Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đắk Nông cho biết, năm 2017, qua quá trình thanh tra, kiểm tra chuyên ngành quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở đã lấy 48 mẫu phân bón các loại để phân tích hàm lượng. Qua các lần phân tích kết quả cho thấy, có 7 mẫu phân bón của 7 Công ty sản xuất, phân phối không đạt chất lượng.
Sở đã có công văn đề nghị Sở NNPTNT các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên, Long An và TP Hồ Chí Minh tiến hành thanh, kiểm tra các công ty sản xuất, phân phối đóng trên địa bàn có phân bón kém chất lượng để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân, người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh phân bón không kinh doanh, mua bán, sử dụng những sản phẩm phân bón kém chất lượng nêu trên.
Điều đáng nói là, tình trạng phân bón kém chất lượng, phân bón giả đang len lỏi vào thị trường thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo giới thiệu sản phẩm. Thực tế tại Đắk Nông, tính đến 11/2017, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã cấp phép cho hơn 500 buổi hội thảo, giới thiệu, tiếp thị phân bón tại các địa phương trong tỉnh. Tính trung bình, mỗi năm mỗi thôn, bản đều có 1 cuộc hội thảo, giới thiệu, tiếp thị phân bón.
Phân bón mua từ hội thảo chất lượng không như mong muốn. Ảnh: IT.
Theo phản ánh của nhiều người dân, phần lớn các buổi hội thảo, sau khi kết thúc người tham dự sẽ được tặng một số sản phẩm về dùng thử. Những sản phẩm tặng này có chất lượng rất tốt nên họ đã chọn mua sản phẩm với số lượng lớn để bón cho cây trồng, nhưng sau đó gặp phải phân bón kém chất lượng.
Anh Hoàng Văn Sóng (thôn 4, xã Nhân Cơ) cho biết, vừa rồi Công ty TNHH Nam Long (xã Kiến Thành, huyện Đắk R’Lấp) có tổ chức hội thảo, giới thiệu sản phẩm phân bón vi sinh nhãn hiệu BM001 của công ty cổ phần VIETSTAR. Trước lời quảng cáo về chất lượng của sản phẩm, anh Sóng đã mua 1 tấn phân với giá 6,5 triệu đồng và được công ty tặng kèm thêm 1 chai phân nước.
Tuy nhiên, đến khi mở bao phân bón cho cà phê thì anh phát hiện ra phân vi sinh BM001 có nhiều tạp chất. Anh Sóng lấy khoảng 2 kg phân cho vào nước khuấy tan thì thấy có một lượng lớn tạp chất là gạch, ngói, xà bần và thủy tinh đọng lại, ước chừng bằng 30% lượng phân.
Đến ngày 24/10, Sở NNPTNT tỉnh Đắk Nông có báo cáo về kết quả xác minh thông tin phân bón của Công ty Cổ phần Vietstart. Theo đó, phân bón được sản xuất chủ yếu từ nguồn rác thải, trong quá trình sản xuất, dù đã qua nhiều quy trình nhưng vẫn không loại bỏ hết được tạp chất. Lô hàng mà các hộ dân xã Nhân Cơ mua phải có lẫn vỏ sò, mảnh thủy tinh to hơn bình thường là lỗi kỹ thuật… do sàn lưới bị thủng.
Bà Hoàng Thị Duyên, Chi Cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Nông cho rằng, mật độ các chương trình, hội thảo giới thiệu, tiếp thị phân bón hàng năm của địa phương là nhiều. Một số thương hiệu phân bón chưa có uy tín trên thị trường chọn cách này để giới thiệu sản phẩm, khiến nông dân bị nhiễu thông tin.
Trong khi đó, theo Chi cục Quản lý thị trường, hiện toàn tỉnh có tới 100 nhà nhập khẩu, phân phối phân bón với hơn 500 cơ sở kinh doanh trực tiếp phần lớn sản phẩm phân bón trên thị trường tỉnh là được nhập từ các địa phương khác. Tính đến hết 20/9/2017, đơn vị này đã phát hiện 117 vụ vi phạm hoạt động kinh doanh phân bón vô cơ, trong đó có 7 vụ phân bón kém chất lượng, 2 vụ phân bón giả, 2 vụ nhập lậu, 1 vụ phân bón không rõ nguồn gốc… tổng số tiền phạt hơn 530 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.