Bất chấp xung đột ở Ukraine, nước láng giềng Nga này không ngại thách thức Điện Kremlin để gia nhập NATO?

Phương Đăng (theo News Week) Thứ ba, ngày 05/04/2022 15:00 PM (GMT+7)
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin mới đây cho biết, đất nước của bà sẽ đưa ra quyết định về việc xin gia nhập NATO vào cuối mùa xuân, bởi vì "Nga không phải là nước láng giềng mà chúng tôi từng nghĩ".
Bình luận 0
Bất chấp xung đột ở Ukraine, nước láng giềng Nga này không ngại thách thức Điện Kremlin để gia nhập NATO? - Ảnh 1.

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (phải) gặp Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) tại hội trường Finlandia ở Helsinki, Phần Lan ngày 25/10/2021. Ảnh EPA

Bà Marin cho biết, quan hệ của Phần Lan với Nga đã thay đổi theo hướng "không thể đảo ngược" và đảo ngược so với những tuyên bố trước đó rằng, "rất khó có khả năng" Phần Lan xin gia nhập liên minh quân sự NATO trong nhiệm kỳ hiện tại của bà.

Các quan chức Nga đã cảnh báo về khả năng trả đũa, dưới dạng hậu quả quân sự và chính trị, nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Sergei Belyaev, Vụ trưởng Vụ châu Âu của Bộ Ngoại giao Nga nói với hãng thông tấn nhà nước Interfax của Nga rằng, Phần Lan và Thụy Điển không gia nhập NATO là "một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo an ninh và ổn định ở Bắc Âu".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 25/2 cũng từng tuyên bố mạnh mẽ rằng Moscow sẽ phải đáp trả nếu Thụy Điển và Phần Lan có ý định gia nhập NATO.

"Rõ ràng (việc) Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, trước hết là một liên minh quân sự, sẽ gây ra những hậu quả chính trị-quân sự nghiêm trọng và đòi hỏi phải có phản ứng từ đất nước chúng tôi", bà Maria nhấn mạnh.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, việc NATO mở rộng về phía Đông đã gây ra mối đe dọa an ninh đối với Nga. Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố sự mở rộng của liên minh quân sự này là một phần lý do khiến Nga phát động "hoạt động quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào ngày 24/2.

Tuy nhiên, theo bà Marin, cuộc tấn công của Moscow vào nước láng giềng Ukraine đã khiến Phần Lan không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kiểm tra lại chính sách an ninh của mình.

Thủ tướng Phần Lan cho biết, quyết định liệu có gia nhập NATO hay không sẽ được đưa ra "một cách triệt để nhưng nhanh chóng" vào cuối mùa xuân năm nay, theo công ty phát thanh truyền hình Phần Lan Yleisradio Oy.

Bà nói, Phần Lan có thể phải đối mặt với hậu quả theo cách nào đó. Bà Marin trước đó nhấn mạnh rằng, bà tin Phần Lan có quyền gia nhập NATO nếu nước này quyết định làm như vậy trong tương lai.

"Không ai có thể ảnh hưởng đến chúng tôi, không phải Mỹ, không phải Nga, không phải bất kỳ ai khác", bà nói với Reuters vào ngày 19/1 - vài tuần trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Vào thời điểm đó, bà Marin nói rằng, việc tham gia liên minh NATO "sẽ có tác động rất đáng kể (đến Phần Lan) và các lệnh trừng phạt từ Nga sẽ cực kỳ cứng rắn".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói CNN hôm Chủ nhật 3/4 rằng liên minh đã có một "cuộc đối thoại hữu ích" với Phần Lan và Thụy Điển về khả năng trở thành thành viên để đáp lại hành động gây hấn của Nga ở Ukraine.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh: "Quyết định cuối cùng là do Phần Lan đưa ra".

"Chúng tôi tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Phần Lan để quyết định tương lai của chính họ. Đó chính xác là điều Nga không tôn trọng, họ thực sự đang cố gắng đe dọa và đang nói rằng nếu Phần Lan quyết định gia nhập NATO, sẽ có hậu quả", ông Stoltenberg tuyên bố.

Tổng thư ký NATO nói thêm rằng, nếu Phần Lan hoặc Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO, ông hy vọng rằng họ sẽ "được tất cả các đồng minh hoan nghênh nhiệt liệt" và rằng "chúng tôi sẽ tìm cách làm điều đó một cách tương đối nhanh chóng, để đưa họ vào liên minh".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem