Bất ngờ về quận nhiều phường nhất Hà Nội sau khi sắp xếp đơn vị hành chính

Việt Sáng Thứ bảy, ngày 08/06/2024 09:51 AM (GMT+7)
Trước khi sắp xếp đơn vị hành chính, Đống Đa là quận nhiều phường nhất tại Hà Nội với 21 phường. Thế nhưng sau khi sắp xếp, quận này chỉ còn 17 phường. Theo thống kê, hiện quận Hoàn Kiếm là quận nhiều phường nhất Hà Nội với 18 phường. Đặc biệt, đây là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội.
Bình luận 0

Vừa qua UBND TP.Hà Nội đã thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025, trong đó có tên gọi 52 phường, xã mới sau sáp nhập.

Cụ thể, trong số 16 phường mới, có 14 phường sử dụng lại tên cũ của một trong các phường bị sáp nhập, chỉ có hai phường ghép tên cũ thành mới là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phương Liên - Trung Tự.

Quận Cầu Giấy chỉ thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính và dân số tại một số phường để phù hợp quy định diện tích và dân số nhưng vẫn giữ nguyên số lượng và tên gọi các phường. Cụ thể, điều chỉnh một phần Yên Hòa, Dịch Vọng vào phường Quan Hoa; một phần Nghĩa Đô, Dịch Vọng và Dịch Vọng Hậu vào phường Nghĩa Tân.

Trong số 36 xã mới ở các huyện, có 11 xã sử dụng lại tên gọi cũ của một trong các xã sáp nhập; 20 xã được đặt tên theo cách ghép tên cũ các xã sáp nhập; ba xã có tên mới hoàn toàn là Thiên Đức, Hưng Đạo, Lam Sơn.

Quận nhiều phường nhất tại Hà Nội sau khi sắp xếp đơn vị hành chính

TP Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Quận ít phường nhất Hà Nội là quận nào?

Đơn vị hành chính cấp quận tại Hà Nội gồm 12 quận là Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Tây Hồ.

Bất ngờ về quận nhiều phường nhất Hà Nội sau khi sắp xếp đơn vị hành chính- Ảnh 2.

TP Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã.

Cấp huyện gồm 17 huyện là Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Ứng Hòa. Cùng 1 Thị xã là Sơn Tây.

Trong 30 đơn vị hành chính, Hoàn Kiếm là quận nhiều phường nhất tại Hà Nội.

Theo đó 18 phường tại quận Hoàn Kiếm: Phường Cửa Đông; phường Cửa Nam; phường Chương Dương Độ; phường Đồng Xuân; phường Hàng Bạc; phường Hàng Bài; phường Hàng Bồ; phường Hàng Bông; phường Hàng Buồm; phường Hàng Đào; phường Hàng Gai; phường Hàng Mã; phường Hàng Trống; phường Lý Thái Tổ; phường Phan Chu Trinh; phường Phúc Tân; phường Tràng Tiền; phường Trần Hưng Đạo.

Lịch sử hình thành và phát triển của quận nhiều phường Hà Nội

Bất ngờ về quận nhiều phường nhất Hà Nội sau khi sắp xếp đơn vị hành chính- Ảnh 3.

Quận Hoàn Kiếm luôn là trung tâm của Hà Nội và của Việt Nam, được hình thành cách đây gần 1000 năm.

Quận Hoàn Kiếm luôn là trung tâm của Hà Nội và của Việt Nam, được hình thành cách đây gần 1000 năm.

Khu phố cổ (36 phố phường) được hình thành từ đầu thế kỷ XIX thuộc Triều Nguyễn. Cùng với việc xây dựng Hoàng Thành, Kinh Thành, nhiều đình, đền, chùa...được xây dựng như: đình Kim Ngân, chùa Báo Ân, Báo Thiên, đền Vua Lê, Ngọc Sơn, Bà Triệu...

Từ năm 1886, quận Hoàn Kiếm được phát triển về phía Nam hồ Hoàn Kiếm theo kiểu khu phố của người Châu Âu, với hệ thống bàn cờ được hoạch định trước. Đây là một giai đoạn phát triển mới, mang phong cách xây dựng đô thị Châu Âu với nhiều công trình kiến trúc có sắc thái riêng mang nhiều đường nét kiến trúc Pháp.

Từ năm 1955, đặc biệt là sau năm 1975, việc xây dựng phát triển của quận Hoàn Kiếm đẩy mạnh ra phía ngoài đê, các khu nhà ở tập thể của các cơ quan được hình thành.

Do sự hình thành các khu vực theo từng giai đoạn như vậy, quận Hoàn Kiếm được phân rất rõ ràng với đặc điểm của từng giai đoạn lịch sử:

Khu phố cổ: gồm các phường Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Đào, Cửa Đông, Hàng Buồm, Hàng Mã, Hàng Gai, Đồng Xuân và một phần của hai phường Lý Thái Tổ và Hàng Bông. Các công trình chủ yếu là nhà ở kết hợp với cửa hàng, mật độ xây dựng cao, đường giao thông nhỏ và ngắn.

Khu phố cũ: gồm các phường Cửa Nam, Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Hàng Bông, Hàng Trống, Hàng Bài.

Khu ngoài đê: gồm 2 phường Phúc Tân và Chương Dương, công trình chủ yếu là nhà ở của dân lao động.

Thu ngân sách quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội năm 2024

Báo cáo của quận Hoàn Kiếm cho thấy, năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; song với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, kinh tế quận tăng trưởng khá, doanh thu ngành thương mại - dịch vụ năm 2023 ước tăng 15,7%, đạt 101,8% so với kế hoạch năm 2023.

Các cân đối lớn về kinh tế được bảo đảm, tạo nguồn lực cho phát triển.

Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 100,3% dự toán năm (khoảng 15.980 tỷ đồng).

Lĩnh vực văn hóa tiếp tục có nhiều tiến bộ, các lễ hội văn hóa truyền thống được tổ chức trang trọng, thiết thực, góp phần quảng bá và phát huy giá trị văn hóa khu phố cổ. Giáo dục và đào tạo tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu toàn thành phố về chất lượng, 14 năm liên tục là lá cờ đầu của ngành giáo dục Thủ đô. An ninh, quốc phòng được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Quận đã đạt và vượt 18/18 chỉ tiêu do thành phố và HĐND quận giao.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh được chỉ đạo tập trung, tích cực với 10 mô hình sáng tạo. Trong đó, có 3 mô hình điển hình trong công tác xây dựng Đảng, 7 mô hình trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem