Giảm chi phí, tăng chất lượng
Được chọn tham gia chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của TP.Hà Nội từ năm 2012, sau 3 năm triển khai thực hiện, vùng trồng lúa chất lượng cao của xã Tam Hưng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể. Đến nay, mô hình này vẫn được duy trì, phát triển bền vững.
Cánh đồng lúa chín vàng, bông nặng trĩu ở xã Tam Hưng. Ảnh: N.Q
Hợp tác xã Tam Hưng cũng là một trong những mô hình đầu tiên của TP.Hà Nội phát triển chuỗi lúa gạo. HTX đã đưa vào thực hiện 100ha chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao giống Bắc thơm số 7, cho đến nay diện tích vẫn được duy trì và phát triển mở rộng hàng vụ từ 400 - 500ha, chiếm 70 - 80% diện tích đất canh tác của xã.
Để sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển hiệu quả, nhất là chuyển đổi giống cây trồng, từ vụ mùa năm 2012, HTX đã mạnh dạn đưa giống lúa nếp cái hoa vàng vào thử nghiệm 50ha tại cánh đồng thôn Song Khê và đã đạt được hiệu quả kinh tế, chất lượng.
Vùng trồng lúa chất lượng cao của xã Tam Hưng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể. Ảnh: I.T
HTX Tam Hưng tiên phong trong việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất như quy hoạch vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích trên 100ha, đầu tư mua sắm hệ thống chế biến và bảo quản sản phẩm gắn với liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân trong xã. |
Từ năm 2012 - 2013, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là khâu dồn ô đổi thửa từ ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đưa cơ giới hóa vào sản xuất, HTX đã mở rộng diện tích lúa nếp cái hoa vàng lên 100ha, đến năm 2014 - 2015 là 150ha và từ 2016 - nay là 250ha, cho năng suất bình quân đạt từ 52 - 55 tạ/ha, thu nhập từ 80 - 85 triệu đồng/ha/vụ. Bên cạnh đó, HTX đã quy hoạch vùng sản xuất tốt theo tiêu chuẩn VietGAP.
Qua việc sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của xã cho thấy: Giống lúa Bắc thơm số 7 cho thu nhập cao hơn giống lúa thường 20 - 25%, giống lúa nếp cái hoa vàng cho thu nhập cao hơn giống lúa thường từ 40 - 50%.
Thành công trong khâu liên kết
Để sản phẩm nông nghiệp của xã khẳng định về chất lượng an toàn đến người tiêu dùng, được sự giúp đỡ của Trung tâm phát triển cây trồng TP.Hà Nội, HTX đã xây dựng nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Bối Khê” với mong muốn khi có thương hiệu sẽ thu hút được các công ty, doanh nghiệp vào liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nông dân.
Sản phẩm gạo thơm Bối Khê sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt và được cấp giấy chứng nhận nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đang được tiêu thụ thông qua các cửa hàng tiện ích, kênh phân phối và một số nhà hàng trong TP.Hà Nội.
Vụ xuân năm 2018, HTX Nông nghiệp Tam Hưng đã liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, cụ thể: Liên kết với Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (nay là tập đoàn giống cây trồng Việt Nam) triển khai trồng 50ha lúa Đài thơm 8 và 30ha lúa Bắc hương 9; liên kết với Công ty cổ phần xuất khẩu nông sản Bảo Minh trồng 20ha bằng giống lúa Tám hương sen (nhóm Japonica) và 30ha lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, xã đã liên kết với một số doanh nghiệp lớn để tiêu thụ ổn định sản phẩm lúa gạo cho nông dân.
Theo Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, chuỗi lúa gạo của xã Tam Hưng đang phát triển đúng định hướng của ngành nông nghiệp Hà Nội. Việc phát triển chuỗi đã góp phần kiểm soát chặt chẽ từ khâu giống đến thu hoạch, tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Thông qua mô hình này, nông dân còn được tập huấn kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản sản phẩm, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, giảm thiểu tác hại đến môi trường.
Trong thời gian tới, Tam Hưng sẽ đẩy mạnh phát triển vùng trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP chiếm từ 30 - 50% diện tích đất nông nghiệp của xã, cho ra thị trường những sản phẩm an toàn và chất lượng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.