bộ trong chỉ đạo giữa các cơ quan chức năng, tại các nhà máy, cơ sở sản xuất. Ngoài việc chủ động của doanh nghiệp thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước, đó là những ưu đãi, hỗ trợ về nguồn vốn, để doanh nghiệp có khả năng xây dựng cơ sở mới, hoặc các chính sách phù hợp để doanh nghiệp liên kết với các đơn vị có chức năng xây dựng đô thị, thu hút nhà đầu tư nước ngoài triển khai.

Ngoài ra, việc sửa Luật Đất đai trong thời gian tới cũng cần bổ sung các quy định về việc sử dụng quỹ đất công nghiệp trong nội đô rõ ràng hơn. Bởi thực tế quỹ đất của các bộ, ngành trong danh sách cần di dời vẫn ít hơn nhiều so với các quỹ đất thuộc cơ sở công nghiệp chưa di dời.

img

Một số nhà máy, cơ sở sản xuất cố thủ để chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng bất động sản? (ảnh Kháng An)

Trước đó, tại phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Phạm Hồng Hà cho rằng, việc thực hiện các quyết định di dời các bộ, ngành và các cơ sở ô nhiễm là trách nhiệm của nhiều cơ quan khác nhau.

Trong đó, UBND TP.Hà Nội có trách nhiệm lập danh mục, xác định các tiêu chí lộ trình biện pháp di dời cụ thể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp cần di dời ra ngoài nội thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Xây dựng có trách nhiệm lập danh mục cụ thể và tiêu chí lộ trình và biện pháp di dời các trụ sở, cơ quan đóng trên địa bàn Hà Nội. Các bộ ngành khác như Y tế, GDĐT, LĐ- TBXH… có trách nhiệm lập danh mục cụ thể hóa tiêu chí lộ trình, biện pháp di dời, cụ thể các cơ sở của ngành mình ra khỏi nội đô.

Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng cơ chế chính sách về tài chính, khuyến khích khai thác quỹ đất có hiệu quả, đảm bảo tiến độ, lộ trình di dời theo đề xuất của Hà Nội và từng bộ ngành liên quan, đề xuất phương án tài chính để đầu tư xây dựng trụ sở các bộ ngành tập trung và các bộ ngành khác liên quan thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn thừa nhận, cho đến nay, có 9 cơ quan được bố trí quỹ đất chuyển ra ngoại nội đô thì có 7 cơ quan tiếp tục giữ lại trụ sở cũ và 2 cơ quan được chấp thuận chuyển đổi mục đích. Nhiều cơ sở ô nhiễm khác vẫn còn nằm xen kẽ trong các khu dân cư chưa biết đến khi nào mới di dời.

Trao đổi với PV NTNN/Dân Việt, PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội Hà Nội khóa 13, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng - nhấn mạnh: “Ngay từ khi tôi còn làm đại biểu HĐND Hà Nội nhiệm kỳ 2004-2011, chủ trương di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm, độc hại độc hại ra khỏi nội đô đã được quyết định. Nhưng từ đó đến nay, qua bao nhiêu năm vẫn nấn ná chưa thực hiện, để bây giờ hậu quả xảy ra lớn như thế này (sự cố hóa chất thủy ngân do cháy kho xưởng Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông, tháng 8/2019 –PV) mới vội tìm cách khắc phục.

PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, phải làm rõ nguyên nhân vì sao trong nhiều năm qua, TP.Hà Nội không thực hiện chủ trương di dời các cơ sở này; cần truy trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan để có cơ sở xử lý, giữ nghiêm kỷ cương phép nước.

Bài 3: "Đất vàng” nhà máy sau di dời thành cao ốc

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem