Bất động sản hàng hiệu chưa phát triển vì nhà đầu tư sợ bị người khác nói… mình giàu
Bất động sản "hàng hiệu" chưa phát triển vì nhà đầu tư sợ bị người khác nói… mình giàu
Quốc Hải
Thứ hai, ngày 11/10/2021 14:28 PM (GMT+7)
Nhu cầu của bất động sản hàng hiệu là rất lớn nhưng nhiều người ngại mua do… khiêm tốn. Chỉ khi nào người dân vượt qua được sự e dè, không sợ người khác nói mình giàu thì lúc đó bất động sản hàng hiệu mới phát triển mạnh.
Đây là nhận định của ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam tại Đối thoại chuyên đề "Nhận diện xu hướng và tiềm năng phát triển bất động sản hàng hiệu" do VnEconomy tổ chức sáng nay.
Giàu tiềm năng nhưng mới… manh nha
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, cho rằng với tốc độ tăng trưởng của giới giàu và siêu giàu Việt Nam đạt 36%/năm trong giai đoạn 2020 - 2025, nhu cầu bất động sản (BĐS) hàng hiệu tại Việt Nam là có thật. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, nguồn cung BĐS hàng hiệu hầu như không có trên thị trường.
"Hiện, có nhiều chủ đầu tư đã và đang lên kế hoạch phát triển BĐS hàng hiệu, có dự án ở vị trí đẹp nhưng thời điểm hiện tại chưa có dự án nào đi vào hoạt động nên nguồn cung không có", bà Dung nói.
Giải thích nguyên nhân khiến nguồn cung BĐS hàng hiệu chưa có, theo bà Dung, có nhiều nguyên nhân khiến các chủ đầu tư mới chỉ "ném đá dò đường".
Thứ nhất, đây là mô hình mới, vấn đề là làm thế nào để giới thiệu tới người mua hay người đầu tư tại thị trường Việt Nam? Đặc biệt, phải làm sao phát triển nó thành xu hướng bền vững? Vẫn là những câu hỏi không dễ nắm bắt.
Thứ hai, giới đầu tư - đối tượng mà thị trường này đang nhắm tới là người giàu, siêu giàu. Vì thế, họ có yêu cầu cao, khắt khe về chất lượng quy cách sản phẩm, đòi hỏi đội ngũ phát triển sản phẩm, thiết kế, xây dựng… phải phát triển được sản phẩm hoàn hảo không có lỗi để khiến giới giàu, siêu giàu quay lưng lại.
Thứ ba, cần hiểu rằng nên phát triển ở quy mô nào, định vị giá ra sao cho phù hợp với thị trường? Rất khó để định vị sản phẩm, làm sao biết được quy mô giai đoạn đầu cho hợp lý mà vẫn mang lại hiệu quả tối ưu.
"Khi chúng ta phát triển sản phẩm hàng hiệu thì có yêu cầu khắt khe về chất lượng, quy cách sản phẩm nên phải chọn đối tác quan trọng làm sao kết hợp đưa ra sản phẩm hoàn hảo. Việc này khá khó khăn nên nguồn cung trên thị trường vô cùng khan hiếm", bà Dung nhấn mạnh.
Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cũng cho rằng, trong thời gian tới, nhu cầu BĐS hàng hiệu tiếp tục phát triển, và đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu càng bức thiết hơn. Phải biết rằng, dù BĐS hàng hiệu có chi phí bỏ ra cao, nhưng bù lại giúp bảo vệ và tái tạo sức khỏe. Nhu cầu đó không mất đi mà tăng theo thời gian…
Ở góc độ kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh doanh, cho rằng, chính chủ đầu tư dự án cũng đang tỏ ra e dè khi phải đầu tư một đống tiền nhưng rủi ro thanh khoản luôn thường trực.
"Đặc biệt, nếu nguồn vốn đầu tư BĐS hàng hiệu được lấy từ các khoản vay ngắn hạn, vay ngân hàng thì sẽ khiến chủ dự án khó khăn về dòng tiền trong tương lai gần. Điều này cũng hạn chế chủ đầu tư tiếp cận phân khúc cao cấp này", ông Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam cho rằng, nhu cầu của BĐS hàng hiệu hiện nay rất lớn nhưng nhiều người ngại mua do tính khiêm tốn cao, hoặc vì một lý do nào đó nên không muốn khoa trương.
"Khi nào người dân vượt qua được sự e dè, không sợ người khác nói mình giàu thì đó là thời điểm bất động sản hàng hiệu ngày càng phát triển", ông Bảo nhìn nhận.
Một yếu tố khiến BĐS hàng hiệu "kén" khách, là bên cạnh yếu tố an toàn (an toàn sức khỏe, bảo mật thông tin, an ninh tốt… là quan trọng nhất) và tính thanh khoản cao (cần tài chính có thể bán được ngay), thì nhà đầu tư rất thích sống trong cộng đồng dân cư có cùng đẳng cấp với mình về sự thành đạt, thuộc giới tinh hoa của xã hội...
"Tôi biết rất nhiều người là chủ dự án nhưng họ vẫn tự đi bán những dự án BĐS thương hiệu để chọn lọc kỹ lưỡng người mua, chọn lọc kỹ cư dân ở dự án của mình", ông Bảo nói thêm.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, ở nước ngoài, BĐS hàng hiệu thường ở trung tâm các thành phố lớn, gần gũi các tầng lớp tinh hoa của chính trị, lãnh đạo doanh nghiệp lớn… để họ dễ dàng trao đổi với nhau. Chính vì sự đặc biệt này, nên tốc độ tăng giá của BĐS hàng hiệu cũng rất nhanh và ngày càng có nhiều nhà đầu tư tìm đến phân khúc này để chứng minh về sự thành đạt, chứng minh mình thuộc giới tinh hoa...
Tuy nhiên, trong điều kiện tại Việt Nam, muốn phân khúc này phát triển, các chủ đầu tư không chỉ phô trương về sự xa xỉ mà còn phải mang lại thêm nhiều giá trị khác như phòng đọc sách, phòng hòa nhạc, khu giải trí, khu nghỉ dưỡng… Song song đó, phải thay đổi được thói quen của người tiêu dùng, khiến họ thích ở những dự án cao cấp.
"Làm sao để người dân ở cảm thấy không cần đi đâu xa vẫn có thể nghỉ ngơi, thuận tiện trong công việc, thuận tiện chăm sóc gia đình và đặc biệt có cộng đồng dân cư có nhiều điểm chung", ông Nghĩa nói.
Khả năng sinh lời của BĐS hàng hiệu ra sao?
Đà tăng giá của BĐS hành hiệu phụ thuộc 3 yếu tố: Thứ nhất, phụ thuộc vào đơn vị quản lý vận hành. Với chất lượng của thương hiệu quản lý quốc tế thì chất lượng sản phẩm được duy trì và tăng theo. Thứ hai, vị trí của BĐS hàng hiệu cực tốt, có thể nằm ở vị trí khan hiếm, nằm trung tâm hoặc ven sông, ven biển có "view" nước, đẹp, tất cả khiến vị trí của nó là số 1. Thì đương nhiên theo thời gian, giá trị tăng lên.
Đặc biệt, người mua BĐS hàng hiệu không chỉ nhắm tới bất động sản mà còn nhắm tới việc trải nghiệm, được cùng trải nghiệm bất động sản và sống cùng cộng đồng tinh hoa của họ. Giá trị này vô hình và cũng là yếu tố làm tăng giá trị cho dự án.
Thực tế, tại Bangkok hay Singapore, những sản phẩm BĐS hàng hiệu được chào bán giá cao trên thị trường. Nghiên cứu những năm gần đây, BĐS hàng hiệu có sự tăng giá 20-30% trong vòng 5 năm…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.