Nhà máy của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng với diện tích rộng 6,2 ha. Giá thị trường của lô đất này được ước tính vào khoảng 1.300 tỉ đồng. Kế hoạch di dời nhà máy về Hà Nam được phê duyệt từ chục năm trước tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả. (Ảnh: Kháng An)
Truy trách nhiệm, sốc lại mọi việc
PGS.TS. Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội Hà Nội khóa 13, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, nhấn mạnh: “Ngay từ khi tôi còn làm đại biểu HĐND Hà Nội nhiệm kỳ 2004-2011, chủ trương di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm, độc hại độc hại ra khỏi nội đô đã được quyết định. Nhưng từ đó đến nay, qua bao nhiêu năm vẫn nấn ná chưa thực hiện, để bây giờ hậu quả xảy ra lớn như thế này (sự cố hóa chất thủy ngân do cháy kho xưởng Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông, tháng 8/2019 –PV) mới vội tìm cách khắc phục.
Bà An nêu quan điểm: Phải làm rõ nguyên nhân vì sao trong nhiều năm qua, TP.Hà Nội không thực hiện chủ trương di dời các cơ sở này; cần truy trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan để có cơ sở xử lý, giữ nghiêm kỷ cương phép nước.
Clip: Nhà máy trong nội đô Hà Nội "bức tử" người dân.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Đặng Hùng Võ, cho hay: Từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định di dời các cơ sở có nguy cơ cháy nổ, gây ô nhiễm ra khỏi thành phố từ năm 2003. Đây là chủ trương lớn nhưng trên thực tế lại triển khai rất chậm.
Theo GS. Đặng Hùng Võ có ba lý do khiến các doanh nghiệp chây ì, chậm trễ trong việc di dời khỏi nội đô.
Đầu tiên, đó là các cơ sở phải di dời, kể các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm cũng như các cơ sở không phù hợp với quy hoạch đô thị thì đều chưa muốn di dời ngay, vẫn muốn bám trụ lại đô thị.
Thứ hai, đất sau khi di dời để làm gì? Việc chia sẻ lợi ích còn chưa thống nhất được do những vị trí này đều là đất "vàng".
Thứ ba, do sự đôn đốc của các cơ quan quản lý quá yếu kém. Nếu cơ quan quản lý cương quyết thì sẽ không xảy ra tình trạng này. “Ở đây có sự tương tác lẫn nhau về quyền lợi chứ không chỉ có một nguyên nhân nào là trọng tâm" - GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Thành phố Hà Nội phải quyết liệt hơn trong việc di dời các nhà máy, xí nghiệp ra khỏi nội đô tránh gây nhiều hệ lụy cho xã hội. (Trong ảnh: Hiện trường vụ cháy Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, tháng 8/2019)
Nói về trách nhiệm trong việc chậm trễ di dời, GS Đặng Hùng Võ cho rằng ở đây không chỉ có UBND của TP.Hà Nội mà còn có cả trách nhiệm của các Bộ.
Bởi việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đã có quyết định của Thủ tướng và cũng đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường, Bộ TNMT cũng đã có thông tư hướng dẫn, tuy nhiên, việc đôn đốc thực hiện một chủ trương rất đúng đắn và quan trọng lại vô cùng trễ nải.
Đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng đang xảy ra, GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh: Vai trò của lãnh đạo TP.Hà Nội là vô cùng quan trọng. Ngay từ bây giờ, phải cương quyết trong chỉ đạo kiểm tra đôn đốc. Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo thành phố, trong đó có cả trách nhiệm của Bộ TNMT đối với việc sắp xếp đất đai, vấn đề ô nhiễm môi trường.
"Cần phải đặt ra kế hoạch chung của cả nước thế nào? Đôn đốc các tỉnh thế nào. Phải sốc lại mọi việc thì mới giải quyết được tình trạng chây ì di dời hiện nay" - GS. Đặng Hùng Võ nêu nhìn nhận.
Không biến thành chung cư, cao ốc
Theo các chuyên gia, sau khi di dời, xí nghiệp sẽ được cấp một phần đất lớn hơn ở ngoại thành, do đó, phần đất cũ sẽ phải trả lại cho thành phố và nhiệm vụ của thành phố là phải triển khai đúng quy hoạch.
Công ty Thuốc lá Thăng Long (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) sẽ di dời về KCN Thạch Thất - Quốc Oai trong tháng 12/2019, để lại phần diện tích rất lớn cho nội thành Hà Nội. (Ảnh: Kháng An)
TS.KTS. Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định: Nhà đầu tư vẫn chỉ nhăm nhe xây dựng nhà ở vào chỗ đất trống kiếm lợi. Còn việc xây dựng công viên, hồ nước và diện tích mảng xanh lại được triển khai rất ì ạch, thậm chí là “bỏ quên”.
