“Bắt tay” để cùng thắng

Thứ năm, ngày 30/09/2010 22:14 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc sản xuất và tiêu thụ nông sản từ trước đến nay luôn là "cuộc chiến" giành lợi nhuận giữa nông dân và doanh nghiệp. Trong khi đó, quy luật của thương trường khẳng định: Chỉ có thể phát triển bền vững khi cả hai cùng thắng.
Bình luận 0

Do vậy, gần đây giữa nhà nông và doanh nghiệp đã có những cái "bắt tay", tuy chưa nhiều nhưng đã tạo nên những mô hình làm ăn có hiệu quả, hứa hẹn hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp. Ở Bà Rịa-Vũng Tàu, tuy mới manh nha nhưng xu hướng này cũng đang mạnh dần lên.

img
Nông dân chăm sóc vườn đậu do Công ty Hạt giống liên doanh Đông Tây nhận bao tiêu.

Bao tiêu sản phẩm cho nông dân

Từ 2008, Công ty Hạt giống liên doanh Đông Tây (ấp 2, xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) đã phối hợp cùng Hội Nông dân các địa phương trong tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai mô hình điểm bao tiêu nông sản cho nông dân.

Mô hình đầu tiên là cung ứng giống bắp, ca cao, đậu xanh cho bà con nông dân ở tổ 12, ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức trồng trên diện tích 7ha. Hình thức ký hợp đồng bao tiêu được thoả thuận như sau: Doanh nghiệp bao tiêu 50% sản lượng sau khi thu hoạch với giá hợp đồng, 50% còn lại sẽ thu mua theo giá của thị trường vào thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên, nếu giá nông sản trên thị trường thấp hơn giá hợp đồng công ty sẽ thu mua 50% còn lại với giá bao tiêu.

Ông Bùi Minh Hải (ấp Suối Lúp) cho biết, giá thu mua của công ty đưa ra luôn cao hơn giá thị trường nên bà con nông dân không lo bị lỗ.

Ông Nguyễn Tiến - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Ba cho biết, Công ty Đông Tây chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật (kỹ thuật trồng, thu hoạch, phân loại sản phẩm), ứng trước vật tư (hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) và thu mua hết sản phẩm, nông dân chỉ việc bỏ công trồng theo diện tích đã ký theo hợp đồng. Do vậy, so với hình thức trồng tự phát trước đây, vụ vừa rồi bà con nông dân có lãi 3-5 triệu đồng/ha.

Từ những kết quả ban đầu, hiện nay Công ty Đông Tây đã mở rộng bao tiêu các loại cây trồng khác như đậu cove, đậu đũa… trên diện tích hơn 1.000ha trong toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tập trung tại các huyện Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc. Ông Nguyễn Văn Khoa (đại diện của công ty tại Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân.

Ngoài Công ty Đông Tây, Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai) cũng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho hơn 500ha bắp (ngô) của nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu. Ở quy mô nhỏ hơn, nhiều mặt hàng nông sản khác của nông dân cũng được các nhà hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh ký các hợp đồng bao tiêu.

Liên kết - xu hướng tất yếu

img Do thói quen sản xuất theo tập quán lạc hậu nên nông sản làm ra không có số lượng lớn, không đồng đều về giống, mẫu mã, chất lượng, dẫn đến giá thành cao và giảm khả năng cạnh tranh. Vì vậy, nông dân cần thay đổi tư duy, liên kết với nhau tạo thành tổ sản xuất, Hợp tác xã để tự cứu mình. img

Ông Trần Ngọc Thới - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Việc các công ty bao tiêu sản phẩm cho nông dân không phải là cách làm mới, nhưng luôn mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, cho đến nay những cái "bắt tay" giữa nhà nông và doanh nghiệp vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân là do ngành nông nghiệp phát triển tự phát với quy mô nhỏ lẻ, dẫn đến nghịch lý "thừa và thiếu". Sản phẩm nông dân trồng nhiều khi theo phong trào chứ không theo thị trường, không biết bán cho ai, trong khi thị trường vẫn thiếu sản phẩm được ưa chuộng.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ nhiệm Hợp tác xã Phước Hải, huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, hiện sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã vẫn thiếu đầu ra ổn định, vẫn phải bán trôi nổi trên thị trường. Thế nhưng, khi hệ thống siêu thị Co.op Mart ở TP. Hồ Chí Minh ký hợp đồng yêu cầu Hợp tác xã cung cấp 2 tấn rau các loại/ngày thì Hợp tác xã không đáp ứng được do sản lượng ít.

Ông Trần Ngọc Thới - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận xét: "Do thói quen sản xuất theo tập quán lạc hậu nên nông sản làm ra không có số lượng lớn, không đồng đều về giống, mẫu mã, chất lượng, dẫn đến giá thành cao và giảm khả năng cạnh tranh. Vì vậy, nông dân cần liên kết thành tổ sản xuất, Hợp tác xã để cứu mình".

Trong liên kết này, Hợp tác xã được hy vọng là đầu mối trung gian giữa nông dân và doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích hài hoà của hai phía. Nông dân sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp, bảo đảm quy trình sản xuất bền vững, an toàn, xóa bỏ sản xuất theo kiểu tự do không bám sát thị trường; chú trọng xây dựng thương hiệu cho nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn về sản lượng và chất lượng thì sản phẩm mới có giá trị cao. Doanh nghiệp được trông đợi chia sẻ rủi ro với nông dân trong những trường hợp mất mùa do thiên tai, dịch bệnh gây ra… Nếu được như vậy thì mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp mới được bền vững theo hướng hợp tác, cùng nhau chia sẻ khó khăn và lợi nhuận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem