Hạ tầng “lột xác” sau thời gian dài
Thị xã Gò Công trước đây được đánh giá là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Đông Bắc Tiền Giang, nhưng do cách trở địa lý nên vẫn chưa thể chuyển mình để bắt kịp tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh Tiền Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.
Sau một thời gian dài “ngủ quên”, thị xã Gò Công đã bắt đầu có những dấu hiệu bừng tỉnh khi liên tục được các nhà đầu tư tìm đến.
Năm 2015, tỉnh Tiền Giang khánh thành cầu Mỹ Lợi bắc qua sông Vàm Cỏ đã biến thị xã Gò Công trở thành trung tâm của khu vực phía Đông Tiền Giang với 3 hướng giao lưu kinh tế.
Cầu Mỹ Lợi bắc qua sông Vàm Cỏ kết nối thị xã Gò Công với các trung tâm kinh tế của tỉnh Tiền Giang và khu vực ĐBSCL.
Cụ thể, phía Bắc là điểm trung chuyển quan trọng của tuyến giao thông nối liền Tiền Giang – Long An với TP.HCM thông qua cầu Mỹ Lợi theo quốc lộ 50; phía Đông là giao điểm của hai hướng ra biển Đông, đến cảng Vàm Láng và vùng phát triển du lịch biển Tân Thành; phía Tây là điểm tiếp nối với thành phố Mỹ Tho.
Trong năm 2017 và quí I năm 2018, thị xã Gò Công đã lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung theo kế hoạch của UBND tỉnh về điều chỉnh công tác lập quy hoạch phát triển đô thị tại các huyện, thị xã, thành phố giai đoạn 2017 – 2020.
Ngoài ra, thị xã Gò Công đã lập quy hoạch chi tiết khu tái định cư ấp Muôn Nghiệp, xã Bình Đông, khu công nghiệp Bình Đông, cụm công nghiệp Mỹ Lợi và đang thực hiện lập quy hoạch chi tiết đường Trương Định nối dài và khu dân cư hai bên đường giai đoạn 3, để thực hiện việc kêu gọi đầu tư. Qua công tác quy hoạch và chỉnh trang đô thị đã làm thay đổi diện mạo trên địa bàn thị xã Gò Công ngày càng văn minh, hiện đại hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Với những vị thế về hạ tầng được kết nối giữa Gò Công với các trung tâm phát triển kinh tế trong khu vực, nơi đây sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Tạo điều kiện để thu hút đầu tư
Không chỉ có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng phát triển tốt. Cơ chế chính sách thông thoáng, cởi mở với những hệ thống kho bãi, bến cảng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn chính là sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đến với Gò Công.
9 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất của thị xã Gò Công tăng 5,5% so với năm 2017. Trong đó Nông - lâm - ngư nghiệp tăng 1,6%, Công nghiệp - xây dựng tăng 8,4%, Thương mại - dịch vụ tăng 6,8%. Theo quy hoạch đến năm 2020, toàn thị xã Gò Công có Cụm công nghiệp Mỹ Lợi, Khu công nghiệp Bình Đông.
Hạ tầng hoàn chỉnh, thị xã Gò Công được xem là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Hai trung tâm công nghiệp này có năng lực sản xuất cơ bản đáp ứng nhu cầu tập trung vào nhóm ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ cho ngành nông nghiệp như: Chế biến thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng, xi măng, bao bì, bêtông đúc sẵn,... Và nhóm ngành công nghiệp cơ bản: Phân bón, công nghiệp chế biến thực phẩm, cơ khí,... là một số ngành có tốc độ phát triển khá cao, có tiềm năng phát triển và đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, các ngành nghề truyền thống như: tủ thờ, chạm khắc gỗ và một số ngành nghề mới phát triển như, gia công may mặc, dịch vụ sửa chữa cơ khí,... cũng được tạo điều kiện để phát triển thông qua việc quy hoạch các cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, các khu tái định cư (TĐC) được đầu tư xây dựng, gắn với phát triển đô thị, bước đầu mang lại nhiều hiệu quả. Trong kế hoạch TX tiếp tục mời gọi đầu tư Dự án Đường và Khu dân cư hai bên đường Nguyễn Trãi nối dài và Dự án Đường và Khu dân cư hai bên đường Nguyễn Trọng Dân nối dài.
Hiện 2 dự án trên đã được UBND tỉnh phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, với quy mô của mỗi dự án khoảng 8 ha, với tổng vốn đầu tư 2 dự án trên 220 tỷ đồng.
Nếu 2 dự án này hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo thêm 2 khu đô thị mới, với quy mô mỗi khu đô thị khoảng 2.000 dân, góp phần đẩy nhanh quá trình chỉnh trang, phát triển đô thị ở phường 3, phường 4 và thúc đẩy nhanh các xã Long Hưng, Long Chánh phát triển đô thị để đủ điều kiện thành lập phường sau năm 2020.
Nhìn chung, các hộ vào khu TĐC ổn định và dần thích nghi với nơi ở mới, tạo nên bộ mặt khu dân cư trong nông thôn mới, thúc đẩy quá trình phát triển nguồn nhân lực dồi dào và có chất lượng cho các dự án khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Việt – Giám đốc Công ty Cổ phần may Công Tiến cho biết: “Những năm qua, tỉnh, TX luôn đề cao vai trò, đặt trọng tâm vào việc phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp. Được tạo điều kiện thuận lợi, bước đầu, công ty thực hiện mở rộng 35 dây chuyền sản xuất, tạo công ăn việc làm cho 2.748 lao động, doanh thu 216 tỷ đồng.
Ðể hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển, TX triển khai thực hiện đầy đủ cơ chế chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đối với lĩnh vực này và ngày càng quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp”.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Lợi, Bí thư Thị ủy kiêm Chủ tịch UBND thị xã Gò Công cho biết: Hiện nay con đường phát triển của thị xã còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Gò Công luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân,...
Ngoài ra, thị xã sẽ luôn quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư bằng những chủ trương, cơ chế, giải pháp cụ thể, thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, gắn với giải quyết việc làm, giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Với những lợi thế và định hướng phát triển đúng đắn, môi trường đầu tư thông thoáng, thị xã Gò Công hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nhằm sản xuất, kinh doanh bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xứng đáng là đô thị hạt nhân vùng kinh tế đô thị phía đông của tỉnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.