“Một điều lạ là Hà Nội dường như đang dễ dàng quá mức trong việc chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch theo hướng ngược, là gia tăng mật độ, gia tăng diện tích xây nhà cao tầng và cắt giảm diện tích không gian xanh, hồ nước, trong khi lẽ ra phải điều chỉnh theo hướng giảm. Đó là lỗ hổng trong cơ chế quản lý, quy hoạch ở một số đô thị lớn mà chúng ta cần quan tâm và có giải pháp thích hợp”, TS.KTS Ngô Doãn Đức nói.
Khu công nghiệp Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội. (Ảnh: Kháng An)
Cùng nhận định trên, TS.KTS. Phạm Anh Tuấn, khoa Kiến trúc quy hoạch, Đại học Xây dựng cho rằng: “Chúng ta có quy hoạch nhưng thực tế thực hiện, triển khai quy hoạch đó dường như lại đang có sự đối lập lại với quy hoạch ban đầu, khi thực tế, không gian xanh không những không được mở rộng thêm mà còn bị giảm đi. Ở vị trí trung tâm, nhu cầu sử dụng không gian xanh lớn thì không còn quỹ đất, nói đúng hơn là quỹ đất hầu hết đã bị “thâu tóm”. Trong khi đó, nhiều công viên lớn lại quy hoạch ở vị trí xa trung tâm, hạn chế khả năng tiếp cận của người dân nội đô, gây ra sự lãng phí lớn”.
Theo ông Tuấn, hệ lụy của việc phát triển mảng xanh thiếu cân đối chúng ta đã và đang nhìn thấy rất rõ. Đô thị sẽ không thể phát triển bền vững nếu thiếu đi những hạ tầng cốt yếu mang tính cải thiện khí hậu rất lớn như không gian xanh
“Do vậy, để giải quyết những bất cập hiện có, tôi cho rằng, trong quy hoạch cần tận dụng khai thác những khoảng trống trong không gian đô thị, chuyển các vùng đất công do nhà nước quản lý, đặc biệt là các khu đất của nhà máy, xí nghiệp sau khi di dời thành không gian cây xanh mặt nước thay cho việc phê duyệt quy hoạch đầu tư các công trình thương mại, nhà cao tầng. Việc phân bổ diện tích mảng xanh phải đồng đều trên từng khu vực, để tránh trường hợp chỗ thì quá tải, chỗ lại đìu hiu”, TS.KTS Phạm Anh Tuấn cho hay.
Các nhà máy trong nội thành Hà Nội sau khi di dời, rất nhiều diện tích được sử dụng làm chung cư cao tầng. (Ảnh: Kháng An)
Bên cạnh đó, KTS. Phạm Anh Tuấn cho rằng, phải có những cơ chế để tận dụng tối đa nguồn lực đất đai ở vùng nội đô. Doanh nghiệp muốn xây nhiều nhà cao tầng lên, thì anh phải xây dựng mảng xanh để “trả lại” cho cộng đồng, xã hội chứ không thể một mình thụ hưởng, còn sự phát triển bền vững của đô thị thì bỏ quên.
Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, thời gian tới, việc triển khai, di dời các nhà máy xí nghiệp là rất cấp bách, nhưng vấn đề mục đích sử dụng của khu đất vàng sau khi di dời phải được minh bạch theo nguyên tắc thực hiện đúng quy hoạch là xây dựng các công trình công cộng như trường học, công viên để trả lại cho cộng đồng xã hội.
“Điều cần làm hơn cả sau khi di dời các cơ sở được cho là gây thảm họa ra khỏi thành phố để bớt độc hại thì trở thành bất động sản là nguy cơ gây thảm họa cho thành phố bằng một cách khác, đó là thảm họa mất cân đối về hạ tầng, giao thông, ngập lụt, không khí không thể nhìn thấy được. Đó là sự ngấm ngầm của bụi mịn chất độc chì trong xăng xe hằng ngày lan tỏa. Di dời cái này tưởng sẽ tốt hơn nhưng không khéo lại đến một thảm họa khác. Bởi vụ Rạng Đông chỉ vài đêm rồi những câu chuyện ồn ào sẽ qua đi. Nhưng di dời rồi quỹ đất ấy không được quy hoạch, quản lý hợp lý, lại bị nhồi nhét chung cư, phá vỡ quy hoạch đô thị… thì hậu quả có khi còn nghiêm trọng hơn” – KTS. Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội KTS Hà Nội lưu ý.
Tại điều 3 của Quyết định số 130/2015 ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ về việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời. Cụ thể:
Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị được đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí tái đầu tư cho doanh nghiệp bị di dời. Sử dụng hiệu quả quỹ đất còn lại sau khi di dời đúng mục đích, chức năng và các chỉ tiêu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, tuân thủ Luật Thủ đô và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc của TP.Hà Nội.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.