Bất ngờ với các tỉnh miền núi

Thứ ba, ngày 22/06/2010 08:57 AM (GMT+7)
(NTNN) - Ngày 20-6, Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2010. Rất nhiều người trong ngành giáo dục bất ngờ khi tỷ lệ này tăng "cao bất thường" ở nhiều tỉnh miền núi với những trường vùng sâu, xa có tỷ lệ đỗ 100%.
Bình luận 0
 img
Học sinh Sơn La trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010.

Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi), từng nổi tiếng cả nước với sự kiện không có học sinh nào đỗ tốt nghiệp THPT năm 2007. Hai năm tiếp theo, năm 2008, 2009, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của trường này luôn ở vị trí thấp nhất tỉnh, đạt chưa tới 9%. Với sự nỗ lực không mệt mỏi, kỳ thi tốt nghiệp năm nay, Ban giám hiệu chỉ mong đỗ khoảng 50%. Kết quả, trường đỗ tới 90%.

Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Bùi Thế Giới - Hiệu trưởng nhà trường rất lo ngại về học lực học tập của học sinh lớp 12, phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong, Hrê, hơn nửa số học sinh có kết quả học lực yếu ở học kỳ 1, qua những lần kiểm tra, thi thử.

Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2010 của cả nước đạt khoảng 90,2%, tăng gần 7% so với năm 2009. Ở hệ giáo dục thường xuyên thì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cả nước đạt khoảng 60,2% tăng gần 21% so với năm 2009.

Theo công bố của Sở GD - ĐT Quảng Ngãi, thì tỷ lệ thí sinh THPT thi đỗ tốt nghiệp toàn tỉnh đạt 96,24% (tăng 22,86% so với kỳ thi năm trước).

Tương tự, tỉnh Thanh Hoá có 20 trường THPT đỗ tốt nghiệp 100% thì có 2 trường THPT thuộc huyện vùng cao cực tây giáp Lào (Mường Lát và huyện Quan Sơn) - những nơi mà "không ai ngờ" có thể đỗ tới 100% học sinh vì tỷ lệ học sinh trung bình, yếu khá cao. Lai Châu cũng ghi nhận 3 trường THPT đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100% thì có tới 2 trường vùng sâu vùng xa là THPT Quyết Thắng và THPT Sìn Hồ. Điều đặc biệt, THPT Quyết Thắng là trường mới thành lập ở Lai Châu, năm 2010 là khóa tốt nghiệp đầu tiên của trường.

Ngoài con số đẹp "đỗ 100%", công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 2010 năm nay của Bộ GD-ĐT còn thể hiện sự nhảy vọt của các tỉnh miền núi cả về tỷ lệ đỗ lẫn thứ tự trong bảng xếp hạng. Đứng đầu là tỉnh Sơn La khi tăng tới 52,36% đối với hệ THPT và tăng 68,75% đối với hệ giáo dục thường xuyên.

Thứ hạng của Sơn La từ vị trí cuối bảng năm 2009 (vị trí 63) thì năm nay nhảy lên vị trí 36. Yên Bái từ vị trí thứ 52 lên vị trí 12, Hòa Bình từ 38 lên vị trí thứ 25. Hà Tĩnh cũng tạo đột biến lớn khi từ vị trí xếp hạng thứ 50 năm 2009 nhảy vọt lên vị trí 14.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao ở các tỉnh miền núi là đáng mừng. Nhưng nếu chỉ là thi cử hình thức, lấy những con số đẹp thì đó thực sự là một nỗi lo lớn, nhất là gây sự ảo tưởng về giáo dục miền núi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem