Cục Đào tạo nước ngoài (Bộ GDĐT) vừa công bố danh sách các trường được Bộ cho phép đào tạo và liên kết với các trường ĐH-CĐ nước ngoài. Theo danh sách này, hàng loạt trường ở TP.HCM chưa được cấp phép đã tuyển sinh nhiều năm nay hay tuyển sinh trái với đăng ký.
Chưa cấp phép đã đào tạo
Chúng tôi tìm đến Trường CĐ Viễn Đông (TP.HCM) khi trường đang tất bật tuyển sinh cho các chương trình nước ngoài. Theo thông tin trên trang web thì trường này liên kết với 5 trường nước ngoài để đào tạo. 5 chương trình này đều không được Bộ GDĐT cấp phép nhưng trường vẫn tuyển sinh 2 năm học vừa qua.
|
Hiện có rất nhiều trường chưa được cấp phép liên kết đào tạo nhưng đã tuyển sinh từ nhiều năm nay (ảnh minh họa). |
TS Nguyễn Văn Phương - Trưởng Bộ phận hợp tác quốc tế của trường thừa nhận: "Chương trình của chúng tôi chưa được Bộ cho phép". Sau phút ngập ngừng, ông nói thêm: "Chương trình này, chúng tôi mới in ra thôi, chứ chưa tuyển sinh. Nếu Bộ GDĐT có hỏi, chúng tôi sẽ giải trình".
Ông Nguyễn Xuân Vang - Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài cho biết, sau rất nhiều lần Bộ GDĐT yêu cầu báo cáo về tình hình liên kết nhưng Trường CĐ Viễn Đông vẫn không gửi báo cáo.
Nhiều trường ĐH khác dù có tên trong danh sách được cấp phép nhưng khi được hỏi về việc chương trình liên kết với nước ngoài có phép hay chưa thì lãnh đạo các trường đều tìm mọi cách... "tránh né". Đơn cử, tại Trường ĐH Bình Dương, khi phóng viên liên hệ làm việc thì được phía nhà trường cho biết phải hẹn trước 1 tuần để đăng ký làm việc với lãnh đạo; đồng thời cũng phải có giấy giới thiệu, công lệnh thì trường mới tiếp.
Tuy nhiên, khi không thể "né" mãi được thì ông Cao Việt Hưng - Phó Hiệu trưởng nhà trường, mới thừa nhận: Trường ĐH Bình Dương được Bộ GDĐT cho phép liên kết 4 chương trình đào tạo. Tuy nhiên, trường đã tổ chức liên kết đào tạo với nhiều trường khác nữa.
Lý giải về số trường ĐH-CĐ phát sinh này, lãnh đạo Trường ĐH Bình Dương cho biết: "Sở dĩ có các chương trình đào tạo này là vì ông Cao Văn Phường (Hiệu trưởng nhà trường - PV) là Viện sĩ - tiến sĩ của Nga nên dễ dàng... thỏa thuận với các bạn đồng nghiệp của Nga để mở các chương trình liên kết đào tạo". Ông Hưng cho biết thêm: "Đợi có giấy phép của Bộ GDĐT thì sẽ mất mối quan hệ với đối tác nên phải... nhắm mắt làm liều".
Quyền lợi thí sinh bị bỏ ngỏ
Chưa nói đến mức học phí phải trả, việc theo học các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài không phép (Bộ GDĐT chưa có sự thẩm định về chất lượng chương trình, giá trị bằng cấp...) tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro.
Chẳng hạn, khi chương trình chưa có phép của Bộ GDĐT, nếu học viên theo học thì có thể sẽ bị thôi học giữa chừng do Bộ GDĐT ra quyết định ngừng tuyển sinh và đào tạo. Hoặc "đau" hơn là khi đã lấy được bằng cấp rồi, học viên mới phát hiện ra bằng cấp không có giá trị và không được công nhận trên phạm vi quốc tế.
Theo Bộ GDĐT, đã có nhiều trường hợp liên kết đào tạo với nước ngoài "chui" bị Bộ phát hiện và đình chỉ. Theo quy định, học viên sẽ được bồi thường. Tuy nhiên, tới thời điểm này chưa có học viên nào được bồi thường vì sai phạm của nhà trường.
Đơn cử như khoa Quản trị kinh doanh của ĐH Quốc gia Hà Nội đã liên kết với ĐH Irvine (Mỹ) đào tạo hàng trăm thạc sĩ tại VN. Học phí mỗi khóa học này khoảng 15.000USD. Nhưng sau đó, người học mới phát hiện ĐH Irvine chỉ là một "xưởng" cấp bằng và không được kiểm định chất lượng bởi các tổ chức công nhận uy tín của Mỹ.
Có thể nói, việc mở các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài ở các trường ĐH - CĐ trên cả nước đang nở rộ như "nấm sau mưa". Hầu như trường ĐH nào dù mới thành lập cũng có vài chương trình liên kết đào tạo, cả chính thức lẫn... "chui". Vì vậy, người học cần cảnh giác để tránh “tiền mất tật mang”.
Thanh Hằng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.